Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ thăm, động viên người dân vùng lũ

Thứ tư, 08/11/2017 14:22

* Thứ trưởng Bộ CA Bùi Văn Thành kiểm tra tình hình khắc phục bão lũ tại Bình Định

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng khảo sát đập Ba ra An Trạch (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, tặng quà cho người dân vùng lũ Hòa Khương (H. Hòa Vang, Đà Nẵng).  

Khẩn cấp hỗ trợ, sớm ổn định cuộc sống người dân

Chiều 7-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên đã đến thăm, động viên nhân dân vùng lũ Hòa Khương (H. Hòa Vang). Trong đợt lũ vừa qua, Hòa Khương là địa bàn có nhiều thôn bị ngập sâu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của 1.500 hộ dân, thiệt hại về cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp ước tính gần 9 tỷ đồng...

Đến thăm một số gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại thôn Phú Sơn 3, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý các cấp chính quyền và các cơ quan hữu quan chú trọng công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân sau lũ. Chủ tịch nước mong rằng, trong lúc khó khăn, mỗi nhà, mỗi người dân vùng thiên tai tiếp tục cố gắng để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; khẳng định Đảng và Nhà nước luôn sát cánh cùng nhân dân. Tại đây, Chủ tịch nước đã trao 7 suất quà cho các hộ dân thiệt hại nhiều; đồng thời khảo sát đập Ba ra An Trạch - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP.

Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, các cấp, ngành trong công tác chuẩn bị, ứng phó với mưa lũ, nên mặc dù là vùng rốn lũ nhưng H. Hòa Vang lại không để xảy ra thiệt hại về người. Bên cạnh đó,  công tác khắc phục hậu quả cũng được triển khai tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng, H. Hòa Vang tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại thiệt hại, nhất là các vùng khó khăn để trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống... Nhiều người dân xúc động, cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch nước, lãnh đạo TP đã kịp thời đến thăm, động viên và chia sẻ với nhân dân vùng lũ.

Thứ trưởng Bùi Văn Thành trao tiền hỗ trợ cho CA tỉnh Bình Định. 

* Chiều tối ngày 7-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, thị sát các địa điểm chuẩn bị cho các hoạt động APEC tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Đi dọc các tuyến phố ở Hội An, Thủ tướng Chính phủ đã thị sát tình hình mưa lũ, thăm hỏi và động viên người dân. Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Đinh Văn Thu-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trận lũ những ngày qua đã chạm lũ lịch sử và gây những hậu quả hết sức nặng nề về người và của. Tính đến chiều 7-11 nhiều người dân mất tích trong lũ vẫn chưa được tìm thấy, hơn 500 cán bộ chiến sĩ đã được huy động để khẩn trương tìm kiếm, đào bới các khu vực đổ nát. Hiện tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều nơi bị cô lập. Theo ông Thu, Hội An là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động trong những ngày APEC nên việc lũ về lịch sử đã khiến công tác chuẩn bị gặp khó khăn, nhiều hạng mục phục vụ APEC bị hư hại. "Dù khó khăn như vậy nhưng lịch trình, các chương trình lớn vẫn chưa có thay đổi. Toàn tỉnh đang tập trung dọn dẹp để APEC diễn ra tốt đẹp". Bắt đầu từ ngày 8-11, cùng với sự hỗ trợ của Quân khu V (500 chiến sĩ), Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam (80 chiến sĩ), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh Quảng Nam (50 chiến sĩ), Công an tỉnh Quảng Nam, chính quyền thành phố sẽ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Quảng Nam, các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân với "tinh thần người Quảng" đã nỗ lực trong những ngày qua để hạn chế thiệt hại. Thủ tướng gửi lời hỏi thăm, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân gia đình những nạn nhân bị tử vong, mong muốn các gia đình sớm vượt qua nỗi đau để ổn định cuộc sống. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam tập trung tối đa chỉ đạo khắc phục thiệt hại, bằng mọi cách không được để cho bất kỳ người dân nào bị đói, không để dịch bệnh xảy ra sau lũ, các trường học bị ngập trong lũ phải sớm khắc phục để tổ chức đón học sinh trở lại. Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam, TP Hội An cùng các ngành chức năng huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả mưa bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường để tổ chức tốt các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Hội An.                                 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát, thăm hỏi người dân vùng lũ Hội An.

* Chiều cùng ngày, Đoàn Công tác của Bộ Công an do Trung tướng Bùi Văn Thành-Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão lụt tại Công an tỉnh Bình Định.

Trong cơn bão số 12 Công an tỉnh Bình Định đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, bảo đảm an toàn trụ sở làm việc, nơi giam giữ; đồng thời đưa lực lượng, phương tiện ứng trực ở cơ sở làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ. Ngay khi bão tan Công an tỉnh đã huy động hơn 3.000 lượt CBCS, lực lượng xung kích phòng, chống bão lũ, cùng hàng trăm ô- tô, ca nô, xuồng cao su xuống địa bàn trọng điểm tham gia cứu hộ, cứu nạn, di chuyển nhân dân ra khỏi vùng lũ, vận chuyển đất đá khắc phục hồ đập, công trình thủy lợi bị sạt lở, thu dọn nhà cửa bị sập.

Thứ trưởng Bùi Văn Thành biểu dương tinh thần chủ động ứng phó của lực lượng Công an tỉnh, đồng thời chia sẻ những thiệt hại, khó khăn do bão lũ gây ra đối với cấp ủy, chính quyền và bà con trong tỉnh. Thứ trưởng chỉ đạo lực lượng công an nêu cao tinh thần chủ động ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các ngành tìm kiếm những người mất tích và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bùi Văn Thành đã trao 500 triệu đồng từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Bộ Công an cho Công an tỉnh và hỗ trợ 500 triệu đồng cho UBND tỉnh góp phần khắc phục thiệt hại bão lũ.

Lực lượng CAH, QS Phước Sơn ứng cứu, đưa 15 lao động bị mắc kẹt về nhà. 

Khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả

Đến chiều 7-11, trong khi tại một số tỉnh Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng lượng mưa đã giảm, lũ trên các sông bắt đầu xuống thì tại TT-Huế trời vẫn mưa to trở lại.

Tại Quảng Nam, công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sau mưa lũ trong ngày 7-11 diễn ra hết sức khẩn trương. Tại H. Bắc Trà My, 50 công binh của Quân khu V phối hợp với lực lượng của huyện, tỉnh đang tiếp tục tiếp cận khu vực sạt lở chôn vùi 4 công nhân thủy điện. Trước đó, tối 4-11, một khối lượng đất đá, cây cối từ ngọn núi đổ ập xuống vùi lấp nhà điều hành Cty Thủy điện Trà My 1 và Trà My 2 (xã Trà Tân, H. Bắc Trà My). Lúc này, trong nhà điều hành có 9 công nhân, 5 công nhân ở bên ngoài may mắn thoát chết, 4 người còn lại đang xem ti-vi bị vùi lấp. Rạng sáng 7-11, một quả núi ở thôn 5, xã Trà Bui bất ngờ đổ sập xuống vùi lấp 10 nhà dân. Do địa phương này đang bị chia cắt nên chưa xác định được số người thương vong.

Một vụ sạt lở đất vùi lấp 5 nhà dân cũng xảy ra tại thôn 2, xã Trà Vân, H. Nam Trà My trong sáng 7-11. Hậu quả 1 cháu nhỏ tử vong, 1 người mất tích, 13 người bị thương. Đoàn y tế, quân sự huyện đã vào khu vực này cứu chữa những người bị nạn. Ngoài ra, lán trại công nhân của Cty 412 thi công tuyến đường Trường Sơn Đông bị sạt lở khiến 3 người bị cuốn trôi về hướng Quảng Ngãi, 1 người đã được cứu, 2 người mất tích. Đường từ Nam Trà My xuống Tam Kỳ có hàng chục điểm sạt lở nên giao thông bị tê liệt khiến 2 bệnh nhân cấp cứu cần chuyển viện nhưng không đi được. Trời đã hết mưa nhưng công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp và khối lượng đất đá sạt lở quá lớn. Hiện Phòng Cảnh sát PCCC CA tỉnh phối hợp với CA địa phương cùng các ngành chức năng đang nỗ lực dùng xe cơ giới cùng vòi rồng xịt trôi đất đá để tìm kiếm các nạn nhân.

Thời điểm này, trước thông tin 15 phụ nữ ở thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, H. Phước Sơn, Quảng Nam) đi làm rẫy thuê qua sông Đắc Mi khi quay về gặp thủy điện đã xả lũ, phải quay lại rẫy ở tạm, ngày 7-11, Chủ tịch UBND H. Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà đã yêu cầu nhà máy thủy điện Đắc Mi 4 khẩn cấp dừng xả lũ hoàn toàn để giải cứu 15 phụ nữ này. Lực lượng CA, quân sự được điều động cho công tác ứng cứu. Đến trưa cùng ngày, sau nhiều nỗ lực, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công, đưa 15 lao động trên về nhà an toàn.                                      

Người nuôi cá ở P. Tứ Hạ (Huế) xót xa nhìn cá chết trắng lồng trên sông Bồ. 

* Tại TT-Huế, trong ngày 7-11 trời mưa to trở lại nên nhiều tuyến đường đi qua sông Bồ- nơi có hàng trăm hộ nuôi cá lồng vẫn tiếp tục bị chia cắt, giao thông tê liệt. Nước đổ về như thác, cá chết trắng lồng; một số lồng do gió đập mạnh nên bứt dây, trôi theo lũ. Ông Trương Duy Hải- Phó Chủ tịch UBND H. Quảng Điền đã yêu cầu các hộ cá chết nhanh chóng thống kê số lượng thiệt hại, đồng thời không được tự ý thả lượng cá chết ra ngoài môi trường nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Dự kiến, chiều 8-11, sẽ thu gom tất cả số cá chết còn lại tập kết chôn tại bãi rác huyện để xử lý. Bên kia cầu Quảng Phú, hàng trăm lồng cá diêu hồng, cá rô phi, cá trắm... của người dân P.Tứ Hạ, xã Hương Toàn (TX Hương Trà) cũng chết nổi trắng lồng do lũ về đột ngột trên sông Bồ.  Ông Nguyễn Xuân Ty - Chủ tịch UBND TX Hương Trà cho biết, toàn thị xã có 121 tấn cá bị trôi, trong đó: cá lồng 109 tấn, cáo ao hồ 12 tấn. Ngoài ra, số cá lồng nuôi chết do sốc nước lũ chưa thống kê được. Ước tính thiệt hại từ nuôi cá lồng khoảng 70 tỷ đồng. Nhiều hộ nuôi cá lồng ở xã Phú Thượng (H.Phú Vang) cũng điêu đứng khi gần 200 tấn cá chết sạch.   

Tại Đà Nẵng, những vùng trước đây thuộc H. Hòa Vang chưa từng bị ngập lụt thì nay do mưa lớn kéo dài, cùng với việc các thủy điện xả đập, nước lũ tràn về trong đêm người dân không kịp trở tay. Nhiều ngôi nhà bị chìm sâu trong biển nước. Các tuyến giao thông liên thôn bị chia cắt hoàn toàn. Hàng trăm héc-ta rau màu các loại bị ngập trong biển nước, thối rữa, hư hỏng, đẩy người trồng rau vào cảnh lao đao. Theo thống kê của UBND xã Hòa Phong, các vùng rau tập trung trên địa bàn xã hư hại hoàn toàn (vùng rau Túy Loan, ớt Bồ Bản) với diện tích 11 ha. Còn các hộ trồng nấm tại thôn Cẩm Toại Đông và Bồ Bản 2 bị thiệt hại gần 10.000 bịch nấm sò; 2.500 cục nấm rơm, ước thiệt hại gần 20 triệu đồng. Vùng hoa Gò Giản bị thiệt hại hơn 2ha hư hại hơn 80%. Cụ thể hư hại 60.000 cúc đất (ước thiệt hại 240 triệu đồng); ngập và hư hại 1.000 chậu hoa treo (ước thiệt hại 40 triệu đồng).

Nước lên cao khiến nhiều diện tích rau màu của các hộ nông dân bị ngập úng. Nhiều hộ dân đang tập trung đầu tư sản xuất rau sạch cung ứng cho thị trường, nay lũ, lụt đã gây hư hại hoàn toàn. Các loại rau ăn lá như xà lách, rau lang, rau muống, cải xanh, rau dền, mồng tơi; nông sản ăn quả như khổ qua, bí xanh, bầu, dưa leo, ngập vài ba ngày là thối gốc, hư úng dù nước rút cũng đành phá bỏ. Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Bùi Dũng- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (H. Hòa Vang) cho biết, toàn bộ rau đậu của bà con đã hư hỏng hoàn toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, hơn 40 hộ của HTX đã xuống giống nhiều loại rau trên tổng diện tích 8ha, ước tính thiệt hại là rất lớn. Từ rau ăn lá đến rau ăn quả phát triển tốt, hứa hẹn bội thu nhưng bất ngờ lũ muộn xảy ra nên nhiều khả năng vụ rau này mất trắng... Phòng NN&PTNT H.Hòa Vang cho biết, trong đợt mưa lũ này, nhiều vùng rau tập trung trên địa bàn huyện bị ngập. Toàn huyện có 90,7 ha rau màu bị ngập nặng, hư hỏng gần như hoàn toàn. Đối với các vùng rau không bị ngập, mưa dài ngày làm phát sinh nấm bệnh, rau chậm phát triển, năng suất thấp. Lúa giống chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018 ướt hỏng 180 tấn...

Vùng hoa Gò Giản (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) thiệt hại nặng nề sau mưa lũ.

Diễn biến mưa, lũ vẫn phức tạp

Tại Quảng Nam, trong ngày 7-11, lũ trên các sông tiếp tục xuống nhưng chậm. Hiện còn 82 xã, phường, thị trấn của các địa phương như: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An... vẫn còn bị chia cắt. Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang vẫn còn cao. Tình hình tại Đà Nẵng trong ngày 7-11, trời bắt đầu ửng nắng, lũ trên các sông bắt đầu xuống. Ở một số khu vực ngập lũ ở Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, người dân đã trở lại với những hoạt động thường ngày.

Tuy nhiên, trời mưa to trên diện rộng và gió giật mạnh bao trùm tỉnh TT- Huế trong ngày 7-11. Lượng mưa một số nơi đạt lịch sử, tại trạm Truồi 489mm, tại trạm Bạch Mã 2.624mm. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế đã phát đi thông báo cảnh báo về tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, nước lũ dâng lên trở lại, nước ở các sông dâng cao. Nhiều tuyến đường trung tâm của TP Huế như Nguyễn Công Trứ, Trường Chinh, Hùng Vương, Bến Nghé, Trần Quang Khải... đã ngập nước trở lại. Cầu Đập Đá bắc qua sông Như Ý- tuyến đường huyết mạch nối đường Lê Lợi và Nguyễn Sinh Cung- mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại ngập sâu hơn 1m. Hiện, lực lượng chức năng cấm người, các phương tiện, du khách qua lại tuyến đường này. Tương tự, tại nhiều xã của các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TX Hương Trà, TX Hương Thủy, TP Huế..., hơn 12.500 nhà dân vẫn ngập trong lũ từ 0,3 -0,8m,; nhiều nhất là H.Phú Lộc hơn 5.100 nhà dân bị ngập. Giao thông trên QL1, các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn ngập cục bộ. Nhiều xã như: Thủy Thanh (TX Hương Thủy), Hương Phong (TX Hương Trà), Lộc Điền, Lộc Bổn (H. Phú Lộc), bị cô lập.

Đến trưa 7-11, tuyến đường 14B - tuyến độc đạo nối huyện miền núi Nam Đông với các địa phương khác đến trưa vẫn chưa thông tuyến. Các phương tiện xe múc, xe ủi cỡ lớn đã được huy động. Ngoài ra, sạt lở đất mái ta- luy đường Tỉnh lộ 14B đoạn đèo La Hi 4 địa điểm với chiều dài khoảng 130m làm ách tắc giao thông đi lại, hiện chưa xử lý được; chỉ có thể lưu thông bằng xe máy, xe ô-tô tải 2 cầu vẫn phải đi theo tuyến đường Hồ Chí Minh đang trong quá trình thi công. Sáng 7-11, người dân đã phát hiện thi thể cháu Hồ Lê Mạnh Tường (14 tuổi, trú tổ 12 P.Xuân Phú, TP Huế) mất tích ngày 5-11 khi đang lội lũ cùng các bạn và bị hỏng chân. Như vậy, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TT-Huế có 8 người chết do bão lũ.

 NHÓM P.V

----------------------------------------------------------------------------------------------

Giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Sáng 7-11, ngay sau khi lũ rút, lực lượng CAH Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhanh chóng bắt tay vào công tác khắc phục hậu quả. Từ sớm 7-11, hơn 30 ĐVTN CAH đã giúp các Trường THCS Trần Quốc Tuấn, Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) thu gom bùn non, rửa chân tường, cửa lớp, bàn ghế học sinh, rác thải... Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tăng - Bí thư Đảng ủy, Trưởng CAH Hòa Vang, công tác dân vận là hoạt động thường xuyên của đơn vị nhưng đó cũng là cách để rèn luyện các chiến sĩ trẻ có điều kiện gần dân và sâu sát với dân hơn. Thông qua các hoạt động dân vận, người dân sẽ hiểu hơn về phẩm chất, đạo đức của người chiến sĩ CAND; ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, họ còn xung kích trên mặt trận giúp dân vượt khó. Trong những ngày đến, tuổi trẻ CAH tiếp tục lao động, giúp đỡ nhân dân, các trường học khác trên địa bàn khắc phục hậu quả nặng nề sau lũ.

* Sáng cùng ngày, để kịp thời hỗ trợ người dân trong  5 khu vực: An Lưu, An Thị, Mân Quang, Đồng Nò, Khái Tây (P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), UBND P. Hòa Quý đã đưa 300 thùng nước uống và 100 thùng mì để hỗ trợ người dân. Tranh thủ khi lũ đang rút, 50 cán bộ, chiến sĩ Kho K718 thuộc Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật 354 (Vùng 3 Hải quân) giúp các thầy cô Trường tiểu học Lâm Quang Thự (xã Hòa Phong) và Mầm non Hòa Khương (xã Hòa Khương) dọn vệ sinh, lau chùi bàn ghế, phòng học...

* Trong 2 ngày 7 và 8-11, cán bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Q. Thanh Khê và sự chi viện của Cty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, CN tại Đà Nẵng đã đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường biển trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Ông Nguyễn Văn Tĩnh- Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê cho biết, sau đợt ra quân này, vào thứ bảy và Chủ nhật đến, Q.Thanh Khê sẽ tiếp tục tổ chức ra quân đợt 2.

Cán bộ và nhân dân Q.Thanh Khê ra quân thu dọn rác ven biển.

* Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam huy động hơn 50 hội viên ở những địa phương đến xã Tam Hải giúp nhân dân dọn dẹp cây cối ngã đổ, lợp lại nhà các hộ dân bị lốc xoáy tàn phá. Hội cũng hỗ trợ mỗi nhà bị tốc mái hoàn toàn 1 triệu đồng, tốc mái hơn 40% là 500 ngàn đồng, 1 triệu đồng cho những người  bị thương nặng.

----------------------------------------------------------------------------------------------