"Chúng ta đang rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone"

Thứ ba, 24/10/2017 10:59

Gần đây có thông tin cho rằng không nên mở rộng điều trị Methadone vì hiện nay chủ yếu là nghiện ma túy tổng hợp. Trước thông tin trên, Tiến sĩ (TS) Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có những trao đổi để làm rõ hơn xung quanh vấn đề này.

Nhân viên y tế quản lý, giám sát điều trị Methadone.    Ảnh: TTXVN

Việt Nam triển khai từ năm 2008

P.V: Ông có thể nói rõ, điều trị bằng thuốc Methadone có tác dụng như thế nào đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị bằng thuốc Methadone có tác dụng rất hiệu quả cho những người nghiện các chất dạng thuốc phiện (như heroin và thuốc phiện) và không có tác dụng điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp như ma túy đá, thuốc lắc...  Như vậy, ở khu vực nào chỉ có người nghiện ma túy tổng hợp thì không nên triển khai cơ sở điều trị Methadone.

P.V: Xin ông cho biết chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam được triển khai như thế nào?

TS Hoàng Đình Cảnh: Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2008. Đến nay, chương trình đã chứng minh được tính hiệu quả ở Việt Nam tương đương với hiệu quả của chương trình tại nhiều nước trên thế giới. Một số kết quả đáng ghi nhận sau khi triển khai tại Việt Nam như chương trình Methadone đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.

Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15%. Trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

Bên cạnh đó, bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe (thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống). Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống sau một thời gian điều trị. Thời gian bệnh nhân tham gia điều trị càng dài thì mức độ ổn định về sức khỏe thể chất, tâm thần và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân càng cao.

Cả nước có 210.751 người nghiện ma túy

P.V: Hiện nay, có ý kiến cho rằng tỷ lệ các đối tượng nghiện ma túy tổng hợp chiếm ưu thế hơn. Ông đánh giá sao về ý kiến này?

TS Hoàng Đình Cảnh: Xét trên góc độ tổng thể quốc gia, chúng tôi thấy rằng thông tin này là không đúng. Thứ nhất, theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó nghiện ma túy tổng hợp là 20.778 người, chỉ chiếm 9,8%. Trong khi số liệu báo cáo về người nghiện các chất dạng thuốc phiện là 159.844 người, chiếm tới 75,8%, trong đó heroin: 154.102 người (73,1%) và thuốc phiện: 5.742 người (2,7%), cần sa: 3.418 người, cocaine: 238 người, sử dụng nhiều loại ma túy: 4.219 người (2%).

Thế nên, nhận định số người nghiện ma túy tổng hợp (chiếm gần 10%) là chủ yếu so với cái chiếm gần 76% là thứ yếu trong bức tranh tổng thể là không đúng. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ tình huống có thể ở một nơi nào đó, trong nhóm nào đó, trong thời điểm nào đó thì số nghiện ma túy tổng hợp là chiếm chủ yếu cũng rất có thể xảy ra. Mặt khác, vì nhiều lý do dẫn đến tình trạng người nghiện ma túy thường lẩn trốn, che giấu và phần lớn không tự khai báo tình trạng nghiện theo quy định tại điều 26 của Luật Phòng chống ma túy cho đến khi họ bị bắt quả tang là có sử dụng ma túy. Do vậy, con số hơn 210.000 người nghiện có hồ sơ quản lý được báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, con số thực tế người nghiện ma túy còn lớn hơn nhiều và trong đó số nghiện heroine, nghiện thuốc phiện cũng lớn hơn nhiều so với số liệu gần 160.000 người được báo cáo.

Thứ hai, các nghiên cứu và khảo sát cho thấy có hiện tượng người nghiện thay đổi loại ma túy họ sử dụng trong từng giai đoạn. Tùy vào điều kiện kinh tế, tâm lý, trào lưu và tính sẵn có của ma túy, người nghiện có thể chuyển từ nhóm ma túy tổng hợp sang dùng heroin, thuốc phiện và ngược lại, hoặc song song dùng nhiều loại ma túy, cũng có một số người chỉ dùng cố định một loại ma túy.

Như vậy, con số báo cáo là 159.844 người nghiện các chất dạng thuốc phiện, chiếm tới 75,8% vào tháng 12-2016 có thể thay đổi, họ có thể chuyển sang dùng ma túy tổng hợp hoặc ngược lại, số nghiện ma túy tổng hợp chuyển sang dùng heroin, thuốc phiện, hoặc song song dùng cả hai loại ma túy khác nhau. Cho dù có sự thay đổi thì số người nghiện heroin, thuốc phiện vẫn chiếm con số rất lớn. Do đó, tính sẵn có của cơ sở điều trị Methadone là cần thiết cho người nghiện khi họ có nhu cầu điều trị.

Trước thực trạng này, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, điều tra một cách bài bản, khoa học, định kỳ để có con số chính xác về số người nghiện trên địa bàn và nghiện loại ma túy nào để có phương án điều trị đúng, tránh những nhận định chủ quan, phiến diện, không phản ánh đúng thực trạng nghiện tại địa phương.

Còn hơn 100.000 người chưa được điều trị

P.V: Trước thực trạng trên, theo ông, việc cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone có thực sự cần thiết?

TS Hoàng Đình Cảnh: Trên bình diện quốc gia, chúng ta đang rất cần mở rộng điều trị thay thế bằng Methadone. Nguyên nhân là do, tính đến tháng 6-2017 cả nước mới chỉ điều trị thay thế bằng Methadone cho gần 52.000 người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Như vậy, chưa đến 1/3 số người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng Methadone, còn hơn 100.000 người chưa được điều trị. Điều đó cho thấy, nhu cầu còn rất lớn và do vậy các tỉnh, thành phố phải rà soát số người nghiện các chất dạng thuốc phiện thực tế tại địa phương mình để thiết lập các cơ sở để điều trị Methadone cho phù hợp.

Theo quy định của Chính phủ, quận huyện nào có từ 250 người nghiện chất dạng thuốc phiện trở lên thì mở 1 cơ sở điều trị Methadone, nơi nào ít hơn 250 người thì đặt cụm liền kề giữa các huyện hoặc thiết lập điểm cấp phát thuốc Methadone vệ tinh.

Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại Canada từ năm 1959 và đến nay đã được mở rộng ra gần 80 quốc gia. Hiệu quả của điều trị nghiện bằng Methadone đã được đánh giá tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam.

Ở phương pháp này, người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp… Chính vì vậy, Chính phủ chủ trương mở rộng điều trị Methadone cho những người nghiện chất dạng thuốc phiện trên toàn quốc.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

THÙY GIANG/VN+