Chuyện con chữ nơi cổng trời Trà Nam…
Sáng kiến “Phụ huynh xuống núi đi học cùng con”
Theo chân một cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH &THCS Trà Nam lần lại con đường các em vẫn thường đi về chỉ một đoạn ngắn, tôi càng cảm nhận rõ hơn nỗi gian lao việc đi tìm con chữ của học sinh (HS) nơi đây. Dù đã nghe nhiều, thấy nhiều và cũng đã không ít lần làm người trong cuộc (cùng các thầy cô, các em HS về các bản vùng cao trong những lần đi thực tế), nhưng cứ mỗi lần trở lại cổng trời Trà Nam, trong tôi lại ngập tràn bao cảm xúc…
Điều đáng nói, dù đường sá đi lại hiểm trở, xa xôi nhưng các em rất yên tâm khi có đến ba phụ huynh làm nhiệm vụ dẫn đường. Sau một tuần, ba phụ huynh dẫn đường lại cùng các em về nhà, để rồi lại tiếp tục hành trình như vậy cho những tuần tiếp theo.
Thầy giáo Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Trà Nam cho hay, câu chuyện phụ huynh xuống núi theo con em mình về bán trú ở trường xã được thực hiện vài năm nay. Điều tưởng chừng khá lạ này rồi cũng trở nên quen thuộc. Bà con các nóc thay phiên nhau, cắt cử người đưa các em đến lớp rồi ở trọ lại cùng các em học tập, nhất là với các em nhỏ mới vào lớp một, lần đầu tiên đi học xa nhà.
Tranh thủ giờ giải lao, chúng tôi trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà. Cô Hà phụ trách lớp 1, với 26 HS. Nếu như trước kia, lớp này phải chia làm mấy nhóm và tất nhiên phải do nhiều giáo viên phụ trách, thì nay chỉ một giáo viên. Bài toán thiếu giáo viên ở các điểm trường không những được giải quyết mà chất lượng giáo dục cũng đã được nâng lên. Cô Hà tâm sự, ở gần các em, việc động việc, kèm cặp hằng ngày đã giúp các em tiến bộ rất nhiều trong học tập.
Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, với sáng kiến của Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, bắt đầu từ năm học 2021-2022, các điểm trường lẻ trên địa bàn xã Trà Nam đã được xóa. Các em HS về lại trường trung tâm xã để học tập, được hưởng chế độ ăn uống, ở trọ tại ký túc xá (KTX)… miễn phí (Nhà nước lo - P.V). Ban đầu cũng có ít nhiều nỗi lo khi thay đổi môi trường học tập, nhất là các em xa nhà trọ học, nhưng đến nay đã ổn định, được xem như thành công lớn có tính đột phá ở vùng cao này.
Giải quyết được nhiều vấn đề về giáo dục miền núi
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khuôn viên nhà trường, khu KTX HS, nhà ăn và cả những phòng ngủ nghỉ dành cho phụ huynh xuống núi cùng HS trọ học, Hiệu trưởng Võ Đăng Chín cho hay: Ban đầu khi đưa ý kiến xóa các điểm trường lẻ, không ít lãnh đạo địa phương lắc đầu vì lo lắng, nhưng rồi bằng quyết tâm, “mình làm mình chịu” với tư cách người đứng đầu cơ sở giáo dục và cả uy tín bản thân với gần 20 năm gắn bó miền núi, cuối cùng, mô hình cũng đã được lãnh đạo chấp thuận triển khai. Từ thực tế triển khai mô hình “hỗ trợ học tập đặc biệt” này cho thấy, nhiều bài toán khó về giáo dục ở vùng cao đã được giải quyết. Hơn thế nữa, khi thực hiện những quy định mới về giáo dục, thay sách giáo khoa… đòi hỏi HS phải học đủ các bộ môn thì chỉ có giảng dạy tập trung tại trường xã mới có thể thực hiện được.
Điều đáng trân trọng hơn cả, dù 100% HS ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Trà Nam là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác 11 khu dân cư, có nơi đường từ nhà đến trường phải mất 3 - 4 giờ, nhưng ý thức lo con chữ cho các em của các bậc phụ huynh rất cao. Nhiều năm liền chưa có tình trạng HS bỏ học, chất lượng giáo dục có bước tiến bộ đáng kể.
Hiện khu KTX của trường, thường xuyên có từ 10 đến 15 phụ huynh trọ học cùng con cháu của mình. Họ làm tất cả những công việc có thể để giúp các em tại nơi trọ học như nấu nướng, giặt giũ, vệ sinh… rồi việc ngủ nghỉ, chăm sóc sức khỏe cho các em. Cụ thể như trường hợp bà Hồ Thị Bốn thì đi trọ chăm cháu, ông Đoàn Văn Thương chăm con. Đa số những người này khi ở nhà cũng ít đi nương rẫy… Qua lãnh đạo nhà trường được biết, kinh phí ăn ở cho phụ huynh “xuống núi đi học cùng con” từ sự cân đối, tiết kiệm các khoản chi tiêu thường xuyên và từ sự vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và cả sự ủng hộ của các thầy cô.
Đêm xuống, những góc học tập ở khu KTX HS nơi cổng trời Trà Nam như thêm ấm cúng không khí của những gia đình. Bởi ở đó, không chỉ có các em mà còn có cả ông, bà, cha mẹ… cùng ngồi kèm cặp, nhắc nhở các em ôn bài, làm tập rồi mới đi ngủ. Theo tâm sự của một giáo viên phụ trách công tác Đội, ở thời điểm dịch COVID-19, lo nhất là các em nhỏ mới vào lớp một lúc ốm đau. Có cha mẹ bên cạnh nên nhà trường cũng yên tâm hơn. Từ đầu năm, nhà trường đã liên hệ với cơ sở y tế, nếu có trường hợp HS ốm đau đột xuất thì liên lạc nhờ các nhân viên y tế trực tiếp đến hỗ trợ thăm khám, điều trị.
Đề cập về chất lượng đào tạo, thầy giáo Võ Đăng Chín cho biết, nhà trường đang có kế hoạch khảo sát chất lượng để phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, lồng ghép giảng dạy kỹ năng sống, giáo dục tầm quan trọng của cây dược liệu với sự thoát nghèo của địa phương. Đây cũng là một trong hai sáng kiến vì cộng đồng trong cả nước được Tạp chí Cộng sản trao giải trong năm 2022 cho thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín.
Có thể nói, câu chuyện phụ huynh xuống núi cùng bán trú với con em mình ở cổng trời Trà Nam để lo con chữ như là nét đẹp hiếm hoi ở vùng cao Quảng Nam, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, đáng được ghi nhận.
Võ Văn Trường