Chung tay loại trừ thực phẩm bẩn trong dịp Tết

Thứ ba, 03/01/2017 09:05

(Cadn.com.vn) - Gần đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, lực lượng chức năng và các địa phương, đơn vị ở tỉnh Quảng Nam tăng cường kiểm tra, xử lý để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng.

Ngày 31-12-2016, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm về vệ sinh ATTP tại cơ sở sản xuất bánh kẹo Bảo Linh, ở khối phối Trường Đồng, P. Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Tại cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Bảo Linh, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra khu vực chế biến đã phát hiện sai phạm sử dụng thiết bị bị mốc để chế biến thực phẩm; tường thì ẩm mốc; nguyên liệu bột, đường không rõ nguồn gốc; kho bảo quản nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; quy trình chế biến thực phẩm không đảm bảo nguyên tắc một chiều. Ông Phan Đình Tuấn, chủ cơ sở bánh Bảo Linh cho rằng, do trời mưa gió, mặt bằng sản xuất chật hẹp nên vệ sinh không được đảm bảo.  "Đường và bột được mua ở cơ sở truyền thống nên đôi lúc không có đủ giấy tờ (?!). Riêng về đường, thời gian qua do mưa bão và cận Tết nên không có đường Quảng Ngãi để dùng, tôi phải mua đường Thái Lan để sản xuất bánh kẹo", ông Tuấn phân trần.

Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam bắt vụ vận chuyển thịt bẩn trên ô-tô khách.

Cơ sở hiệu bánh Bảo Linh đi vào hoạt động 6 năm. Khi đoàn kiểm tra, cơ sở này có 15 người lao động trực tiếp sản xuất nhưng chỉ có 5 người lao động có giấy khám sức khỏe, tất cả đều chưa có trang phục bảo hộ đầy đủ, không đeo khẩu trang... Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam lập biên bản xử lý vụ việc.

Hiện đang là mùa cao điểm sản xuất và tiêu thụ bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, vì vậy việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất kinh doanh mặt hàng này là vô cùng quan trọng. Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Quảng Nam hiện đang tổ chức đợt kiểm tra, xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất thực phẩm, bánh kẹo phục vụ trong dịp Tết để đảm bảo vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng.

Nhằm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với Sở Y tế, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, Quảng Nam còn tồn tại vi phạm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ, chặt chẽ; công tác quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản ở cấp huyện, cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Với ngành y tế, hạn chế trong công tác ATTP là tình hình ngộ độc thực phẩm có nguy cơ cao và diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ ngộ độc thực phẩm với 368 người mắc, trong đó 3 người tử vong.

Công tác xử lý vi phạm hành chính với các cơ sở tuyến huyện, tuyến xã chưa triệt để; hạn chế về đội ngũ làm công tác giáo dục, truyền thông, quản lý ngộ độc; năng lực kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng nhu cầu. Tại buổi làm việc, 2 ngành kiến nghị Quốc hội rà soát, bổ sung Luật ATTP phù hợp với thực tiễn hiện nay, kiến nghị Chính phủ thành lập cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về ATTP; bổ sung nhân lực, kinh phí, đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để triển khai các hoạt động. Đồng thời có những kiến nghị với UBND tỉnh, các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả hơn công tác ATTP trong thời gian tới.

Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ ngộ độc nào lớn, nhưng không phải vì thế mà buông lỏng quản lý được. Có thể không gây chết người ngay lập tức, nhưng nó lại ảnh hưởng dần dần đến sức khỏe cộng đồng thì rất nguy hiểm. Và hiện nay, nguy cơ về việc không đảm bảo vệ sinh ATTP ngày càng tiềm ẩn, biểu hiện phức tạp. Chính vì vậy, cần phải tăng cường tuyên truyền cho tất cả cộng đồng để cùng chung tay loại trừ thực phẩm bẩn. HĐND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp các chợ đầu mối ở những vùng nông thôn, đảm bảo chất lượng để cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, qua đó giảm thiểu được phần nào hiểm họa từ thực phẩm không rõ nguồn gốc.

"Về mặt quản lý nhà nước, cần phải có những văn bản quy chế, quy ước cụ thể để hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tránh sự chồng chéo, rườm rà. Công tác tư vấn, hỗ trợ cho những cơ sở này cũng cần được nâng cao và quan trọng nhất là để họ có trách nhiệm với chính cộng đồng. Những sản phẩm của họ phải hướng vào cộng đồng, vì sức khỏe của cộng đồng thì mới có thể đảm bảo được", ông Võ Hồng nói.

Hằng năm, cứ đến dịp lễ Tết là câu chuyện về vệ sinh ATTP lại "nóng". Mặc dù quyết liệt kiểm tra, xử lý để ngăn chặn thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh ATTP, nhưng công tác này ở các địa phương trong tỉnh Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu cán bộ chuyên trách và công cụ hỗ trợ nên việc kiểm tra chủ yếu vẫn bằng mắt thường nên rất khó để xác định thực phẩm có đảm bảo vệ sinh ATTP hay không. Nguồn kinh phí cũng eo hẹp nên khó có thể thường xuyên đi kiểm tra, ngoài những tháng cao điểm.

Th. Hà