Chủ tịch nước dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long
(Cadn.com.vn) - Sáng 5-2 (tức ngày mồng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương khai Xuân Đinh Dậu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội đã đến dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài có công với đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh tại lễ dâng hương |
Sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương tại khu vực thềm Rồng điện Kính Thiên khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh. Lễ dâng hương khai Xuân gồm nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, trống hội. Ngay từ sáng sớm, đoàn rước kiệu gồm 4 kiệu võng và 1 kiệu hóa với sự tham gia của hơn 300 người được tập kết tại sân Đoan Môn, tiến vào sân Rồng điện Kính Thiên, dâng lễ lên điện Kính Thiên theo đúng nghi thức truyền thống. Kiệu thánh được rước từ 4 ngôi đền, đình thời Linh Lang Đại Vương, vị thần trấn Tây kinh thành Thăng Long, tương truyền đã có công giúp vua Lý đánh giặc ngoại xâm. Đó là đền Voi Phục (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ), đình đền Hào Nam (quận Đống Đa), đình Cống Vị và đình Kim Mã Thượng (đều thuộc quận Ba Đình).
Chương trình được bắt đầu bằng màn múa rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tiếp đến là màn biểu diễn trống hội Thăng Long của các nghệ nhân làng Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thể hiện khí phách hào hùng của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Nghi lễ dâng hương được các đội tế nam đình Kim Mã Thượng (quận Ba Đình), đội dâng hương nữ Liên chi hội di sản văn hóa Hoàng Mai thực hiện trang trọng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các bậc vua sáng, tôi hiền đã có công xây dựng nền văn hiến Thăng Long.
Tham gia lễ dâng hương khai Xuân, ông Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long chia sẻ: Lễ dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long là một hoạt động có tính truyền thống. Trước đây, nhân ngày Xuân các đời vua bao giờ cũng có lễ dâng hương để dâng lên trời đất, tổ tiên, cầu mong sự tốt lành, cầu cho quốc thái dân an và đó cũng là không khí vui Xuân. Những năm gần đây, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tiếp tục tổ chức lễ dâng hương khai Xuân để khởi đầu năm mới, hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội.
Cùng với lễ dâng hương khai Xuân, tại Hoàng thành Thăng Long còn diễn ra các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn rối nước, âm nhạc dân gian.
* Trước đó, sáng 4-2 (mồng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ VH-TT&DL tổ chức ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cùng tham dự ngày hội có đại biểu lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; học sinh, sinh viên các dân tộc, cùng khoảng 200 đại biểu đồng bào của 16 cộng đồng dân tộc ở 13 tỉnh/thành phố.
Vui mừng khi thấy bà con các dân tộc rất phấn khởi về làng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, đây là dịp vừa để giới thiệu những thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng, vừa để gặp gỡ, giao lưu với các dân tộc anh em, chia sẻ niềm vui, chúc nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc; đồng thời, giới thiệu về những lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc mình, như tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, răn dạy con cháu, cầu mong sự yên vui, phát triển đến với gia đình, bản làng...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn, các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng, miền tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, để sắc xuân, khí xuân lan tỏa khắp mọi miền đất nước.
Trong không khí ngày hội văn hóa đặc sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham dự ngày hội; tham gia trò chơi dân gian ném còn tại sân làng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu đã tham dự Lễ Xiên bản (cúng bản) của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên, cầu mong mùa màng tốt tươi, bản làng yên ấm, gia đình, người dân được mạnh khỏe.
Đ.Thuận – Đ.Dũng – TTXVN
Ngành GD&ĐT phải đào tạo ra những “công dân toàn cầu” Chiều 4-2 (mồng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành Giáo dục. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dự khánh thành Phòng Truyền thống ngành Giáo dục Việt Nam. Nói chuyện với các cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành Giáo dục, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Dẫn câu nói của Người anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi Nelson Mandela “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ rõ, hiện nay giáo dục và đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phát triển nhờ sớm coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt lưu ý ngành Giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Đ.D |