Chương trình tiêm chủng mở rộng đang gặp không ít thách thức

Thứ bảy, 03/08/2013 11:06

* Từ tháng 7-2012 đến nay, có tới 13 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (VGP) tổ chức Tọa đàm trực tuyến với các chuyên gia trong nước và Tổ chức Y tế thế giới về các nội dung liên quan đến Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985 và là chương trình y tế có hiệu quả nhất ở Việt Nam hiện nay. Theo bác sĩ Kohei Toda, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã hết sức thành công, tỷ lệ bao phủ cao của chương trình là thành tựu quan trọng đáng khích lệ. Trên bình diện toàn cầu, sự thành công của chương trình tiêm chủng không chỉ bảo vệ mà còn cứu sống được rất nhiều trẻ em. Ở Việt Nam, sau 30 năm có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ bởi chương trình. Theo tính toán, chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong so với không có chương trình tiêm chủng.

Tuy nhiên, chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam đang gặp không ít thách thức. GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, chúng ta đạt được nhiều thành tựu đáng kể nên đã có tâm lý chủ quan, thỏa mãn dẫn đến giảm đầu tư cho chương trình tiêm chủng. Việc tiếp cận tiêm chủng khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi. Trong khi kinh phí đầu tư của nước ngoài đang giảm dần, nhiều loại vaccine có hiệu quả vaccine phòng chống Rotavirus; vaccine chống viêm não mô cầu... vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng.

Theo thống kê, từ tháng 7-2012 đến nay, có tới 13 trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Gần đây nhất, trong hai ngày 20 và 21-7, đã có 4 trẻ em ở Quảng Trị và Bình Thuận tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B. Đây là con số rất đáng báo động, khiến người dân hoang mang, cán bộ y tế lo ngại, giảm lòng tin. GS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng sự cố về vaccine có 3 nguyên nhân chính: do vaccine; do quy trình tiêm chủng; do tỉ lệ chết của trẻ dưới 1 tuổi/1.000 trẻ sống còn gọi là hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh.

Thống kê của Tổng cục dân số năm 2012 cho thấy, tỷ lệ chết trẻ sơ sinh ở Việt Nam là 15,8/1.000 trẻ sống. Tính cụ thể, mỗi ngày có tới 50 trẻ sơ sinh đột tử không rõ nguyên nhân. Như vậy, bình thường trẻ tử vong ở Việt Nam mỗi ngày 50 trẻ, tỷ lệ hay tần suất tử vong trùng hợp với tiêm vaccine là rất lớn. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân xảy ra sự cố ở Bình Thuận và Quảng Trị. Nguyên nhân đột tử đã được loại trừ, 2 nguyên nhân còn lại là: do vaccine hoặc do quy trình tiêm chủng. GS-TS Trịnh Quân Huấn nhận định: Việc Bộ Y tế chuyển điều tra xác định nguyên nhân do quy trình hay do vaccine sang Bộ CA là đúng, giúp cho công tác điều tra được minh bạch hơn.

Trả lời băn khoăn của độc giả về chất lượng vaccine tiêm dịch vụ với vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, GS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vaccine và sinh phẩm y tế khẳng định: nói vaccine tiêm dịch vụ ít tai biến hơn vaccine tiêm chủng mở rộng là chưa đúng mức, chưa có cơ sở. Để có thể so sánh được, cần phải có nghiên cứu điều tra. Đến nay, chưa có nghiên cứu, kết luận về vaccine nào ít biến chứng hơn. Dù là vaccine tiêm dịch vụ vẫn phải nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế và vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vaccine tiêm chủng mở rộng, không có sự khác biệt nào.

Thu Thủy

Bộ Y tế vừa có thông báo tạm ngừng trên toàn quốc việc tiêm hai lô vaccine phòng viêm gan B liên quan đến vụ ba trẻ sơ sinh bị tử vong tại Quảng Trị. Các lô vaccine này đã được gửi ra nước ngoài để kiểm soát về hiệu lực và độ an toàn. Nếu được xác định an toàn và vẫn có hiệu lực, các lô vaccine này sẽ được tái lưu hành.