Chung tay xây dựng cuộc sống mới

Thứ hai, 23/12/2019 13:58

Ngày nay, đến những nơi đồng bào Cơ Tu H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) định cư, đường giao thông đã thuận lợi hơn, ô-tô vào tận bản làng. 100% hộ dân không còn ở nhà tạm, mỗi thôn được xây dựng một Nhà Gươl để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Tuy là địa bàn vùng núi nhưng người dân đã phần nào giảm thiểu sự trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà thể hiện sự phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Du khách tham quan, tìm hiểu những món ăn dân dã của đồng bào Cơ Tu xã Hòa Bắc.

Trong ký ức của các già làng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú, H. Hòa Vang), chiến tranh kết thúc, do thiếu "cái ăn, cái mặc" nên không ít người bỏ làng ngược lên vùng cao tìm miền đất mới. Người ở lại do nhu cầu cuộc sống phải vất vả vào rừng đốn củi, đốt rẫy làm nương. Sau đó, làng Phú Túc (xã Ba, H. Hiên, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) được chuyển giao cho xã Hòa Phú quản lý, thì cuộc sống của đồng bào Cơ Tu mới từng bước được cải thiện, địa phương cấp đất trồng rừng, hỗ trợ sản xuất phát triển kinh tế nên người dân không còn cám cảnh "du canh, du cư" nữa. Bây giờ, lớp trẻ trong thôn thì lao động hợp đồng cho các khu du lịch sinh thái, còn lớp người cao tuổi được hỗ trợ nghề nấu rượu cần phục vụ du khách. 

Già làng Lê Văn Rời trải lòng, với người dân miền núi, ở đâu có rượu cần là ở đó có niềm vui, có tiếng cười và sự giao lưu thân ái. Uống rượu cần là biểu tượng tình đoàn kết trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nếu Đảng và Nhà nước không triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì có lẽ hơn 130 hộ dân nơi đây quên hẳn việc nhóm lửa bếp rượu cần mà cha ông đã để lại… "Trước đây, người Cơ Tu xem rượu cần như một thức uống dành cho mùa lễ hội, chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kinh doanh. Thế mà hiện nay, sản phẩm Rượu cần Phú Túc không chỉ tiêu thụ gói gọn trong địa phương mà còn có mặt ở nhiều nơi, người dân Đà Nẵng đi xa mang làm quà tặng, nhiều khách du lịch từ Bắc chí Nam, khách nước ngoài đến với địa phương cũng thích thú thưởng thức rượu cần và không quên khi về cũng mua thêm vài ché để tiếp tục say men với người thân", già Rời phấn khởi nói.

Còn ở xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang), gần 200 hộ đồng bào Cơ Tu quần tụ tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí. Theo anh Đinh Văn Như - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Giàn Bí, tận dụng lợi thế về đất rừng, chính quyền địa phương khuyến khích đồng bào phát triển đàn gia súc, gia cầm tạo thêm nguồn thu nhập. Sau khi TP đầu tư, xây dựng chiếc cầu vĩnh cửu nối liền 2 thôn thì người dân quê anh thoát khỏi cảnh lội suối, băng rừng. Có cầu, người dân có thêm nhiều thuận lợi trong việc giao lưu sinh hoạt, cải thiện cuộc sống. Ai nấy đều biết đoàn kết, cùng nhau bàn cách làm ăn, xóa đói giảm nghèo; tỷ lệ học sinh người dân tộc đến trường ngày càng tăng, học sinh bỏ học rất ít… "Điều đó đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của các cấp chính quyền trong việc tạo dựng mối liên kết không chỉ đơn thuần về giao thông mà còn là sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội cho bà con miền núi", anh Như cho biết thêm.

Bên cạnh đó, xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, cũng như giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Cơ Tu, ngoài việc duy trì Liên hoan "Văn hóa - Thể thao miền núi" hằng năm, H. Hòa Vang còn tổ chức cho người dân nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch cộng đồng Homestay, phục dựng các lễ hội "Ăn thề kết nghĩa", "Mừng lúa mới" và tập huấn những kỹ năng khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đan mây tre, chế biến các món ăn dân dã và các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bắn nỏ; đồng thời, mở rộng giao lưu, thắt chặt mối quan hệ với người Cơ Tu vùng cao các huyện Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam).

Ngoài ra, các cấp chính quyền còn phối hợp với Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng đề án "Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu" giai đoạn 1 tại xã Hòa Bắc với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của huyện là 900 triệu đồng. Đến nay, đề án này đã thực hiện được nhiều chương trình như xây dựng hương ước bảo vệ rừng; tập huấn cho người dân về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, phù hợp với môi trường để thu hút khách du lịch…

Theo Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang Bùi Nam Dũng, để có được những đổi thay kỳ diệu đó là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của các ngành, các cấp, không chỉ đơn giản là những chính sách hỗ trợ hợp lý mà còn tập trung vào việc đầu tư nguồn lực, thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất cho người dân trên cơ sở giữ nguyên bản sắc văn hóa tồn tại bao đời nay. Cùng với đó, UBND TP quan tâm tặng khóa học về đào tạo, truyền nghề điêu khắc gỗ với kinh phí 200 triệu đồng để khích lệ bà con Cơ Tu vùng thấp bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.

VY HẬU