Chung cư thấm dột tràn lan, cư dân bức xúc
Cuộc sống đảo lộn vì nhà dột... quanh nóc!
Chung cư bị thấm dột “đại trà” kéo dài đã khá lâu, song nhiều lần cư dân trong các nhà chung cư (NCC) kiến nghị tại cuộc họp tổ dân phố và các ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Mới đây, sau trận mưa kéo dài do ảnh hưởng của bão số 12, nhiều cán bộ, người dân sống tại NCC 3A, 4B (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) thông tin với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng về tình trạng trên và cho biết, người dân ở tại các NCC rất bức xúc.
Cư dân nhà chung cư 4B đang sống chung với thấm dột, phải tìm đủ mọi cách khắc phục tạm thời. |
Qua thực tế tại NCC 4B, P.V được nhân viên bảo vệ nhà xe cho biết, người dân cả tầng 7 của NCC này đang “khóc ròng” vì chuyện thấm dột. Như căn hộ số 712 của chị A., nước dột khắp nhà. Trao đổi với P.V, chị A. cho hay: “Những hôm trời mưa to, gần như thức trắng đêm để chờ đổ nước thấm dột chảy xuống, bằng không lênh láng khắp nhà. Lúc buồn ngủ cũng khó tìm ra chỗ để kê cái nệm, bởi nước dột bắn tứ tung. Nhờ báo chí lên tiếng dùm chứ cư dân chúng tôi sống chịu không nổi”, chị A. nói. Tương tự, căn hộ 713 của chị G. cũng thường trực thau chậu đầy nhà để dẫn nước thấm dột từ tấm bạt giăng khắp nhà chảy xuống. Trời tạnh rồi nhưng nước trong chậu vẫn phải đổ cả ngày. Chị bảo, gần 5 năm sống tại đây, việc thấm dột xảy ra liên miên. Đợt mưa lớn mấy ngày trước, phòng tôi và nhiều phòng khác cùng tầng ai cũng khóc dở mếu dở vì trực nước dột, không dám đi ra khỏi nhà.
Tại chung cư 3A, 3B, hàng chục hộ dân sống ở tầng 7 cũng than ngắn thở dài xung quanh chuyện thấm dột sau mưa. Theo các hộ, chắc chắn việc thiết kế xây dựng tòa nhà có vấn đề, vì mưa to nước thấm cũng vừa phải chứ nhiều phòng nước chảy như có vòi phun, sao chịu cho thấu. Ở nhà còn xử lý được, chứ lỡ may cả nhà đều đi phép hoặc công việc vài ngày, mưa ập xuống thì coi như ngập lênh láng như sông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả chục khu nhà 7 tầng tại Q. Sơn Trà, tình trạng thấm dột hậu quả đều đổ hết xuống đầu các hộ tầng 7 và tầng 6. Chưa hết, không ít hộ tầng 2, 3, 4 cũng bị cảnh nước xả tự nhiên xuống nền theo trần nhà khu vực nhà vệ sinh. Nhiều lúc hốt hoảng, gia đình gọi báo cho cơ quan chức năng đến kiểm tra, nhưng khắc phục tạm thời một thời gian lại tái diễn…
Một nhà chung cư tại khu 3A dấu vết thấm dột hiện rõ một vùng lớn. |
Khó khắc phục!?
Phản ánh những bức xúc của cư dân các tòa NCC với lãnh đạo Phòng quản lý nhà (Sở Xây dựng) thì được biết: Toàn bộ các công trình chung cư khu làng cá Nại Hiên Đông trước đây do BQL các dự án xây dựng TP Đà Nẵng, hiện nay là BQL đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng thực hiện. Các tòa nhà này trước đây chỉ chống thấm, không lợp tôn, nên mưa lớn dẫn đến thấm dột.
Nhưng nếu có phản ánh thấm dột thì Cty Quản lý nhà chung cư phải có trách nhiệm đi khảo sát, sửa chữa hoặc có thể đề xuất chống thấm lại, hoặc lợp tôn. Riêng Sở Xây dựng chưa nhận được phản ánh của công dân. Tuy nhiên, Sở sẽ cho kiểm tra ngay để có biện pháp khắc phục. Đại diện một phòng khác của Sở Xây dựng cho biết thêm, do thiết kế ban đầu của các tòa nhà có những điểm bất hợp lý, như việc thiết kế đường ống chạy trên sàn nhà nên dẫn tới việc đường ống xì, bể nên tầng trên có sửa chữa sẽ chạy nước xuống tầng dưới.
Trao đổi với lãnh đạo Cty Quản lý nhà chung cư để tìm phương án tháo gỡ, khi chúng tôi vừa nói đến chuyện thấm dột, ông Nguyễn Bá Bình- Giám đốc Cty lập tức chỉ tay lên tường căn hộ nơi ông đang ngồi làm việc ở chung cư Lê Đình Lý nói ngay: “Đấy, nhà báo xem đi, phòng của tôi khi mưa xuống nước bị thấm dột, phải khắc phục bằng cách dán giấy chống thấm. Nhưng tránh được trận mưa này, trận mưa tới lại thấm, lại dột. Nguyên nhân chắc chắn là chạy đường ống bất hợp lý”. Cũng theo ông Bình, chuyện thấm dột nhiều tòa nhà tại Sơn Trà là đúng, và mỗi khi nhận phản ánh của người dân, Cty đều cho người xuống kiểm tra, nhưng chỉ là khắc phục tạm thời, còn khắc phục dứt điểm thấm dột khó mà làm được.
Đặt câu hỏi nguyên nhân vì sao không thể khắc phục triệt để? Ông Bình nói thẳng: Cái này là do bản vẽ thiết kế chạy đường ống nước ban đầu có vấn đề. “Thông thường người ta chạy ống nước theo lối ven tường, chứ chẳng ai cho chạy trực tiếp dưới nền gạch cả. Nhưng những block chung cư 7 tầng khi xây dựng xong bàn giao cho Cty quản lý, vận hành, thiết kế đường ống nước cho chạy ngang dưới nền nhà. Mà ống là ống nhựa, chỉ cần có tác động mạnh từ nền gạch, ống xì ra thấm dột là đúng. Bây giờ nếu khắc phục thì phải đục hết lên, chạy lại đường ống, mà phải là ống nhôm may ra mới ổn. Nhưng làm được thế phải di dân ra ngoài, chứ đục cả khu như vậy, rất nguy hiểm”, ông Bình nói.
Ông Bình còn cho biết thêm, với chức năng nhiệm vụ của Cty là nhận công việc quản lý vận hành các công trình khi xây dựng xong rồi sau đó bố trí cho người dân, cán bộ được TP có quyết định bố trí chung cư. Còn chuyện thiết kế, xây dựng thế nào đơn vị không trực tiếp tham gia. Tuy nhiên mấy năm qua, cứ có thấm dột là người dân chỉ biết kêu Cty quản lý NCC mà thôi. Mỗi lần như vậy, Cty lại đề xuất, báo cáo với sở Xây dựng, HĐND, xong việc khắc phục cũng chỉ là chống thấm dột tạm thời, chứ giải pháp căn cơ rất khó.
Chuyện phải sống chung với thấm dột tại các tòa nhà chung cư 7 tầng của Q. Sơn Trà đã và đang khiến cư dân rất bức xúc. Thiết nghĩ, các sở ban ngành, đặc biệt là đơn vị thiết kế thi công các công trình này cần phải tính toán biện pháp khắc phục để nhân dân ổn định cuộc sống.
CÔNG HẠNH