Chưa nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch

Thứ năm, 03/06/2021 09:09

Mặc dù Đà Nẵng đã trải qua 15 ngày không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, cộng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP đã cơ bản kiểm soát được; tuy nhiên, qua đánh giá tình hình dịch bệnh tại các địa phương cũng như ý kiến tại cuộc họp trực tuyến chiều ngày 2-6, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống COVID-19 TP Đà Nẵng quyết định giữ nguyên các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trước đây mà chưa xem xét nới lỏng thêm cho đến khi có thông báo mới...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo cuộc họp.

Theo Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC), tròn 1 tháng qua, Đà Nẵng ghi nhận 158 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, đặc biệt, trong 15 ngày qua, TP không ghi nhận trường hợp nào dương tính tại cộng đồng. Đồng thời, TP cũng đưa ra các biện pháp truy vết F1, F2, xét nghiệm toàn bộ các trường hợp có nguy cơ, mở rộng đối tượng xét nghiệm trên 140 ngàn đại diện hộ gia đình, trên 60 ngàn công nhân tại các khu công nghiệp, trên 14 ngàn thành viên các Tổ bầu cử…, tổng lượt người được xét nghiệm đến nay là trên 400 ngàn lượt người. Từ các con số nêu trên, Bác sỹ Thạnh mạnh dạn cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 đến nay trên địa bàn TP đã được kiểm soát. Tuy nhiên, theo Bác sỹ Thạnh, nguy cơ lây lan dịch từ các địa phương khác vào TP là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh được xem là “điểm nóng”, phức tạp gần đây. “Nếu chúng ta không có biện pháp giám sát chặt chẽ những người đi về từ vùng dịch thì nguy cơ tái diễn dịch bệnh tại TP là rất lớn. Vì vậy, về mặt chuyên môn, CDC đề xuất tăng cường biện pháp cách ly y tế tập trung đối với người về từ các vùng dịch, nhất là các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ”, Bác sỹ Thạnh nói. Đồng thời đề xuất BCĐ cũng như các địa phương có biện pháp mạnh hơn kiểm soát từ vòng ngoài.

Liên quan đến các đề xuất dỡ bỏ, nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là cho mở lại các dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ, tắm biển, thể thao ngoài trời không đối kháng, cắt tóc, làm đẹp… nhưng phải đảm bảo giãn cách, quy định phòng chống dịch, theo nhiều ý kiến của các đơn vị, địa phương thì tạm thời chưa xem xét. Nguyên nhân chủ yếu là khó kiểm soát, khi mà hầu hết các lực lượng ở cơ sở đều tập trung cho công tác kiểm soát tại các chốt, Tổ Covid cộng đồng ở khu dân cư và tại các khu cách ly y tế… Vì vậy, đa số các địa phương cho rằng, dù TP đã trải qua 15 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, dù một số người dân hiện đang rất khó khăn, chật vật, nhưng vì cái chung, vì mục đích lâu dài, bền vững hơn nên đề xuất BCĐ chờ thêm 6 ngày nữa (đủ 21 ngày), sau đó căn cứ vào tình hình thực tiễn mới xem xét dỡ bỏ, nới lỏng.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nhìn nhận, theo quy định, nếu địa phương trong vòng 28 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng thì xem như là vùng không có dịch. Trong khi đó, TP Đà Nẵng mới chỉ có 15 ngày, nếu giờ TP đưa ra các giải pháp nới lỏng, trong đó có việc cho tắm biển trở lại, tuy nhiên đây là một trong những tác nhân mà TP đã bị phê bình, vì vậy, qua các ý kiến của các địa phương thì xét thấy chưa thật sự yên tâm. Vì vậy, đề nghị BCĐ chờ đủ 21 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng mới xem xét. “Nếu 28 ngày mà hết dịch thì chúng ta cũng phải sống chung với Covid, vì vậy phải xây dựng các tiêu chí an toàn, trong đó có trường học an toàn, bệnh viện an toàn, siêu thị an toàn, cơ quan công sở an toàn… Đề nghị các địa phương kích hoạt việc này chặt chẽ hơn, tổ chức kiểm tra thường xuyên hơn, để sau chống dịch, chúng ta trở lại cuộc sống bình thường nhưng phải vận hành trong tiêu chí an toàn cho đến khi tất cả người dân được tiêm vaccine”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đà Nẵng đang tính tới các giải pháp sống chung an toàn với dịch bệnh cho đến khi toàn dân được tiêm vaccine. (trong ảnh: Công nhân tại các nhà máy thực hiện giãn cách khi ăn cơm để sống chung an toàn với dịch bệnh). 

Liên quan đến việc cách ly những người từ vùng dịch trở về, ông Triết đề nghị cần hướng dẫn phương án thống nhất, tránh lúng túng cho các công dân. Theo ông Triết, BCĐ nên đưa ra 2 sự lựa chọn, đó là nếu cách ly tự nguyện tại các khách sạn thì phải trả tất cả chi phí, còn nếu cách ly tại khu cách ly tập trung của TP thì phải chi trả tiền ăn.

Thống nhất với các ý kiến phát biểu của các địa phương, đặc biệt là các ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh, Trưởng BCĐ phòng chống Covid-19 TP chỉ đạo tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp, giải pháp đã triển khai; trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đối với người trở về từ vùng có dịch, các khu cách ly tập trung. “Đối với người về từ vùng dịch, các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 thì phải cách ly 21 ngày và phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Khi về TP, có 2 khu vực cách ly để họ lựa chọn. Một là cách ly tại khu cách ly tập trung Ký túc xá phía Tây TP và họ phải chịu chi trả tiền ăn hàng ngày, còn các dịch vụ khác thì TP lo. Đối với những người có nhu cầu cách ly tại các khách sạn thì phải chịu hoàn toàn kinh phí do cơ sở đó đưa ra”, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh nói. Đồng thời cho biết, riêng tại các cơ sở cách ly tự nguyện thì giao cho Sở Du lịch rà soát, đề xuất các khách sạn và các mức phí để có thông báo rộng rãi cho những người đi về từ vùng dịch. 

Liên quan đến việc nới lỏng một số dịch vụ, Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế qua 21 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng thì sẽ có đề xuất với BCĐ. Căn cứ vào tình hình thực tiễn thì BCĐ sẽ xem xét và có quyết định.

DOÃN HÙNG

Theo BCĐ phòng chống COVID-19 TP, trong 24 giờ qua (tính từ 13 giờ ngày 1-6 đến 13 giờ ngày 2-6), có 1 ca mắc mới (là F1 của bệnh nhân Covid-19 liên quan đến Công ty Trường Minh, được cách ly tại khu cách ly tập trung từ ngày 15-5 đến nay). Đến nay, TP Đà Nẵng trải qua 15 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.