Chú trọng giáo dục thể chất học đường

Thứ hai, 30/04/2018 11:27

Cách đây hơn 4 năm, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng áp dụng thí điểm Chương trình môn học thể dục chính khóa phù hợp năng lực học sinh (HS) và điều kiện của trường học tại 2 trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn và Ngô Quyền. Theo đó, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức dạy- học tự chọn ở 5 bộ môn thể thao gồm: cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, bơi. Trường THPT Ngô Quyền tổ chức cho HS đăng ký học tự chọn 4 bộ môn: võ thuật, bóng chuyền, cầu lông, bóng rổ. Sau 2 năm triển khai thí điểm, chương trình dạy- học theo hình thức tự chọn đối với bộ môn TDTT đạt hiệu ứng tích cực. Không chỉ HS mà cả phụ huynh (PH) cũng rất ủng hộ.

Bên cạnh việc học tập, HS cần dành thời gian vui chơi, rèn luyện thể dục thể thao để phát triển thể chất.   Ảnh: P.T

Những hiệu ứng tích cực

Từ hiệu ứng tích cực đó, 3 năm trở lại đây, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng tiếp tục triển khai chương trình này ra trong các trường THPT và một số trường THCS có đủ điều kiện về cơ sở vật chất. Riêng đối với bậc tiểu học, từ năm học 2012-2013 đến nay duy trì phong trào dạy học bơi, phòng chống đuối nước.

Ông Hồ Anh Dũng - chuyên viên phụ trách thể thao trong trường học Sở GD-ĐT TP - cho biết, đến nay, có 55,29% các trường THPT, THCS có đủ điều kiện về cơ sở vật chất áp dụng chương trình này. Trong đó, riêng bậc THPT có 17/23 trường triển khai dạy học môn TDTT tự chọn, trường ít nhất là 3 môn, nhiều nhất là 6 môn. Tháng 3-2017, trên cơ sở tờ trình của Sở GD-ĐT TP, UBND TP đã phê duyệt Quyết định số 1698 "Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong trường học giai đoạn 2017-2020, định hướng 2025" với tổng số vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ giáo dục thể chất và TDTT cho các trường học từ bậc tiểu học đến THPT; đầu tư xây dựng, sửa chữa 25 nhà đa năng cho các trường TH, THCS, THPT; đầu tư mua sắm bể bơi di động, sân tập ngoài trời cũng như kinh phí để tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên thể dục ở các bậc học... Đến nay, đã triển khai xây dựng sân tập ngoài trời tại 21 trường chưa có sân tập. Đối với các trường đã có nhưng xuống cấp thì tu bổ, nâng cấp.

Cũng theo ông Dũng, phong trào dạy-học môn TDTT tự chọn đã tạo sự hứng thú, phát huy tinh thần tự giác, khả năng rèn luyện thể chất cho HS, góp phần giúp nâng cao giáo dục thể chất trong trường học. Tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012, Đoàn HS Đà Nẵng đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh thành tham gia. Đến Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016, đoàn HS Đà Nẵng nâng lên vị trí thứ 4 - vị trí cao nhất từ trước đến nay của ngành GD-ĐT TP.

Không bị gò bó trong chương trình đóng khung được học xuyên suốt từ cấp THCS lên THPT với các môn học: điền kinh, ném, chạy, nhảy, tạo sự nhàm chán như trước đây, nhiều HS khi được chọn học môn TDTT tùy theo khả năng và sở thích của mình đã cho biết cảm thấy rất hứng khởi và có ý thức hơn trong việc rèn luyện, phát triển thể chất của bản thân.

Cần chú trọng phát triển thể chất học đường

Tuổi học đường là giai đoạn quan trọng để phát triển thể chất. Do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, có một thời gian dài, việc quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục thể chất ở độ tuổi này trong chừng mực nào đó chưa được quan tâm, chú trọng.

Mới đây, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP với ngành Văn hóa Thể thao (VHTT), Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh đề nghị ngành VHTT cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành GD-ĐT trong phát triển phong trào thể thao học đường. Theo ông Minh, ở các nước tiên tiến, phong trào thể thao học đường chính là cái nôi để phát triển thể thao thành tích cao. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện HS chỉ mới được chú tâm ở việc học ngày 2 buổi gắn với ăn - ngủ; sân chơi dành cho HS trong trường học rất ít. Vì thế, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho rằng, ở các quận nội thành cần hình thành các khu vui chơi thể thao tập trung và các trường học lân cận đăng ký đưa HS đến đây học tập, vui chơi thể thao trong các giờ ngoại khóa. Đối với các trường ven đô còn quỹ đất thì nên đầu tư xây dựng sân chơi thể thao nhỏ để HS vừa học tập, vừa vui chơi, phát triển toàn diện.

Đồng tình quan điểm này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc phát triển thể thao trong trường học không thuần túy là phong trào mà là nền tảng để phát triển thể chất con người. Bởi lẽ, phát triển thể chất ở giai đoạn học đường rất quan trọng. Các nước trên thế giới rất coi trọng việc phát triển thể chất ở giai đoạn này. Trong khi đó, chúng ta hơi lệch lạc, tập trung "nén" con em trong chuyện học hành, còn chuyện thể lực, thể chất phát triển như thế nào thì ít được quan tâm. "Trẻ chúng ta còi cọc, lớn lên ngô nghê cũng ở chỗ này. Sức khỏe không ra gì cũng ở chỗ này. Vì thế, cần phải hết sức tập trung quan tâm vấn đề này. Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ trẻ tương lai. Học tập phải gắn liền với các hoạt động TDTT để nâng cao thể chất cho HS - lứa tuổi đang phát triển, là vô cùng cần thiết", Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Theo đó, Bí thư Trương Quang Nghĩa đề nghị 2 ngành (giáo dục và VHTT) cần quan tâm phối hợp hơn nữa đối với các phong trào thi đấu thể thao trong các trường học, nhất là bóng đá, bóng chuyền. Bí thư cũng lưu ý, trong quy hoạch xây dựng các trường mới cần phải có điều kiện, quỹ đất dành cho việc xây dựng khu sân chơi thể thao cho HS. Vì thế, ngành VHTT cần  phối hợp với ngành GD-ĐT đưa ra những tiêu chí để phát triển phong trào thể thao học đường, có như thế mới phát triển toàn diện về thể chất cho HS.

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP - được biết, không phải đến bây giờ mà từ trước đến nay, 2 ngành đã có sự phối hợp khá ăn ý trên lĩnh vực TDTT học đường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự phối hợp đó càng được đẩy mạnh, đi vào cụ thể hơn. Trong định hướng tổ chức các hoạt động, phong trào liên quan đến TDTT, nếu hoạt động nào có nét chung, có sự tham gia của HS thì ngành sẽ phối hợp và để ngành VHTT làm nòng cốt tổ chức. Việc phối hợp này tránh gây lãng phí, để ngành GD-ĐT TP tập trung đầu tư cho các hoạt động TDTT khác trong trường học. Một sự phối hợp khác cũng  tạo được khởi sắc đó là sự liên kết giữa các CLB, các hội đoàn thể trên lĩnh vực TDTT với các trường học trong chiêu sinh, tổ chức nhiều chương trình hoạt động. Qua đó, góp phần đưa phong trào TDTT trong học đường không còn "cô lập", gói gọn trong phạm vi nhà trường như trước đây. Mặt khác, ngành VHTT đã hỗ trợ tích cực với ngành GD-ĐT trong tổ chức dạy nghiệp vụ bơi cho giáo viên. Tại các cuộc thi TDTT, Hội khỏe Phù Đổng cấp TP, ngành VHTT TP phối hợp cùng ngành GD-ĐT trong khâu tổ chức, hỗ trợ sân bãi, hỗ trợ đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên, kỹ thuật viên. Đặc biệt, cùng với sự mở cửa của các cơ sở vật chất bên ngoài trường học theo hình thức hai bên cùng có lợi, phong trào HS tham gia học tập bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn... ngày càng phát triển. Qua đó đã góp phần giúp ngành GD-ĐT TP cùng xã hội nâng cao việc phát triển thể chất cho HS.

Một khi HS có ý thức hơn trong rèn luyện TDTT không chỉ thể chất được phát triển toàn diện hơn mà còn góp phần giúp các em giải tỏa được sự căng thẳng sau giờ học kiến thức.

KHÁNH YÊN