Chút ưu tư với làng bích họa Tam Thanh
(Cadn.com.vn) - Làng chài nhỏ Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã trở thành ngôi làng bích họa đầu tiên và sắp tới sẽ có "Con đường thuyền thúng" đầu tiên ở Việt Nam. Những bức tranh trên tường, trên thúng đang vẽ lên một cuộc sống mới cùng những ưu tư về sự thay đổi.
Ý tưởng cho nghệ thuật và du lịch
Tam Thanh mấy ngày này, những họa sĩ đến từ Singapore, Việt Nam đang tất bật cọ, màu. Trên đường cong của thúng, ghe, lu cũ, những nét cọ khoanh tròn vẽ những tôm, cá, hoa muống biển... "Tôi hỏi người dân muốn vẽ gì, họ trình bày ý tưởng, tôi vẽ, thế là ra một bức tranh đồng tác giả, của họ và của tôi" - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nói.
Làng chài Tam Thanh vốn lặng lẽ bởi tiếng ghe khua động rớ quay, đóm sáng đèn dầu của chủ nò... Đến đây, du khách sẽ thấy lạ khi sông Trường Giang chảy song song với biển, đứng giữa làng, thấy một bên biển một bên sông. Thế nhưng, lão ngư Trần Đước nói như lần đầu biết đến vẻ đẹp của làng: "Tôi sống ở đây quen nên thấy bình thường. Không ngờ cảnh làng của tôi cũng có thể thành tranh nghệ thuật cao siêu".
Với 120 bức bích họa trên tường của hơn 100 ngôi nhà, mỗi ngày có 300 - 400 du khách đến với Tam Thanh, cuộc sống làng chài dần rộn rã. Anh Võ Đức - chị Lương Thị Tường Vi cưới nhau năm 2007, cuộc mưu sinh nhờ vào bàn may của anh khi anh bị câm điếc, chân chị bị tật. Một ngày, họa sĩ tô lên tường nhà màu vôi xanh đỏ, có chồng ngồi bên bàn may, có vợ ôm con gái nhỏ và con trai đang nhoẻn miệng cười. Vậy là anh chị mở thêm một chỗ giữ xe, bày ra quán nước nhỏ. "Mong nhiều khách để có tiền mua quần áo, sách vở cho 2 đứa con" - chị Vy nói.
Như chị Vy, nhiều người mở thêm dịch vụ giữ xe, mua ít bàn ghế nhựa, ly tách về bán giải khát cho khách tham quan. Hay như bà Trần Thị Cách, chủ một quán bánh canh đang khoe về món ăn "độc nhất", rằng chả cá tự xay, nước ninh từ xương chứ không bột ngọt, nước mắm, dầu ớt cũng tự nhà làm. Bà bảo: "Làng bích họa khai trương, quán tôi đông khách hơn, trước đây vắng lắm vì đàn ông đi biển, con cái đi học".
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, chia sẻ: "Cọ màu của họa sĩ, thúng thuyền của ngư dân. Những bức tranh được hình thành theo ý tưởng của ngư dân và cọ màu của họa sĩ, không chờ du khách đến xem một cách thụ động mà du khách sẽ trực tiếp nhìn nghệ sĩ sáng tác, còn ngư dân tham dự vào nghệ thuật như một phần của tác phẩm. Từ đó, tạo nên một bản sắc du lịch cộng đồng, là chính những hoạt động sự kiện nghệ thuật cũng là sản phẩm du lịch. Anh thấy chứ, nghệ thuật ở đây đâu có ranh giới giữa vị nghệ thuật, vị nhân sinh: người dân có ý tưởng, trộn lẫn ý tưởng của họa sĩ, du khách thích thú mà đời sống người dân cũng thêm khấm khá".
Các họa sĩ và người dân Tam Thanh đang sáng tạo "con đường thuyền thúng". |
Tam Thanh vẫn mãi là làng chài?
Và thật, hướng đi của Tam Kỳ khi triển khai dự án "phát triển du lịch Tam Thanh với sự tham gia của cộng đồng" là biến Tam Thanh thành một trại sáng tác của nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực, sẽ cố gắng để năm nào cũng tạo một sự kiện nghệ thuật. Những đầm hồ hoang sơ cùng định hướng phát triển tương lai của TP Tam Kỳ nghiêng về đô thị sinh thái - văn hóa sẽ đảm bảo cho sự thành công của dự án.
Theo ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, dự án này có 3 nhóm ý tưởng: "Hành trình Tam Thanh" là tour đưa khách đi bộ, xe đạp hoặc ngồi trên thuyền khám phá Tam Thanh. "Trải nghiệm Tam Thanh" là để khách sống cùng, ăn cùng dân và cùng dân ra khơi... Còn "nghệ thuật Tam Thanh" chính là làng bích họa, làng bách hoa, làng không rác, con đường thuyền thúng, chòi vọng cảnh, khu bảo tàng... Đặc biệt, hơn 100 chiếc thúng nghệ thuật hình thành nên "con đường thuyền thúng" đầu tiên của thế giới tham gia vào kỷ lục Guinness Việt Nam, sẽ ra mắt vào tháng 6-2017, phục vụ du khách nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ rất hào hứng với ý tưởng này, coi đó là hướng đi riêng biệt của Tam Thanh, và ý tưởng từ Tam Thanh có thể áp dụng cho bất cứ cộng đồng, từ miền xuôi đến miền núi, vùng ven biển nào. Nhưng, họa sĩ nói: "Tôi đã tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng, rất xót xa khi thấy nhiều nơi, dự án hoàn thành, lượng khách tăng lên lại trở thành nơi ngự trị của resort, khách sạn, của các ông chủ lớn. Tất nhiên là nông - ngư dân bị đẩy ra khỏi làng quê yên ả từ bao đời của mình, nghề nông nghề biển lắt lay mà cảnh quan hay nghệ thuật từ đó cũng chẳng còn".
Nỗi lo của họa sĩ không thừa, bởi Tam Thanh nằm trên tuyến du lịch ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai. Cạnh làng có dự án khu nhà nghỉ Tam Thanh triển khai từ năm 2002, đang bị bỏ hoang đến giờ. Những siêu dự án nghỉ dưỡng đã và sẽ tấp nập triển khai ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành đang vây lấy ngôi làng chài bé nhỏ vốn đang là "vùng đệm" để giải tỏa bức bách cho một đô thị cao ốc...
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho rằng, cần phải có cái nhìn xa hơn về hoạt động cộng đồng, khu dân sinh sẽ ra sao, các khách sạn resort tiến đến thì phải có những quy hoạch rõ ràng. Quan trọng bảo tồn được làng chài, giữ lại một "bảo tàng sống" từ chính chủ thể là người dân.
Hiện, Tam Kỳ đang xúc tiến đào tạo người dân Tam Thanh làm du lịch, hình thành Quỹ phát triển cộng đồng... Những ngày này, đến Tam Thanh, sẽ thấy người dân cuốc xẻng rộn rã sửa chữa đường xá. Một cái chòi đang được dựng nơi bãi biển, để khi đứng trên chòi sẽ bao quát quan cảnh toàn làng. "Xã sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành để tổ chức du lịch ở đây bài bản hơn nhằm thu hút du khách. Cũng có vài Cty du lịch đến bàn về việc phối hợp tổ chức du lịch ở đây" - ông Lê Ngọc Ty cho biết.
Và, trong tiếng cười đùa con trẻ nơi tủ sách công cộng do một câu lạc bộ thiện nguyện lập lên, một du khách, nói: "Tam Thanh chưa có dịch vụ lưu trú, tôi có thể ngủ nhà dân, ăn cơm nhà dân, cắm trại qua đêm... và ao ước Tam Thanh cứ mãi là một làng chài như bây giờ. Ở đây, trẻ con vẫn còn chơi nhảy lò cò, ô ăn quan, banh thẻ, tay không tay có, bịt mắt bắt dê, "cướp cờ"... Tôi được chơi cùng và tôi nghĩ, sao không biến những trò chơi đã phai phôi trong ký ức nhiều người này thành những sản phẩm du lịch".
Mai Thành Dũng