Chuyện “báo đen” Đinh Văn Lời (Kỳ 1: Vượt qua cửa tử đặt mìn vào sở Mỹ)
Những ngày thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch, tôi được ông Đinh Văn Lời - nguyên Đội trưởng Đội biệt động Hội An, nhờ chỉnh lý bản thảo cuốn hồi ký “Ký ức người mang mật danh Báo Đen”. Được sự đồng ý của tác giả, xin trích đăng một số trận đánh của lực lượng biệt động Hội An trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ông Đinh Văn Lời thời trẻ. |
Cuối tháng 4-1967, chúng tôi được ông Nguyễn Một phân công vào trang trí nội thất trong sở Mỹ, tiểu khu Quảng Nam. Đây là thời cơ thuận lợi nhất cho Đội biệt động Hội An lên phương án đánh bom kép, nhưng vô cùng nguy hiểm vì khả năng bị lộ rất cao. Bởi đây là nơi ở và làm việc của đại tá cố vấn tình báo Mỹ và nhiều quan chức chính quyền Sài Gòn tại tỉnh Quảng Nam, là trung tâm chỉ huy tổ chức các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm các vùng giải phóng của ta. Do đó, chúng bố trí 2 cổng gác, canh phòng cẩn mật. Đánh giá tầm quan trọng và sự nguy hiểm của trận đánh, đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy Hội An, giao nhiệm vụ cho tôi trực tiếp chỉ huy và phải tuyệt đối giữ gìn bí mật, bảo toàn lực lượng.
Để chuẩn bị tốt cho trận đánh, ta phải theo dõi nắm địch thường xuyên, tỉ mỉ từ thái độ, cử chỉ và hành động. Lính canh thay đổi liên tục, người ra vào 2 cổng gác bị kiểm soát hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng dù địch có cẩn trọng đến đâu thì vẫn có sơ hở. Quan trọng là mình phát hiện ra ở đâu, lúc nào để lên phương án tác chiến đảm bảo hiệu quả cao nhất. Tôi chọn 3 chiến sĩ biệt động dũng cảm, có kinh nghiệm chiến đấu là: Nguyễn Tám (Nguyễn Kìa), Phan Công Đủ và Bùi Sơn Thanh (Bùi Nửa) rồi bí mật cài vào tốp thợ mộc vào trang trí nội thất trong sở Mỹ, tiểu khu Quảng Nam. Hằng ngày, các đồng chí báo cho tôi biết về: quy luật ăn ở, sinh hoạt, làm việc của những tên cầm đầu trong tiểu khu và bọn lính canh gác ở 2 cổng… để lên phương án sơ đồ kế hoạch đánh địch.
Qua theo dõi ta nắm được, muốn vào sở Mỹ hoặc tiểu khu đều phải có “sự vụ lệnh”, qua cổng số một do lính bảo an và quân cảnh canh gác có phần dễ dãi hơn, cổng số hai do lính Mỹ trực tiếp canh gác, kiểm tra rất nghiêm ngặt. Chúng sẵn sàng lục soát trong người và đồ nghề thợ mộc đựng trong bao ở bất cứ chỗ nào, lúc nào mà tình nghi có vi-xi (Việt cộng). Mỗi ngày 2 lần vào cổng sáng và chiều, chúng soát kỹ đến nỗi 7 lon gi-go đựng nước chè mang theo để uống của 7 thợ mộc cũng mở nắp ra xem rồi lấy que gỗ khuấy vào trong lon nước. Chúng tôi kiên trì bám địch, mong tìm ra sơ hở. Hơn 20 ngày trôi qua, chúng vẫn còn kiểm tra, kiểm soát hết sức gắt gao. Trận đánh tưởng chừng như không thể thực hiện được vì công trình trang trí nội thất trong sở Mỹ, tiểu khu Quảng Nam sắp hoàn thành. Suốt cả thời gian dài ra vào cổng gác, dần dần một số lính Mỹ cũ quen mặt với anh em thợ nên cũng có phần dễ dãi hơn. Chúng chỉ mở nắp lon nước chè ra xem, không lấy cây khuấy trong lon nước đó nữa. Tuy nhiên, một số lính Mỹ mới đổi ca trực, canh gác đột xuất ở cổng. Khả năng chúng lấy cây khuấy trong lon nước vẫn có thể xảy ra.
Gặp lại bạn chiến đấu một thời ở nội đô Hội An (ông Đinh Văn Lời đứng thứ hai từ trái sang). |
Tình thế buộc chúng tôi phải chọn quyết định sinh tử: Một là lập công bắt kẻ thù phải đền tội, hai là nếu bị lính gác phát hiện thì cầm chắc bị địch xử bắn. Sau khi hội ý với tổ chiến đấu, chúng tôi xác định 7 giờ ngày 10-5-1967 là “giây phút sinh tử” của mình. Sáng hôm ấy, 7 thợ mộc vẫn như mọi ngày đều mang 7 lon gi-go nước chè đậm đặc để uống trong ngày. Song trong ruột lon gi-go đã có sự thay đổi: 4 lon nước như thường, 3 lon còn lại được bố trí mìn tự chế bằng 3kg thuốc nổ C.4 trộn với kim loại và kíp nổ hẹn giờ nằm gọn bên trong, ở trên ngụy trang nước và xác chè đen đậm đặc. Đến giờ làm, họ đi vào cổng chính cơ quan quân sự tiểu khu Quảng Nam như thường ngày. Trừ số anh em thợ mộc thật, còn 3 “thợ biệt động” dù ngoài mặt vẫn giữ vẻ bình tĩnh nhưng trong lòng lo sợ đến thót tim. Tất cả đứng lại, từng người một bước qua cổng kiểm soát, hai tay giơ cao để chúng kiểm tra khắp người và đồ nghề thợ mộc. 7 lon gigô nước chè mang theo để uống, chúng cũng mở nắp ra xem rồi cho đi. Cổng thứ 2 cách đó khoảng 100 mét, có 2 lính Mỹ gác, anh em phát hiện có một người quen và một người lạ. Trước khi vào cổng kiểm tra, tốp thợ cười nói vui vẻ và giơ tay chào bằng tiếng Anh bồi: “Hê lô! Hê lô!”. Nhìn thấy tên lính Mỹ mới đứng kiểm tra ở cổng vào sở Mỹ, cảm giác hồi hộp, lo sợ lại dậy lên trong lòng những người chiến sĩ biệt động. Các anh giữ bình tĩnh, để cho 4 người thợ mộc mang 4 lon gi-gô đựng nước chè thật đi trước. Khi qua cổng, chúng chỉ mở nắp ra xem, chứ không lấy cây khuấy trong lon. Nhìn thấy thế, 3 người mừng thầm, tiếp tục nối đuôi nhau đi vào cổng kiểm tra. Qua cổng, anh em nhủ thầm mình đã đi vào đúng “cửa sinh”. 3 quả mìn tự chế được mang lọt vào trong sở Mỹ, họ đã lách qua “cửa tử” một cách ngoạn mục và có phần may mắn. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn, bí mật và không cho 4 người thợ mộc kia biết nên chờ đến 11 giờ trưa, tổ chiến đấu mới thực hiện việc đặt mìn.
Đưa được mìn vào trong sở Mỹ, tiểu khu Quảng Nam an toàn là mới chỉ thành công bước đầu, đặt mìn vào vị trí và rút ra an toàn, bí mật mới là thành công quyết định. Đúng dự kiến, trước khi thợ nghỉ việc 5 phút, 3 quả mìn được đặt vào các mục tiêu đã lên kế hoạch, nhưng không ngờ phòng của tên đại tá Đ. và trung tá S. đã khóa cửa nên chỉ thực hiện được ở phòng làm việc của tên đại tá cố vấn Mỹ. 2 quả mìn còn lại, tổ chuyển mục tiêu sang 2 phòng nhân viên tình báo Mỹ. Xong việc, tốp thợ về trại mộc ông Một ăn cơm trưa như bình thường.
12 giờ kém 10 phút, chúng tôi ngồi nhai cơm nhưng trong lòng đang đếm ngược thời gian. Đứng ngồi không yên, tôi mượn xe đạp của chú Sáu Tấn để đi công chuyện đột xuất, nhưng thực ra là chạy đến mục tiêu đặt mìn cách trại mộc chỉ 200 mét kiểm tra mìn nổ hay chưa. Tôi xem đồng hồ: 12 giờ kém 5 phút, kém 2 phút… Đúng 12 giờ, mìn vẫn chưa nổ. Tôi đạp xe chạy về trại lại mộc ông Một, lên lầu cũng chưa nghe mìn nổ. Lo lắng. Sốt ruột. Tôi tức tốc trở về cơ sở bí mật hỏi đồng đội tôi về kỹ thuật đặt mìn. Tại sao mìn chưa nổ? Tôi và mọi người lo lắng chờ đợi. Có lẽ nào bọn địch phát hiện, gỡ kíp nổ? Có lẽ nào đồng đội tôi đặt mìn không đúng kỹ thuật hay quên rút chốt an toàn? Không giữ nổi bình tĩnh, tôi chạy qua số nhà 55-Phan Châu Trinh (Hội An), chạy lên lầu để nghe ngóng tình hình, mắt luôn dán về hướng sở Mỹ và tiểu khu Quảng Nam. Tình huống xấu nhất là bị địch phát hiện thì chúng tôi đã vượt qua.
Tôi không bao giờ ngờ tới tình huống mìn không nổ do đồng đội tôi đặt chưa đúng kỹ thuật hoặc là bị địch phát hiện tháo ngòi nổ. Đúng 12 giờ 10 phút, một tiếng nổ kép rền rền “Ầm… Ầm... Ầm” vang lên, xé toang bầu không khí yên tĩnh của buổi trưa hè oi bức, ngột ngạt. Tôi vô cùng vui sướng, vỡ òa niềm vui chiến thắng. Sau bao nhiêu ngày điều tra nắm địch, đánh cược sinh mạng khi quyết định đem mìn vào sở Mỹ và tiểu khu Quảng Nam, cuối cùng chúng tôi đã thành công.
Khoảng 12 giờ 30 phút, xưởng mộc ông Nguyễn Một bị địch bao vây phong tỏa. Chúng bắt toàn bộ 7 người thợ mộc về ty cảnh sát tra tấn, đánh đập dã man hòng tìm ra tung tích kẻ đặt mìn. Mặc dù bị đánh đập, khai thác, nhưng 3 chiến sĩ biệt động không khai báo, không nhận đặt mìn, không biết gì hết. Sau đó, nhờ mối quan hệ quen biết và thân thế của mình, ông Nguyễn Một đã xin bảo lãnh tốp thợ mộc trở về lại xưởng.
(còn nữa)
NGUYỄN AN NHIÊN
Ghi theo lời kể của ông Đinh Văn Lời, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Hội An.