Chu Vĩnh Khang -đường đến "án tử" (3)
Kỳ cuối: Tuổi thơ cùng khổ
(Cadn.com.vn) - Không giống Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn là con trai của phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, ông Chu Vĩnh Khang sinh ra trong gia đình nghèo khó ở miền đông Trung Quốc. Nhưng với sự thông minh, nhanh nhạy và cả may mắn, ông Chu nhanh chóng thăng tiến trở thành một trong 9 nhân vật quyền lực nhất ở quốc gia gia hơn 1,3 tỷ dân này.
Từ ngôi nhà nghèo...
Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, là anh cả trong gia đình ngư dân nghèo mù chữ.
Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, ngay từ nhỏ ông Chu rất chăm học và học rất giỏi. Ông là người con duy nhất trong gia đình được đi học đại học. Và thật sự ông không khiến cha mẹ thất vọng khi là một trong số ít các học sinh địa phương được nhận vào trường đại học ưu tú ở Bắc Kinh. Ngôi trường này, giờ gọi là Đại học Dầu khí, là cái nôi cho gã khổng lồ ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc - Tập đoàn dầu khí Quốc gia (CNPC)- Cty độc quyền trong lĩnh vực khai thác dầu khí.
Sau khi tốt nghiệp, năm 1967, ông Chu đến làm việc tại mỏ dầu Daqing ở vùng Hắc Long Giang xa xôi ở đông bắc. May mắn đến với ông khi đây là thời điểm nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết tâm phát triển ngành công nghiệp dầu khí để ổn định kinh tế và thu hút nguồn ngoại tệ để vượt qua thời kỳ Cách mạng Văn hóa bùng nổ.
Ngôi biệt thự quy mô của ông Chu Vĩnh Khang. Ảnh: SCMP |
...đến ngôi nhà quyền lực
Từ cuối những năm 1960-1980, ông liên tiếp thăng chức, trở thành người đứng đầu Cục khai thác dầu mỏ Liaohe và nắm quyền Chủ tịch Thành phố Panjin ở Liêu Ninh trước khi đến Bắc Kinh để làm Thứ trưởng Bộ dầu khí.
Kỹ năng chính trị của ông Chu tỏa sáng ở Bộ Dầu khí, nơi sau này trở thành CNPC và là một trong các căn cứ quyền lực của ông Chu. Sau 1 năm đứng đầu Bộ Đất đai và Tài nguyên vào năm 1998-1999, thời điểm Bộ này được kiểm soát giấy phép khai mỏ và sử dụng đất, ông Chu trở thành Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên - một tỉnh đông dân đang phát triển. Đây là nơi ông đã xây dựng cơ sở quyền lực mạnh mẽ trong 3 năm với các nhân vật thân tín. Ông trở lại Bắc Kinh vào năm 2002 và trở thành thành viên trong Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất ở Trung Quốc và nắm quyền ở Bộ Công an.
5 năm sau, cái tên Chu Vĩnh Khang dường như đạt đến đỉnh của sự nghiệp chính trị khi được ngồi vào một trong 9 chiếc ghế đầy quyền lực của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Ông giám sát các vấn đề chính trị và pháp lý với chức danh Bí thư Ban Chính pháp Trung ương (CPLC) - cơ quan vốn chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề an ninh nội bộ của Trung Quốc, từ hệ thống tòa án, nhà tù đến các văn phòng công tố...
Đế chế gia đình họ Chu
Từ "mỏ tiền" ở CNPC đến "mỏ quyền lực" ở Tứ Xuyên, tất cả đều là những đại bản doanh quan trọng của ông Chu Vĩnh Khang, nắm giữ mạng lưới bao trùm các lĩnh vực quan trọng như khai mỏ, dầu khí và an ninh.
Theo điều tra của New York Times, khối tài sản khổng lồ của ông Chu và người thân đều đến từ những nguồn thu bất chính. 3 người thân của ông Chu - một người em dâu, con trai Chu Bân và bà Zhan, mẹ vợ Chu Bân- kiểm soát ít nhất 37 Cty nằm rải rác ở hàng chục tỉnh thành. Trong đó, 17 Cty tập trung đầu tư vào năng lượng, hầu hết là liên doanh với CNPC, nơi ông Chu đứng đầu trong những năm 1990.
9 Cty khác ở Tứ Xuyên, nơi ông Chu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy trong thời điểm 1999-2002. Nhờ ảnh hưởng và quyền lực của cha, Chu Bân và các cộng sự thường được nhận thầu các dự án của chính phủ với giá rẻ sau đó bán lại với giá cao ngất ngưỡng. Tuy nhiên, Chu Bân không phải là nhân vật duy nhất trong gia tộc họ Chu được hưởng lợi từ ông Chu Vĩnh Khang. Cả 2 người em trai Chu Vĩnh Khang là Zhou Yuanxing và Zhou Yuanqing cũng kiếm được những khoản tiền khổng lồ nhờ anh trai.
Theo ước tính của Reuters, tổng số tài sản mà gia tộc này nắm giữ là hơn 90 tỷ NDT, một con số quá khủng mặc dù nhiều người cho rằng, con số này còn quá ít so với thực tế nắm quyền của đế chế gia đình họ Chu. Vấn đề trọng tâm nằm ở chiếc ghế Bí thư CPLC, nơi ông Chu liên tục vượt chi quá mức so với ngân sách.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2013, ngân sách chính thức của CPLC vượt quá ngân sách quốc phòng trong năm thứ 4 liên tiếp, với con số đáng kinh ngạc 769 tỷ NDT (so với 124 tỷ NDT hiện nay), trong đó chi cho an ninh nội địa 760 tỷ NDT (so với 123 tỷ NDT hiện nay). Số tiền chênh lệch quá lớn này cho thấy rõ con số khổng lồ mà ông Chu đã bỏ túi riêng. Đó là chưa kể những khoản tiền lót tay, hối lộ trong quá trình mua bán chức và làm ăn bất hợp pháp của ông Chu.
Nhưng rồi, quyền lực, danh vọng, tiền và tình từng bước khiến ông Chu mờ mắt khi liên tiếp dấn thân vào những việc làm sai trái. Nhưng...! Lưới trời lồng lộng, cái tên Chu Vĩnh Khang đi vào lịch sử đen tối của Trung Quốc khi trở thành Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra.
Thanh Văn
(Theo Wantchinatimes, NYT)