Chủ nghĩa thực dụng trong thanh thiếu niên: Nỗi lo không của riêng ai!

Thứ ba, 22/09/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Vô cảm, sống thực dụng... là những vấn đề đang được dư luận toàn xã hội quan tâm, âu lo khi nói về thế hệ trẻ hôm nay.

1. Bên cạnh phần đông những thanh thiếu niên (TTN) ưu tú, tích cực, hiện nay có một bộ phận không nhỏ TTN, trong đó có học sinh - sinh viên (HSSV) đang chạy theo lối sống của chủ nghĩa thực dụng. Chính lối sống này đã dần dần đưa đẩy không ít TTN, HSSV rơi vào những cạm bẫy chết người, hoặc trở nên thờ ơ, vô cảm trước cuộc sống.

Còn nhớ cách đây không lâu, cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Trung gây thiệt hại và tổn thất nặng nề về người và của (trong đó có Đà Nẵng). Sau khi bão tan, một hình ảnh đau lòng và phản cảm đã được báo chí lên tiếng phản ảnh, đó là: hình ảnh của rất nhiều TTN đang thản nhiên ngồi trong các quán cà-phê nhả thuốc, vô cảm trước cảnh tượng cây đổ, nhà cửa đổ ngập đường và những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của người lao công, của lực lượng thanh niên tình nguyện đang đi dọn dẹp đường phố sau cơn bão... Có không ít TTN khi chứng kiến cảnh TNGT hoặc thấy cụ già băng qua đường một mình giữa chốn đông người nhưng vẫn vô tình rồ ga phóng vượt qua và buông ra những ngôn từ nghe đau đến nhói lòng: “Muốn chết à? Già rồi, ở nhà cho con cái nhờ!”...

2. Không thể phủ nhận rằng, hiện nay có một bộ phận TTN ít tham gia vào các hoạt động mang lợi ích cho cộng đồng, thờ ơ với những gì đang diễn ra xung quanh... Phát biểu thảo luận tại Hội nghị sơ kết về công tác phối hợp bảo vệ ANTT trong các trường ĐH, CĐ, THCN do CATP Đà Nẵng tổ chức vào ngày 17-9-2009, hầu hết các đại biểu đều đồng với quan điểm của Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, khi cho rằng có 5 đặc điểm dễ nhận thấy trong một bộ phận không nhỏ HSSV hiện nay, đó là: “Thiếu ý thức về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nên dễ rơi vào các hoạt động không lành mạnh, đua đòi theo chúng bạn rượu chè, cờ bạc, văng tục chửi thể, đánh nhau, bỏ giờ, trốn học, truy cập vào những trang website không lành mạnh...; không có ý thức về chính trị, thiếu sự nhạy cảm đối với những vấn đề của xã hội, của đất nước, vì thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng, truy cập vào những trang web có nội dung thông tin đầy chất phản động, sa ngã và những luận điệu mị dân về dân chủ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng để rồi vô tình rơi vào âm mưu diễn biến hòa bình; coi thường ý thức chấp hành pháp luật như Luật Giao thông, tàng trữ vận chuyển ma túy, rơi vào tệ nạn xã hội, sử dụng hung khí...; không chú ý rèn luyện đức, luyện tài trong học tập, không chăm chỉ, ít quan tâm nghiên cứu, học có tính đối phó sử dụng tài liệu, mua điểm, tiêu cực trong thi cử; chủ nghĩa thực dụng quá đáng, cái gì có lợi cho cá nhân thì làm, không có lợi cho mình thì tìm cách lảng tránh, không tham gia. Nhiều sinh viên thực dụng một cách nghiệt ngã: không quan tâm, không chia sẻ, thậm chí vô cảm, vô tâm trước lợi ích của cộng đồng, tập thể, gây nên bức xúc trong các thế hệ đi trước, tạo nên sự lung lay trong các thế hệ...”.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng tham gia cuộc phát động phong trào “Sinh viên đạp xe vì môi trường” do CLB Đại sứ Môi trường Bayer Đà Nẵng tổ chức. Song, hiện nay có một bộ phận thanh thiếu niên rất thờ ơ với các hoạt động vì cộng đồng như thế này. Ảnh: P.T 

3. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn trên, trong đó có 2 nguyên nhân chính: tác động xấu của cơ chế thị trường với tư tưởng thực dụng của xã hội kim tiền đang ăn sâu, len lỏi vào trong đời sống của đại bộ phận các gia đình kể từ sau khi đất nước mở cửa; việc nắm bắt về những diễn biến trong tư tưởng, tình cảm của TTN, trong đó có HSSV, của các bậc cha mẹ, nhà trường, của ngành GD-ĐT và các ban, ngành chức năng còn yếu... Bên cạnh đó, cần mạnh dạn nhìn nhận khách quan là vai trò của Đoàn, Đội và công tác quản lý HSSV còn nhiều bất cập, chưa đổi mới và chưa có sức thu hút các lực lượng TTN tham gia vào công tác đoàn thể... Công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục đạo đức lối sống cho HSSV... chưa được đổi mới, còn mang nặng hình thức, chưa được thường xuyên và thiếu sức thuyết phục...

Sự vô cảm, tư tưởng thực dụng sẽ dần dần đẩy những bạn trẻ đi vào lối sống ích kỷ, không biết chia sẻ và bất chấp mọi thủ đoạn (dù biết là vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục) để bằng mọi giá đạt được cái mà họ cần, họ muốn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh công tác giáo dục phẩm chất đạo đức, chính trị, lý tưởng sống cống hiến trong TTN - HSSV và phải có sự đổi mới trong phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Ngoài trách nhiệm của gia đình, ngành Giáo dục, cần có sự chung tay của toàn xã hội đối với vấn đề này. Nếu không, trong tương lai không xa nữa sẽ có một thế hệ trẻ có thực lực nhưng yếu kém về phẩm chất và đạo đức. Trong khi đó, Nguyễn Du từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, và lời Bác Hồ căn dặn: “Người có tài mà không có đức là kẻ vô dụng”!

A.Hào