Chuyện cái tin nhắn

Thứ hai, 21/10/2013 12:12

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, việc các nhà mạng, cụ thể là MobiFone, VinaPhone và Viettel thông báo tăng cước 3G lên 40% khiến dư luận bất bình, không chỉ bởi cái cách thông báo cửa quyền với chỉ một tin nhắn mà đó còn là sự xem thường khách hàng, vi phạm pháp luật.

Trước hết, theo nội dung tin nhắn của các nhà mạng, chúng ta đều hiểu rằng gói cước sẽ được điều chỉnh mà không cần có ý kiến của khách hàng. Pháp luật dân sự quy định về những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong đó có điều kiện “người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Trong trường hợp này, chỉ với một tin nhắn thông báo tăng, nhà mạng đã vi phạm pháp luật và phớt lờ điều kiện “tự nguyện” của khách hàng, buộc khách hàng phải chấp nhận một cách đương nhiên điều kiện mà mình áp đặt trong giao dịch dân sự.

Dưới góc độ pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, căn cứ theo nguyên tắc hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2005, khi bên cung cấp dịch vụ muốn thay đổi giá so với quy định trong hợp đồng phải được sự đồng ý của khách hàng, do đó các nhà mạng không thể đơn phương điều chỉnh giá mà chưa được sự thỏa thuận, đồng ý của người đang sử dụng dịch vụ. Các chuyên gia nhấn mạnh, cho dù trong trường hợp hợp đồng cung cấp dịch vụ của các nhà mạng có quy định cho phép nhà mạng được quyền đơn phương điều chỉnh giá thì điều khoản đó cũng không có giá trị pháp lý bởi theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định điều khoản “cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ là điều khoản không có hiệu lực”.

Đại diện các mạng thông báo tăng giá cước 3G biện dẫn rằng cước 3G tại Việt Nam hiện nay khá rẻ so với nhiều nước trên thế giới; 80% chi phí đầu tư 3G là thiết bị phải nhập khẩu, 20% chi phí còn lại chúng tôi cũng phải chịu tăng giá do tăng chi phí điện, nước, thuê mặt bằng; đối tượng khách hàng chịu tác động việc điều chỉnh cước dịch vụ 3G tương đối thấp, chứ không phải toàn bộ khách hàng...

Tuy nhiên, những lý giải đó không thể thuyết phục, bởi dù giá còn rẻ, nhưng phải đối chiếu với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam, nhất là chất lượng dịch vụ. Việc các nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G đến 40% là quá đột ngột và quá “sốc”. Còn nói các chi phí thiết bị nhập khẩu, tăng theo điện, nước... lại càng không dễ để được chấp nhận, bởi khi muốn kinh doanh, anh phải bỏ vốn đầu tư chứ không thể nói vậy, bởi điều đó đồng nghĩa với việc bắt khách hàng trả tiền cho kinh phí nhập thiết bị. Còn ở đối tượng khách hàng chịu tác động từ việc điều chỉnh ít thì xem ra cũng không sòng phẳng. Bởi, số ít ấy là bao nhiêu trong tổng số khách hàng sử dụng? Số ít ấy sử dụng, khai thác dịch vụ thế nào?

MobiFone, VinaPhone và Viettel nắm vị trí thống lĩnh thị trường với tổng thị phần của 3 DN hiện nắm giữ là 97,3% nên không thể không có nghi ngờ về việc họ bắt tay nhau đồng loạt tăng giá.

C.Thư