Chuẩn bị cho lộ trình tiến tới Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015

Thứ sáu, 15/08/2014 11:38

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-8, tại TP Đà Nẵng, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia". Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cùng chủ trì cuộc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, tác động trực tiếp và có lẽ lớn nhất trong việc hình thành AEC là trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. DN có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi DN có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hội nhập cũng ngày càng nhấn mạnh đến các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác. Hội nhập trong các lĩnh vực này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế, căn cứ đặc thù của các vùng, miền. Đà Nẵng với vai trò là một cửa ngõ của đất nước và khu vực, có tiềm năng cao trong hội nhập kinh tế, đặc biệt trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu tại Hội thảo.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã thẳng thắn nhìn nhận, thời gian tiến đến AEC không còn nhiều. Do đó, những năm qua, để đón đầu cho việc thành lập AEC, TP Đà Nẵng đã tập trung chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho quá trình hội nhập này.

Đặc biệt là thành phố đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin; thực hiện các gói dịch vụ công, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính gắn với việc tham gia chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

Ông Hoàng Văn Phương, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Thị trường ASEAN trên 600 triệu dân và GDP gần 3.000 tỷ USD thông thương. Việt Nam có lợi ích từ các kết quả xây dựng AEC đã góp phần tạo ra các khuôn khổ tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại.

Về mặt đầu tư, AEC nâng cao vị thế Việt Nam với ý nghĩa là một cửa ngõ của ASEAN với thế giới, thu hút sự quan tâm của các đối tác Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tuy nhiên, nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng phần cứng cũng như phần mềm cũng như tài nguyên con người.

Bà Cao Thanh Diệp, Phó Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên đã đề cập đến lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối tác FTA. Theo lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WHO), cơ bản sẽ cắt giảm dần từ mức thuế suất 2007 về mức thuế suất cuối cùng trong vòng từ 5-7 năm. Cho đến nay, đã thực hiện xong cơ bản về giảm thuế, mức thuế bình quân giảm từ 17,4% xuống còn 13,4%. Đối với Khu vực mậu dịch tự do (FTA/EPA) cắt giảm dần theo lộ trình xuống 0%.

Ông Sundram Pushpanathan, Phó Tổng Thư ký ASEAN trong thông điệp của mình đã nêu rõ “Lộ trình tổng thể xây dựng AEC đang tiến triển thuận lợi. ASEAN đã tiến hành xóa bỏ thuế quan và triển khai các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn kể từ ngày 1-1-2010. Tuy nhiên, việc thực hiện AEC vào năm 2015 đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Chính phủ, cộng đồng DN, công chúng và các Đối tác phát triển của ASEAN đều giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công AEC.

P.V