"Chức năng dự báo của văn chương"
Là chủ đề buổi trò chuyện, giao lưu giữa nhà văn Nguyên An, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn với các nhà văn, nghiên cứu phê bình văn học và các bạn yêu văn học tại Đà Nẵng do Liên hiệp các Hội VH-NT TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13-10. Nhà văn Nguyên An vốn gắn bó với công việc làm sách giáo khoa, sách tham khảo, từ điển của ngành giáo dục. Ông bảo vệ luận án PTS đề tài Chân dung văn học Việt Nam. Theo ông: “Đi tìm vẻ đẹp trong những trang văn và trong mỗi cuộc đời, rồi giới thiệu cho người khác cùng biết, tôi nghĩ, cả đời mình cứ cố làm như thế và được làm như thế, là hạnh phúc lắm rồi!” (Nhà văn Việt Nam hiện đại - 2007).
Nhà văn Nguyên An và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tại buổi giao lưu. |
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cũng là người làm công tác giáo dục hơn 30 năm, sau chuyển sang làm quản lý xuất bản báo chí thuộc Sở VH-TT&DL Hà Nội, được đánh giá là một trong những tác giả có duyên với các giải thưởng văn học về đề tài chính luận, phản ánh những vấn đề xã hội, mang hơi thở cuộc sống, mang tính thời cuộc và tính dự báo. PGS-TS Đoàn Trọng Huy gọi sách của Nguyễn Bắc Sơn là tiểu thuyết luận đề chính trị - xã hội dưới dạng tâm lý xã hội…
Buổi giao lưu xoay quanh những vấn đề quan trọng về chức năng dự báo của văn chương như: thời điểm ra đời tính dự báo của văn chương, vai trò dự báo của văn chương, dự báo văn chương trong văn học hiện đại... Theo nhà văn Nguyên An, tính dự báo của văn chương ra đời từ khi sáng tác văn chương dân gian hình thành và phát triển theo sự phát triển của dân tộc. Bằng sự mẫn cảm của mình, các văn nghệ sĩ đã góp phần đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn của đời sống tinh thần, vật chất và xã hội để từ đó góp phần hoạch định chiến lược đổi mới, làm cho đất nước phát triển. Đồng thời mức độ dự báo, tính chất và nội dung dự báo không phải như nhau trong mỗi trào lưu văn học, mỗi thời kỳ. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn khẳng định chức năng dự báo trong văn xuôi đang phát triển rầm rộ, phản ánh nhiều khía cạnh của xã hội, nhưng dự báo như thế nào thì tùy thuộc vào từng nhà văn. Đề tài chưa quan trọng bằng giọng điệu riêng của tác giả và thông điệp mà nó gửi tới bạn đọc, khiến họ quan tâm. Nhà văn phải có tư duy tiểu thuyết để tổ chức, kết cấu các tuyến nhân vật chặt chẽ, đặc biệt là chú ý chi tiết. Ông nhấn mạnh: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.
T.T.S