Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Lịch sử luôn có vị trí đặc biệt quan trọng

Thứ tư, 30/11/2016 08:16

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-11, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức kỷ niệm trọng thể 50 năm thành lập (1966 - 2016). Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Nhân dịp này, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện có 59 hội và chi hội thành viên (33 hội cấp tỉnh/thành phố, 4 hội chuyên ngành và 22 chi hội của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học Trung ương), với trên 5.200 hội viên. Hội tập hợp giới sử học cả nước, liên kết chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, thông qua các hội thảo khoa học, diễn đàn sử học, tổ chức đề tài nghiên cứu khoa học để định hướng và đẩy mạnh sự phát triển của nền sử học Việt Nam. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hiện phát triển theo hướng tập hợp rộng rãi những nhà khoa học trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử và các ngành liên quan, đoàn kết giới sử học cả nước nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền sử học Việt Nam, phổ biến kiến thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện chức năng tư vấn, phản biện và giám định khoa học đối với các công trình, dự án liên quan đến sử học và văn hóa dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác với giới sử học quốc tế.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, lịch sử luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội và trong sự phát triển của đất nước. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nửa thế kỷ qua đã tập hợp, đoàn kết giới sử học cả nước, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo sử học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học lịch sử Việt Nam và đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn.Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chú trọng tổng kết thực tiễn lịch sử, làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó đúc rút những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội cần tập trung công sức, huy động trí tuệ của giới sử học để hoàn thành với chất lượng cao nhất nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ động tham gia truyền bá kiến thức lịch sử và giáo dục truyền thống dân tộc để mọi người đều có nhận thức đúng là kiến thức lịch sử không phải chỉ dành cho những nhà sử học và những người muốn trở thành các nhà sử học, mà cần thiết cho mọi người, mọi giới, bao gồm cả các nhà quản lý. Hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục môn lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng nhân cách, bản lĩnh cho thế hệ trẻ. Hội cần làm tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội đối với việc bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo quốc tế về các sự kiện, nhân vật lịch sử, chủ quyền biển, đảo... nhằm khẳng định vai trò, tiếng nói của giới sử học Việt Nam trên diễn đàn sử học quốc tế và quan hệ giao lưu, hợp tác với các nền sử học trên thế giới.

Đức Dũng