Chú trọng phát hiện những vấn đề mới có tầm chiến lược, có tính đột phá, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 24/07/2014 08:08

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-7, phát biểu tại tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh:

Bám sát chương trình năm 2014 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới và chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Ban Kinh tế Trung ương tham gia tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về 2 vấn đề “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020...

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương những thành tích của Ban Kinh tế Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2014. Đồng chí khẳng định, các báo cáo nghiên cứu, đề xuất và thẩm định có chất lượng tốt, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao, từ những vấn đề lớn, có tầm chiến lược lâu dài như vấn đề phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đóng góp cho nội dung dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đến những vấn đề mới nảy sinh phức tạp như tình hình biển Đông và những tác động đa chiều đến kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với dự báo và đề xuất giải pháp ứng phó; đánh giá tình hình nợ công và đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công...

Những ý kiến tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương đã góp phần quan trọng giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra các chủ trương, đường lối trong công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Theo đồng chí Lê Hồng Anh, Trung ương đang cần tham mưu những vấn đề mới có tầm chiến lược. Trong ảnh: Bạn trẻ tham dự một lớp học ngoài trời của Đại học Công nghệ TPHCM.

Nhấn mạnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới còn có nhiều diễn biến phức tạp, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị: trong 6 tháng cuối năm 2014, kế hoạch công tác năm 2015 cũng như nhiệm vụ chiến lược xuyên suốt, lâu dài, Ban Kinh tế Trung ương cần chú trọng bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kịp thời, hiệu lực và hiệu quả. Trong đó, Ban cần tập trung cao cho việc chuẩn bị các nội dung liên quan về phát triển kinh tế - xã hội trong nội dung Văn kiện Đại hội XII của Đảng để trình Hội nghị Trung ương lần thứ 10 tới đây thông qua; sớm trình Bộ Chính trị về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có tầm chiến lược trước mắt và lâu dài. Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục hoàn thiện và sớm trình Bộ Chính trị Báo cáo đánh giá và giám sát cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Báo cáo phương hướng kịch bản kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Trong nghiên cứu cũng như tổng kết từ thực tiễn, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị cần chú trọng phát hiện những vấn đề mới có tầm chiến lược, có tính đột phá để tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đưa nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững và tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý Ban Kinh tế Trung ương cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đào tạo cán bộ theo hướng chuyên gia; xây dựng Đảng bộ và các tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục chủ động, phát huy tốt sự phối hợp công tác với mạng lưới các chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ cộng tác viên, các cơ quan hữu quan; tổng kết thực tiễn nhằm chắt lọc, các ý kiến đóng góp, tạo sức mạnh trí tuệ tập thể qua đó giúp công tác giám sát, tham mưu, đề xuất của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng có chất lượng, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đưa ra những quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hương Thủy