Chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ ở miền Trung-Tây Nguyên

Thứ sáu, 30/11/2018 17:00

Ngày 29-11, tại TP Huế (TT-Huế), Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị "Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên". Khu vực miền Trung và Tây Nguyên chiếm 50% các nhà máy thủy điện trên cả nước. Với đặc thù ở khu vực này là lưu vực các dòng sông có độ dốc cao, lòng sông hẹp chính vì vậy công tác điều hành mùa lũ để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du, cho công trình là vấn đề thách thức. Đánh giá về quá trình vận hành liên hồ chứa trong các năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Văn Hải- Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai thuộc Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết: hồ chứa chủ yếu vừa và nhỏ, không có dung tích phòng lũ, địa hình dốc, thời gian truyền lũ nhanh, dẫn đến hạn chế về chất lượng và thời hạn cảnh báo, dự báo. Theo ông Hải, hiện lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông còn khá thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu (760km2/trạm), nên chưa đáp ứng yêu cầu tính toán dự báo lũ. Công tác dự báo lũ về hồ chứa chưa chính xác và kịp thời do chưa dự báo chính xác được lượng mưa và thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu dự báo chưa thống nhất, còn sai lệch nhiều. Tình trạng này dẫn đến việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động, rất khó khăn cho công tác quyết định vận hành.

Một nhà máy thủy điện ở TT-Huế xả lũ vào tháng 11-2017. 

Ông Hải cũng cho hay, hiện phương thức kết nối, truyền dữ liệu tự động từ các hồ chứa về các cơ quan dự báo, điều hành còn hạn chế, chưa đồng bộ. Khi các hồ chứa đồng thời vận hành điều tiết để đưa các mực nước hồ về mực nước đón lũ dẫn đến mực nước ở hạ du sông lên rất nhanh. Trong mùa cạn, các thủy điện gần như chỉ phát điện trong giờ cao điểm và ngừng hoạt động trong các giờ thấp điểm nên chế độ dòng chảy trên sông biến động lớn trong ngày. Một số thủy điện hoạt động chuyển nước dẫn đến việc tranh chấp sử dụng nước ở hạ lưu sông, ảnh hưởng nước sản xuất, sinh hoạt trong mùa cạn. Theo đại diện Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ về hồ của các chủ đập thủy điện lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn ở tỉnh này chưa kịp thời. Số liệu dự báo tại các thời điểm chưa thống nhất, chưa dự báo được thời gian xuất hiện đỉnh lũ, dẫn đến việc tính toán và tham mưu ban hành lệnh vận hành, điều tiết lũ còn bị động. Đại diện đến từ tỉnh Quảng Nam cho hay, hạ lưu sông Vu Gia chịu ảnh hưởng điều tiết lũ của 3 hồ thủy điện (A Vương, Sông Bung 4 và Đăk Mi 4), khi xuất hiện lũ thì 3 hồ chứa này sẽ đồng thời vận hành điều tiết để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ, dẫn đến mực nước ở hạ du sông Vu Gia lên nhanh. Trên cơ sở đó, vị này cho rằng, khi đồng thời xuất hiện lũ về 3 hồ chứa thủy điện trên thì cần quy định thứ tự vận hành giữa các hồ với cấp lưu lượng cần điều tiết phù hợp nhằm giảm lũ cho hạ du.

Hồ chứa Tả Trạch gồm cả thủy lợi- thủy điện nằm ở xã Dương Hòa, TX Hương Thủy (TT-Huế).

Ông Nguyễn Văn Phương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, hiện tỉnh có 56 hồ thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã vận hành với dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy kaf 330,3 MW. Theo ông Phương, việc triển khai xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt hạ du cho toàn bộ khu vực sông Hương do sự cố vỡ đập rất phức tạp, có kinh phí lớn. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Bộ Công thương và Bộ NN- PTNT hỗ trợ tỉnh chỉ đạo các chủ hồ đập phối hợp với địa phương để bố trí kinh phí và chọn tư vấn đủ năng lực để thực hiện. Theo Tổng cục Thủy lợi, 14 tỉnh thành miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 2.393 hồ chứa, trong đó có 330 hồ lớn và 2.063 hồ chứa vừa và nhỏ. Năm 2017, cả nước đã xảy ra 23 sự cố hồ, đập thì khu vực miền Trung đã có 17 hồ gặp sự cố.

H.LAN

Chỉ hơn chục ngày nữa là bắt đầu gieo sạ trà đầu tiên của vụ đông xuân nhưng hiện nay, tại xã Hòa Phong-Hòa Tiến (H. Hòa Vang, Đà Nẵng), nhiều con kênh cạn kiệt nước. Lúa chết, cỏ dại mọc đầy trên những cánh đồng đã được cày xới, đồng không mông quạnh, ít thấy bóng người lai vãng. Mọi năm, đến thời điểm này đã có 2 - 3 đợt lũ lớn nhỏ về rửa sạch ruộng đồng. Không có lũ, hệ lụy mang lại là đất canh tác bạc màu, sâu bệnh tồn lưu trong đất có nhiều cơ hội bùng phát, chi phí sản xuất tăng cao, vụ lúa đông - xuân này, nông dân sẽ rất khó khăn. 

Không chỉ người nông dân mong lũ mà cả những hồ, đập thủy lợi cũng đang trong tình trạng "ngóng" mưa. Theo Phòng NN-PTNT H. Hòa Vang, hiện tất cả các hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn đều đang trong tình trạng thiếu nước. Những hồ lớn như Đồng Nghệ (xã Hòa Khương), Hòa Trung (xã Hòa Ninh - Hòa Liên) cũng chỉ mới tích được gần 45% nước so với dung tích thiết kế. Phần lớn, lượng nước này sẽ phục vụ tưới tiêu cho hầu hết diện tích đất nông nghiệp của huyện. Được biết, vụ đông - xuân này, toàn huyện xuống giống với tổng diện tích hơn 2.500ha; vì vậy, trước tình hình chưa có lũ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người nông dân không nên nóng vội mà phải tuân thủ đúng lịch thời vụ để thuận lợi việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.

VY HẬU