Chữa bệnh tâm thần bằng ca hát và dệt chiếu

Thứ ba, 12/01/2016 09:15

(Cadn.com.vn) - Dệt chiếu, trồng rau hay ca hát là những phương pháp điều trị người tâm thần hữu hiệu theo mô hình của Đài Loan (Trung Quốc) đang được triển khai tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Đà Nẵng. Bằng cách này, không ít người điên đã khỏi bệnh, trở về cuộc sống bình thường, có thể đi làm để mưu sinh.

Bệnh nhân Dũng đang đàn, hát phục vụ các bệnh nhân khác trong khuôn viên BV. 

Người tâm thần được nhận... lương

Như thường lệ, khoảng 8 giờ mỗi ngày, anh Phan Hữu Toàn (khoa Phục hồi chức năng) lại dẫn các bệnh nhân tâm thần ra khu vườn trong khuôn viên phía sau BV để lao động. Hôm nay, bệnh nhân được phân công nhiệm vụ, hướng dẫn các công đoạn cụ thể để trồng rau, từ bới đất, đánh luống, gieo hạt, tưới... Một nhóm khác thì được hướng dẫn thu hoạch rau, củ. Họ làm việc rất chăm chỉ, nhìn những luống rau không ai nghĩ đó là “thành quả” của những người tâm thần. Đầu giờ chiều, họ lại được hướng dẫn làm một công việc khác: dệt chiếu. Từng vị trí, công đoạn đều được họ làm thuần thục, tuy có phần chậm chạp. Một số bệnh nhân khác được đưa đi may đồ, làm hoa trang trí, dán hồ sơ...

Sau khi làm hết công việc một ngày, họ được BV trả “lương”, tất nhiên chỉ là tượng trưng mỗi người dăm ba ngàn đồng để khích lệ. Họ cầm tiền đó ra căng tin uống nước, ăn kẹo và cảm thấy vui mừng. Theo anh Toàn, vì biết đi làm được trả công nên họ phấn khích lắm, chưa tới giờ đi làm đã thúc giục.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Ba - Trưởng khoa Phục hồi chức năng nói: Bệnh nhân sau khi được điều trị ổn định rối loạn tinh thần sẽ chuyển sang giai đoạn rất quan trọng là phục hồi suy nghĩ, như ăn xong phải biết dọn dẹp, biết vệ sinh, biết nấu ăn, giặt đồ... Giai đoạn này làm tốt, họ sẽ được chữa khỏi bệnh, về lại cộng đồng nhanh hơn.

Cũng theo chị Thu Ba, bệnh nhân tâm thần rơi vào tự kỷ, thu mình lại, vì thế trong giai đoạn này phải giúp họ hòa nhập dần với mọi người. Việc hòa nhập tốt nhất không gì bằng lao động tập thể, lúc đó họ sẽ thấy được giá trị của mình, rằng mình cũng có thể làm ra sản phẩm, làm ra đồng tiền như người bình thường và không còn cảm giác tự kỷ nữa. Khi họ đã cảm thấy tự tin, thấy mình hữu dụng, thì về hòa nhập xã hội sẽ nhanh hơn.

“Có không ít trường hợp sau khi điều trị khỏi bệnh, họ đã nhận thức được rồi nhưng về gia đình, hàng xóm vẫn có thái độ kỳ thị, có biểu hiện không tôn trọng, khiến họ bị ức chế, bị kích động dẫn đến quậy phá, thậm chí tự tử. Vì vậy, giai đoạn phục hồi, tập cho họ lao động rất quan trọng”, điều dưỡng Thu Ba nói.

Các bệnh nhân dệt chiếu.

Ca sĩ của bệnh viện

Đàn guitar giỏi, hát rất hay nên bệnh nhân Bùi Xuân Dũng (39 tuổi, ở P. Tân Chính, Q. Thanh Khê) được mệnh danh là ca sĩ của BV. Năm 1999, Dũng tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng của ĐH Kinh tế TPHCM, 2 năm sau lấy bằng Quản trị kinh doanh, nhưng rồi sau đó không lâu anh mắc bệnh tâm thần phải vào BV điều trị. Hiện giờ, Dũng đang trong giai đoạn phục hồi tinh thần để sớm có thể về cộng đồng.

Các bác sĩ tại BV cho biết, Dũng là cây văn nghệ đặc biệt của BV, không chỉ các hoạt động văn nghệ được trưng dụng. Hằng ngày, Dũng đều có nhiệm vụ ôm đàn hát hoặc đánh đàn cho các bệnh nhân hát hò, giải trí. Quây quần quanh gốc cây trong khuôn viên BV, Dũng và các bệnh nhân thể hiện say sưa một lúc hàng chục bài hát đủ thể loại từ sôi nổi đến sâu lắng. Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Lâm của khoa Phục hồi chức năng nói nhiều lúc căng thẳng quá, các BS cũng kêu Dũng đánh đàn, hát hò vài bài để giải trí, giảm áp lực công việc.

Ngoài ca nhạc “tự biên tự diễn” thì BV còn bố trí hệ thống karaoke để phục vụ bệnh nhân giải trí. Điều dưỡng Thu Ba cho biết, việc lao động, ca hát hay chơi thể thao chính là liệu pháp chữa bệnh tâm thần, giúp khơi gợi trí nhớ, ổn định tinh thần cho bệnh nhân. Đặc điểm của bệnh nhân tâm thần thường có những ảo tưởng, ảo thanh, nếu để họ rảnh rỗi, họ sẽ suy nghĩ miên man, những ảo tưởng đó bùng phát, khiến tình trạng thêm trầm trọng. Nhưng nếu tạo ra việc làm cho họ, họ sẽ tập trung vào công việc hoặc đam mê ca hát họ sẽ quên đi những ảo giác, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

Trong số gần 200 bệnh nhân điều trị tại BV Tâm thần Đà Nẵng thì có khoảng 50 người đang chữa bệnh bằng cách lao động và ca hát tại khoa Phục hồi chức năng. Giám đốc BV, BS Lâm Tứ Trung cho biết, ở Đài Loan, chữa bệnh cho người điên bằng liệu pháp này rất hiệu quả, người điên được trả lương cao, các sản phẩm của họ được xã hội nhiệt tình ủng hộ. Tuy nhiên, ở nước ta điều kiện chưa thể làm được như Đài Loan, nhưng mô hình đó rất hay, vì thế BV đã cử các nhân viên sang Đài Loan tập huấn để đem về Đà Nẵng triển khai. Bằng cách này, nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi, trở về cộng đồng có thể tự làm việc để mưu sinh. Đơn cử như anh T.H sau khi ra viện về làm công việc cho thuê phao tắm biển ở Sơn Trà; anh N.C đang chạy xe ôm ở Q.Thanh Khê; anh N.N.D ở Thăng Bình, từng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, sau khi điều trị ở BV giờ về làm kỹ sư điện ở Nam Giang.

Theo BS Trung, cái khó hiện nay là người dân chưa ủng hộ các sản phẩm do người điên làm ra, như rau củ, chiếu, hoa trang trí... Phần lớn các sản phẩm này do cán bộ, nhân viên trong BV mua để ủng hộ.

Hải Quỳnh