Chủ tịch Hồ Chí Minh - thiên tài dự báo tương lai

Thứ hai, 30/08/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thiên tài đa diện: là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa, nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà lý luận lỗi lạc, nhà thơ lớn của dân tộc, nhà báo cách mạng vĩ đại, nhà chiến lược quân sự đa tài, nhà ngoại giao xuất sắc và nhà tiên tri.

Những dự báo tương lai của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành là nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, cộng với năng lực khái quát và tổng kết lịch sử - thực tiễn.

Sau những năm tháng bôn ba ra nước ngoài khảo sát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được chính xác đặc điểm của xu thế phát triển của thời đại. Nhờ có năng lực nhìn xa trông rộng bao quát lịch sử và thời đại Người đã khai phá ra con đường cách mạng chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đó là: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó khơi dậy được toàn bộ sức mạnh trí tuệ tài năng của dân tộc và của thời đại.

Ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, Người đã đưa ra những tiên đoán kỳ diệu với độ chính xác gần như tuyệt đối. Thiên hướng đó ở Người đã bộc lộ khá sớm. Trong một bức thư gửi cho nhà cách mạng yêu nước Phan Châu Trinh vào tháng 8-1914 từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã viết: “Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đang vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng cháu đã nói với bác về cơn sấm động này...”. Điều đó có nghĩa là trước đó Bác đã dự đoán: cuộc đại chiến thế giới 1914 – 1918 sắp nổ ra.

Trong truyện ngắn “Con người biết mùi hun khói” - một truyện viễn tưởng đăng trên báo Nhân đạo (Pháp) ngày 20-7-1922, Nguyễn Ái Quốc đã viết về lễ kỷ niệm lần thứ 50 của ngày cách mạng thành công ở nước Cộng hòa Liên hiệp Phi, Người đã tiên đoán cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa sẽ thành công vào năm 1948. Như vậy cơ bản phù hợp với thời gian Thắng lợi Cách mạng tháng 8- 1945 ở Việt Nam, với nền độc lập của Ấn Độ (1947) và thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc (1949). Còn quang cảnh của ngày mừng độc lập thì Người đã tả gần giống như ngày Quốc khánh của nước ta: “... Ở các bao lơn và các cửa sổ mọc ra muôn vàn tấm lá cờ đỏ phấp phới yêu kiều trước gió... Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố, vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh...”.

Năm 1924, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương” Người đã dự báo về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thế giới mới với tiên đoán “Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản”.  Người còn chỉ ra rằng Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương sẽ trở thành miếng mồi béo bở cho các đế quốc nên khu vực này “tương lai có thể trở thành một lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh”. 15 năm sau, điều tiên đoán này của Người đã trở thành hiện thực, năm 1939 chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, phát-xít Đức tấn công Liên Xô, các nước xung quanh Thái Bình Dương đã trở thành một chiến trường ác liệt.

Ngày 1-1- 1942, trên báo Việt Nam độc lập số 114, Người đã làm bài thơ “Chúc mừng năm mới”, bài thơ tràn đầy niềm lạc quan và triển vọng thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới mặc dù cuộc chiến tranh vệ quốc của Liên Xô đang gặp khó khăn, bọn phát-xít đang làm mưa làm gió trên bầu trời Âu – Á. Cùng in trong số báo trên còn có bài “Năm mới công việc mới”, Người khẳng định: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại, Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”.

Vào mùa xuân Canh Ngọ (2-1942), Người biên soạn cuốn “Lịch sử nước ta”. Cuối tác phẩm có mục những năm tháng quan trọng ghi những sự kiện lớn trong lịch sử dân tộc, sự kiện cuối cùng Người viết: 1945 - Việt Nam độc lập. Thật là một dự báo kỳ diệu, trong lúc các nguyên thủ của phe đồng minh dự tính phải đến năm 1946 thì mới có thể đánh bại phe phát-xít.

 Phải kiên quyết bắn rơi máy bay địch nếu chúng liều lĩnh xâm phạm bầu trời Tổ quốc chúng ta.
(Lời Hồ Chủ tịch căn dặn bộ đội ngày Bác đến thăm đơn vị pháo cao xạ Sông Thương tháng 2-1964). Ảnh: Tư liệu

Năm 1949, trong truyện ngắn “Giấc ngủ mười năm” với bút danh Trần Lực do Tổng bộ Việt Minh xuất bản, Người phác họa sự biến đổi của đất nước ta và con người Việt Nam sau chiến tranh. Trong đó Người vẽ ra viễn cảnh của xã hội nước ta sau khi chiến tranh kết thúc cho đến năm 1958 với những sự kiện gần như xác thực.

Đặc biệt Người đã mô tả trận đánh cuối cùng có quy mô to lớn, ác liệt; giặc Pháp đã phải huy động “từng đàn, từng lũ máy bay... tủa ra như ong”. “Chúng dội bom xuống như mưa. Tốp máy bay này về thì tốp khác tới, chúng thay nhau ném bom... tiếng nổ long trời chuyển đất, khói lên nghi ngút như mây”. Qua sự miêu tả ấy, chúng ta đều liên tưởng đến trận đánh quyết chiến, quyết thắng mang tầm chiến lược đã diễn ra ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Năm 1960, Người tiên đoán: chậm nhất là 15 năm nữa nước nhà sẽ thống nhất. Trong Diễn văn bế mạc Người đọc tại lễ Quốc khánh 2- 9 tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội có đoạn viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ-Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh thì chậm nhất 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc – Nam nhất định sum họp một nhà”. Đúng 15 năm sau vào ngày 30 – 4 – 1975 đất nước ta hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất đúng như tiên đoán của Người.

Trước khi từ biệt chúng ta, Người đã tin tưởng dặn lại trong di chúc: “ ... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định hoàn toàn sẽ thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định phải thống nhất. Đồng bào Nam - Bắc nhất định sum họp một nhà”. Người còn hình dung cụ thể tình huống cuối cùng trước khi Mỹ phải cút khỏi nước ta “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”. Khi nhắc lại kinh nghiệm ở Triều Tiên, trước khi thua Mỹ đã ném bom hủy diệt Bình Nhưỡng, Người dự báo: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Thực tế đã diễn ra đúng như tiên liệu của Bác Hồ. Trước khi chịu ký kết Hiệp định Paris ngày 23-1-1973, Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội.

Ngày nay ôn lại các dự báo của Người, chúng ta hiểu thêm một phương diện thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Văn Huân