Chuyện chưa kể về người Xã Đội trưởng năm xưa

Thứ sáu, 08/09/2023 08:50
Cuối tháng 8-2023, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quân khu 5, Tỉnh Đội Quảng Nam, UBND P. Điện Minh cùng các cơ quan chức năng tại thị xã Điện Bàn đã tổ chức cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) cho ông Nguyễn Tấn Minh - nguyên Xã Đội trưởng xã Điện Minh.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - nguyên Phó tư lệnh quân khu V, phát biểu tại buổi lấy ý kiến
Kỹ sư, Đại úy Phạm Minh Thông phát biểu tại buổi lấy ý kiến.

Ngoài vị trí cận kề với quận lỵ Điện Bàn, xã Cộng Hòa (cũ, nay là P. Điện Minh, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), hướng Tây nam giáp với chiến khu Gò Nổi bằng con sông đào Vĩnh Điện, hướng Đông Bắc giáp các xã Điện Nam, Điện Ngọc…, được xem là căn cứ địa của Cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến.

Theo các bậc cao niên, trong những năm đầu kháng chiến, đa số thanh niên trong xã đều tham gia Việt Minh. Kẻ ít học thì làm giao liên, du kích, người có ít chữ tham gia công tác hành chính tại Ủy ban lâm thời cấp xã hoặc huyện… Trong số những thanh niên ngày ấy, có ông Nguyễn Tấn Minh (1922), tại thôn Uất Lũy, xã Điện Minh là người có nhiều thành tích xuất sắc hơn cả…

Ông Trần Văn Phong - Phường Đội trưởng P. Điện Minh cho biết: Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Tấn Minh giữ chức Trung đội trưởng tự vệ, Phó Bí thư kiêm Xã Đội trưởng xã Cộng Hòa sau đó được cấp trên tin tưởng giao giữ chức Trưởng ban nghiên cứu huấn luyện tác chiến Huyện Đội Điện Bàn, Tiểu đoàn 93 (nay là BCH Quân sự TX Điện Bàn)… Với chức vụ Xã Đội trưởng, ông Nguyễn Tấn Minh đã vận động những trai tráng trong xã thành lập 1 Trung đội Dân quân du kích tập trung, 1 Trung đội nữ Dân quân. Bà Mẹ VNAH- AHLLVTND Nguyễn Thị Cận (cũng là vợ ông Minh) làm Trung đội trưởng cùng lực lượng dân quân tự vệ ở các thôn tổ chức đánh địch, đẩy mạnh diệt tề trừ gian.

Ông Nguyễn Tấn Minh đã trực tiếp chỉ huy lực lượng sử dụng dao găm, mã tấu tự rèn đúc…, tập kích tiêu diệt 2 tên tề ác ôn tại làng La Qua, Uất Lũy, Khúc Lũy mở đầu cho phong trào diệt ác trừ gian của xã. Ngoài ra, còn lập Đội dân vận, địch vận tổ chức vận động hàng chục tề ngụy quay về với nhân dân… và chỉ huy lực lượng phối hợp với lực lượng Công an bắt hành chục đối tượng phản bội… Bên cạnh đó, để trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân, ông Minh đã vận động 4 lò rèn tại làng đúc Phước Kiều, làng Thanh Chiêm chuyển về tại nhà riêng ở làng Uất Lũy và tổ chức lực lượng dân quân đi quyên góp sắt phế liệu trong dân rèn hàng trăm mã tấu để đánh Tây. Nhiều trận đánh khác cũng để lại dấu ấn của ông Nguyễn Tấn Minh, điển hình như khi chỉ huy lực lượng du kích tham gia chiến đấu tại Mặt trận Đò Xu - Cẩm Lệ, ông đã sáng kiến dùng thuyền ghép vận chuyển 2 khẩu sơn pháo 75mm của liên khu 5 từ sông Vĩnh Điện ra Nam Cẩm Lệ để bắn phá sân bay Đà Nẳng vào đêm 30-1-1947. Phối hợp cùng du kích xã Điện An, Trung đoàn 210 chủ lực và bộ đội địa phương của tỉnh, huyện Điện Bàn phục kích, phá hủy 4 xe quân sự, tiêu diệt 1 trung đội lính pháp tại Ngọc Tam, Phong Nhị; trận tập kích bắt sống 16 tên, thu toàn bộ vũ khí tại Tổng vệ Vĩnh Điện vào đầu tháng 11-1949 hoặc vận động nhân dân dùng rơm, rạ đốt tạo khói để ngụy trang trận địa, dùng chiêng trống đánh nghi binh và cùng bộ đội chủ lực phục kích tiêu diệt một đoàn xe quân sự 14 chiếc của Pháp tại Gò Phật (Thanh Quýt)…

Kỹ sư, Đại úy Phạm Minh Thông - người từng gắn bó nhiều năm với ông Nguyễn Tấn Minh, cho biết thêm: Ông Nguyễn Tấn Minh là một tấm gương về công tác vận động quần chúng, là một chỉ huy gan dạ, mưu trí... Tiêu biểu là việc tổ chức làm công tác binh vận, kêu gọi tên chỉ huy khét tiếng ác ôn tại Tổng vệ Vĩnh Điện đồng ý hợp tác. Kết quả trận đánh vào Tổng vệ Vĩnh Điện, lực lượng Cách mạng không tốn 1 viên đạn nhưng vẫn thắng lợi giòn giã. “Trận đánh tại ngã ba Vĩnh Điện làm tôi nhớ mãi về kỹ thuật nguy trang. Cụ thể, trước khi tổ chức công kích, ông Minh cho người đốn 1 cây chuối giả làm khẩu pháo, cử lực lượng đưa lên xe kéo đi. Đi một đoạn ném một quả lựu đạn giả làm như pháo đang bắn để dụ địch rồi bố trí lực lượng đánh mũi vu hồi. Kết quả, địch bị bất ngờ…” - ông Minh xúc động kể lại.

Còn ông Lê Công Để, nguyên Tiểu đội trưởng du kích xã Điện Minh, thì nhớ: “Năm 1947, phát hiện đoàn xe chở vũ khí vào Đông Khương, tôi cùng ông Minh bàn bạc, bố trí du kích mang trái mìn đặt trước UBND P. Điện Minh hiện nay. Khi xe địch đi qua, chúng tôi giật hỏa nổ rồi xung phong sử dụng dao găm mã tấu tiêu diệt 2 tên Pháp cùng 4 xe vận chuyển vũ khí, làm địch hoảng sợ buộc phải quay đầu 2 xe còn lại. Ngoài ra, từ năm 1947 đến năm 1949 tôi cùng ông Minh tham gia đánh nhiều trận, như: tấn công đồn Điện Bình, Giang Đầm… tiêu diệt hàng chục lính lê dương”.

Nói về người đồng đội gan dạ, mưu trí Nguyễn Tấn Minh, ông Lê Văn Khóa bổ sung thêm: Ông Nguyễn Tấn Minh là người vô cùng phân minh. Trong mọi công việc, dù khó khăn đến đâu vẫn xung phong đi đầu. Đối với địch thì kiên quyết không khoan nhượng. Với những thành tích đó, ông Nguyễn Tấn Minh vinh dự được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều huân, huy chương, như: Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba…

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - nguyên Phó tư lệnh quân khu V, phát biểu tại buổi lấy ý kiến

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu V, chân thành cám ơn Đảng bộ, chính quyền P. Điện Minh và TX Điện Bàn đã quan tâm, đóng góp, cung cấp thêm nhiều thông tin về cuộc đời, sự cống hiến của ông Nguyễn Tấn Minh, góp phần giúp cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho người Xã Đội trưởng mưu trí, gan dạ năm xưa. Qua đó cho thấy, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với sự hy sinh đóng góp của các thế hệ cha anh đi trước luôn được Đảng bộ, chính quyền P. Điện Minh và TX Điện Bàn đặc biệt quan tâm; thể hiện. Đó cũng chính là sự thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” – một đạo nghĩa truyền thống quý báu của dân tộc.

M.T