Chủ quyền Iraq – chìa khóa bảo đảm cho ngành công nghiệp năng lượng Ấn Độ

Thứ năm, 09/04/2020 17:58

Ấn Độ có thể ủng hộ một Iraq có chủ quyền nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho chính mình.

Mối quan hệ giữa Iraq và Ấn Độ luôn tốt đẹp trong nhiều năm qua.  Ảnh: Diplomat

Trong nhiều năm qua, nguyên nhân chủ yếu đằng sau sự hỗn loạn trong xã hội Iraq là chiến lược lâu dài của Iran trong việc giành quyền kiểm soát nhà nước Iraq. Hậu quả sự kiểm soát của nước ngoài đối với Iraq không chỉ là thảm họa đối với công dân của chính nước này mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nước khác. Hiện nay hậu quả của tình trạng này đang được cảm nhận trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trong khi phần lớn Trung Đông phải đối mặt với sự bất ổn của Iraq, Ấn Độ đặc biệt có nguy cơ chịu những tác động xấu đối với kinh tế do mối quan hệ thương mại lâu dài với Iraq.

Phụ thuộc vào Iraq

Trong khi mối quan hệ giữa Iraq và Ấn Độ luôn thân thiện, thương mại giữa hai quốc gia đã có một bước tiến mạnh mẽ trong những năm ngay sau khi Mỹ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. Mối quan hệ này ngày càng trở nên có giá trị đối với Ấn Độ và các nhà ngoại giao từ New Delhi đã nỗ lực bền bỉ phát triển mối quan hệ này trong những năm qua.

Hiện nay, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Iraq, chỉ sau Liên minh Châu Âu và Trung Quốc. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự xáo trộn nào ở Iraq cũng đều gây ra những ảnh hưởng nhất định ở Ấn Độ cũng như tác động xấu đến nền kinh tế của nước này. Bất ổn ở Iraq do sự can thiệp của Iran và nhiều nguyên nhân khác - từ tham nhũng của chính phủ cho đến các quy định đàn áp kinh tế - đã tạo ra một trách nhiệm lớn cho New Delhi. Một ví dụ rõ ràng về điều này là sự phụ thuộc của New Delhi đối với Baghdad về năng lượng. Hầu hết các quốc gia lớn ở Châu Á sử dụng dầu mỏ có nguồn gốc từ các cơ sở khai tác dầu thô ở miền nam Iraq. Các chuyên gia nhanh chóng chỉ ra rằng, Ấn Độ sẽ là nước phải gánh chịu nhiều nhất nều có sự gián đoạn trong sản xuất dầu mỏ của Iraq.

Ấn Độ nhận 40% dầu từ Trung Đông và 20% từ Iraq. Trong bối cảnh các nước cung cấp dầu truyền thống như Venezuela và Iran không còn là lựa chọn khả thi do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nước này, Ấn Độ thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào Iraq vì nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình. Các diễn biến gần đây ở Iraq cho thấy rõ sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Baghdad. Sau cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Tướng Qassem Soleimani, lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Iran, biến động chính trị sau đó đã gây ra sự gián đoạn lớn đối với thị trường trên khắp Ấn Độ. Từ việc tăng phí xuất nhập khẩu đến biến động giá trị tiền tệ đã thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Ấn Độ lên tới 50 tỷ USD – tương đương 2% GDP của nước này.

Hãy bảo vệ Iraq

Để bảo vệ nền kinh tế Ấn Độ, cũng như của tất cả các quốc gia khác có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Iraq, giải pháp dài hạn duy nhất là mang lại tình hình ổn định cho Iraq; có nghĩa là ngăn cản sự ảnh hưởng của Iran đối với Iraq, để Baghdad có thể trở thành một quốc gia có chủ quyền đích thực.

Đây là một mục tiêu có thể đạt được nhờ vào các phong trào ủng hộ chủ quyền rộng lớn ở Iraq nằm dưới sự bảo trợ của Liên minh chủ quyền đối với Iraq. Sự tồn tại của các phong trào chính trị phi phe phái và chống bè phái ủng hộ sự thống nhất và độc lập này đã trở thành hiện thực ở Iraq trong ít nhất một thập kỷ qua. Các đảng như Anh em nhà Najaha từ Mosul, Mặt trận Quốc gia độc lập và Phong trào Trí tuệ Quốc gia đã nỗ lực bảo vệ chủ quyền, chống Teheran, và tạo cho Iraq cơ hội thực sự để bảo vệ các ngành công nghiệp và thể chế chính trị. Trong những năm qua các đảng này đã chứng tỏ mình là một lực lượng chính trị mạnh mẽ ở cả cấp địa phương và quốc gia. Iraq được tự do, thực sự khỏi sự đàn áp của Iran, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ cho người Iraq mà còn cho toàn bộ khu vực, và thậm chí là toàn bộ cộng đồng quốc tế.

Nhưng chỉ với sự hỗ trợ từ các quốc gia đối tác, như Ấn Độ, những người ủng hộ chủ quyền mới có thể có được ảnh hưởng thực sự ở nước này. Các quốc gia có mối quan hệ kinh tế mạnh với Iraq nên quan tâm trong việc thúc đẩy bảo đảm một Iraq độc lập và tự do.

AN BÌNH