Chư Yang Sin... không bình yên
(Cadn.com.vn) - Vườn quốc gia (VQG) Chư Yang Sin (Đắc Lắc) với đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442m là nơi có đa dạng sinh học với 876 loài thực vật, 203 loài chim, 46 loài thú được ghi nhận. Song, cuộc chiến bảo vệ rừng ngày càng cam go hơn khi rừng xanh là miếng mồi béo bở...
Những thác ghềnh nguy hiểm trên đường tuần tra. |
MUÔN KIỂU “SÁT HẠI”
VQG Chư Yang Sin với địa hình phức tạp, đường biên gần 200 km phần lớn tiếp xúc với đất canh tác nương rẫy của đồng bào thiểu số là cơ hội để xâm lấn vùng đệm. Dọc theo các xã có diện tích đất tiếp giáp với VQG nhiều người dân len lỏi vào rừng để vỡ đất canh tác, đốt than hay chặt hạ cây gỗ. Trong báo cáo Công tác bảo tồn đa dạng sinh học của VQG Chư Yang Sin giai đoạn 2011 – 2014, nêu rõ khó khăn về vấn đề người dân sống quanh khu vực là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Điều kiện kinh tế khó khăn nên để kiếm kế sinh nhai một số người dân vùng đệm đã lén lút vào rừng khai thác lâm sản.
Dọc theo địa bàn các xã như: Yang Mao, Cư Drăm, Cư Pui, Hòa Phong, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền (thuộc H. Krông Bông) và Yang Tao, Bông Krang, Krông Nô, Đắc Phơi (thuộc H. Lăk) lửa vẫn cháy trên các triền đồi, một số nơi người dân đã trồng vào đó các loại cây ngắn ngày như ngô, khoai, sắn... Xã Yang Tao (H. Lăk) là nơi có đồng bào người MNông sinh sống, với diện tích đất canh tác nông nghiệp nhỏ hẹp (1 đến 2 sào lúa nước) nhiều hộ dân đã bất chấp lời cảnh báo của cơ quan chức năng để vào rừng phát, cuốc, đốt, trỉa.
Một chuyến công tác dài ngày trên rừng. |
Bên cạnh việc lấn chiếm, tình trạng người dân địa phương sử dụng bẫy tự tạo và súng tự chế để vào rừng săn thú càng làm những người quản lý VQG phải đau đầu. Theo số liệu cung cấp của ông Lương Hữu Thạnh, Phó Giám đốc VQG Chư Yang Sin, trong 6 tháng đầu năm 2015 phát hiện xử lý 18 vụ việc, thu giữ 570 dây bẫy các loại và 11 súng săn tự chế (tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm trước). Ông Thạnh giải thích: “Đời sống người dân xung quanh còn nghèo khó, nhận thức về việc bảo vệ rừng chưa cao nên họ dùng đục, súng tự chế vào rừng sát hại cây rừng và động vật. Chỉ cần vào rừng mà trót lọt thì họ có tiền nên bất chấp tất cả”.
Nhiều cán bộ của VQG Chư Yang Sin đã trực tiếp xuống thôn buôn để giúp đỡ và trình diễn kỹ năng canh tác nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp có giá trị thương phẩm cao. Mục đích là để người dân biết phương thức và kỹ năng để sản xuất nông nghiệp, không vào rừng nữa. Nhiều đợt tập huấn được mở, cán bộ quản lý VQG kết hợp với chính quyền địa phương các xã vùng đệm đi gõ cửa từng nhà, gặp từng người để nêu rõ vì sao phải bảo vệ rừng, cái lợi thu được khi toàn dân tham gia bảo vệ. Nhiều biện pháp được áp dụng, nhưng việc tàn sát rừng xanh vô tội vẫn tái diễn và cuộc chiến bảo vệ VQG chưa bao giờ là hồi kết.
Cán bộ VQG Chư Yang Sin hướng dẫn bà con địa phương cách trồng cây. |
CAM GO TỪNG TẤC ĐẤT
Đến nay, VQG Chư Yang Sin có 130 cán bộ viên chức, hoạt động mang tính chất độc lập cao, say mê nghề nghiệp. Nhiều vụ việc được Ban quản lý VQG trần tình nêu rõ sự hung hãn của các đối tượng lâm tặc. Đơn cử là vụ việc năm 2007, trên đường tuần tra, lực lượng bảo vệ VQG phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự H. Krông Bông phát hiện hơn 10 đối tượng đang cưa xẻ ở trong rừng. Ông Thạnh nhớ lại: “Chúng rất hung hăng, dao rựa trong tay, hai bên chỉ cách nhau một cái cây bị ngã. Thấy lực lượng chức năng, chúng to tiếng thách đố, đòi đánh nhau. Anh em phải bắn chỉ thiên vài lượt đạn mới trấn áp được, vì chúng nắm tâm lý anh em VQG cũng bị giới hạn về quyền hạn trong khi làm nhiệm vụ... đặc biệt là trong việc sử dụng vũ khí”.
Vụ khác, đối tượng Y Vá Ksơ ở xã Yang Mao bị phát hiện khai thác gỗ trái phép trong VQG, bị bắt quả tang, khi yêu cầu về lán trại để làm việc thì tỏ ra hung hãn, xông vào lán trại anh em tuần tra dựng ở giữa rừng, bê nguyên ấm nước sôi tạt vào kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Hiền bị bỏng nặng. Không những vậy, khi anh em đưa anh Hiền đi cấp cứu, đi ngang nhà của Y Vá Ksơ, đối tượng còn dùng vật cản để chặn đường, không cho đưa người bị thương đi...
Đây chỉ là hai vụ việc nổi cộm, còn chuyện anh em VQG bị hành hung trên đường tuần tra bảo vệ rừng, đe dọa cá nhân hay thân nhân là chuyện như cơm bữa. Là nơi có địa hình hết sức hiểm trở, núi cao, vực sâu, để lên được đỉnh Chư Yang Sin cần mất một ngày, nếu làm nhiệm vụ thì mất đến ba, bốn ngày. Theo quy định, mỗi cán bộ, nhân viên một tháng phải có 15 ngày làm nhiệm vụ trên rừng. Hơn ai hết, những cán bộ ở đây hiểu rõ ràng rằng nếu chỉ cần do dự hay không vững niềm tin thì từng tấc đất, tấc rừng sẽ mất.
Tứ Đức