Chúng tôi - Những người làm báo không chuyên

Thứ ba, 11/08/2020 17:04

Nhà báo là những người được cấp thẻ nhà báo khi hành nghề. Còn chúng tôi là những người làm truyền thông cho ngành điện và chưa được công nhận là nhà báo thực thụ. Nhưng điều đó chẳng làm chúng tôi chạnh lòng. Bởi, chính những nhà báo, phóng viên làm việc tại các cơ quan báo chí đã ưu ái xem chúng tôi là “đồng nghiệp”, chỉ khác nhau chiến tuyến.

Tôi (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến công tác khánh thành cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn vào tháng 9/2014

Nghề chọn… người

Với tôi, câu nói đó quả thật ứng nghiệm. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành công nghệ thông tin, không lâu sau đó, tôi được vào làm việc tại một trường cấp 3. Công việc có phần ổn định và cũng là niềm mơ ước của biết bao người. Tuy nhiên, trái ngành, trái nghề cũng là nỗi băn khoăn của những ngày đầu tôi nhận nhiệm vụ. 5 năm hành nghề nhà giáo, tôi cảm thấy thiếu thứ gì đó, vẫn có một “khoảng trống” chẳng thể lấp đầy. Nhiều lúc tôi tự hỏi, có phải mình đang ở một môi trường chưa phù hợp? Một khuôn khổ giống như một giáo án soạn sẵn là điều khiến bản thân tôi day dứt.

Tôi vẫn còn nhớ, những ngày nhỏ, cứ hễ mỗi lần đi tác nghiệp ngoài hiện trường hay đến trường quay của Đài là cha thường đèo tôi sau chiếc xe dame, tay vác lỉnh kỉnh đồ đạc của ông ấy, lúc đó tôi thấy vui và hãnh diện lắm. Cha tôi là một phóng viên, đạo diễn thực thụ, một người làm báo có thâm niên của Đài phát thanh truyền hình thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Thấy ông đi đến đâu, được người ta quý mến, tôi chợt nghĩ làm nhà báo thật “oai”.

Nhiều người vẫn thường hay nói con cái sẽ nối nghiệp cha, hay chí ít cũng có những đam mê giống như cha mình, đại loại kiểu “cha truyền con nối”. Thế rồi, đường đời chẳng giống như ước mơ, những ngã rẽ đã làm tôi có phần hụt hẫng.

Những tưởng, nghề giáo sẽ chôn chân tôi đến tuổi về hưu. Nhưng đến năm 2017, tôi được điều động về đơn vị mới nhận công tác, chuyên trách mảng truyền thông. Khi ấy, tôi mới thực sự tin rằng, có những “hữu duyên” mà mình không thể nào lý giải nổi, và nghề chọn người là có thật.

 

Hành trang và niềm vui khi mới vào nghề

Vốn dĩ là người làm công tác công nghệ thông tin cho ngành điện qua nhiều năm, có lợi thế về mặt công nghệ nên bản thân tôi cũng đã chủ động tìm tòi và học hỏi các kỹ năng của người viết báo, làm truyền hình. Tôi bắt đầu quan tâm hơn vào các chương trình thời sự trên tivi, các phóng sự, ký sự, cách diễn đạt hình ảnh trên các khuôn hình, tôi cũng bắt đầu thói quen đọc tin tức, đọc sách báo để trau dồi kỹ năng viết lách, cách dẫn dắt và giải quyết vấn đề,… Bên cạnh đó, những chia sẻ quý báu của đồng nghiệp, của anh em phóng viên cũng là hành trang giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi.

Là một người làm báo không chuyên. Tôi nhắc đến từ không chuyên là để thấy, những bản tin chúng tôi làm ra có phần gì đó chưa được chỉnh chu, hoàn thiện, chưa thể là một bản tin báo chí so với những người làm báo chuyên nghiệp. Vậy nên, cá nhân tôi và cả những đồng nghiệp làm mảng truyền thông luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm về nghề. May mắn thay, những anh, chị ở các báo, đài cũng đã hỗ trợ tôi nhiều thứ, tận tình chỉ vẽ từng đường đi nước bước. Từ chỗ còn rụt rè, ái ngại mỗi khi làm việc với họ thì nay tôi tự tin hơn về bản thân, có thể tự mình làm ra những bản tin, những phóng sự hay. Chúng tôi như “người một nhà”, cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ, cùng hướng tới những điều tốt đẹp. Anh chị ấy xây dựng cho đời, cho xã hội thì chúng tôi xây dựng những điều tốt đẹp cho cơ quan, đơn vị. Rộng - hẹp tùy theo cách nghĩ mỗi người nhưng với tôi được cống hiến cho ngành điện, ghi lại những thước phim, hình ảnh về công nhân, về nỗi khổ cực, vất vả của họ là trách nhiệm cao cả.

Trong cảm xúc miên man, bồi hồi, bất chợt tôi nhớ lại sản phẩm đầu tay của mình. Đó là phóng sự ghi lại hành trình ra quân lắp đặt, thay thế công tơ nhằm giảm tổn thất điện năng tại huyện Đức Phổ do Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Quảng Ngãi phối hợp với Chi đoàn Điện lực Đức Phổ thực hiện. Sau khi đăng phát, lãnh đạo Công ty đã nhắn tin động viên, khích lệ. Chẳng có ngôn từ nào tả hết sự sung sướng trong tôi khi ấy. Đó chính là động lực thôi thúc tôi phải tiếp tục trau dồi kiến thức và giúp tôi vẫn giữ vững niềm đam mê với nghề đến hôm nay.

Với chúng tôi, hạnh phúc chính là được truyền tải những tác phẩm gần gũi, chân thực về ngành Điện đến với khách hàng, để khách hàng hiểu, cảm thông và chia sẻ với ngành. Những tác phẩm của chúng tôi có thể chưa phải là tác phẩm báo chí nhưng vẫn được các nhà báo, phóng viên ưu ái sử dụng để đăng trên các ấn phẩm báo chí và các kênh truyền hình. Thông qua đó, những tác phẩm của chúng tôi cũng đã và đang góp phần đưa thông tin về ngành Điện đến gần hơn với công chúng.

Nguyễn Tuân