Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ukraine đạt được gì ?

Thứ tư, 17/05/2023 08:15
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa đạt được một loạt thỏa thuận với lãnh đạo các nước Italy, Đức, Pháp và Anh về việc các nước này cung cấp gói viện trợ quốc phòng mới cho Kiev. 

Theo thông báo trên trang web chính thức của Tổng thống Zelensky, nhà lãnh đạo Ukraine đã đến thăm Italy, Đức, Pháp và Anh từ ngày 13 đến 15-5. Trong khuôn khổ các chuyến thăm, Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Zelensky tại Điện Elysee ngày 14-5. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Tổng thống Zelensky tại Điện Elysee ngày 14-5. Ảnh: AFP

Mục đích chính của chuyến thăm

Theo tuyên bố được đăng trên trang web của Tổng thống Ukraine, ông Zelensky nói rằng ưu tiên chính trong chuyến thăm một số quốc gia châu Âu là để chuẩn bị các hoạt động ở tiền tuyến của quân đội Ukraine. Theo tuyên bố, mục tiêu của việc ông Zelensky thăm các nước châu Âu là để "chuẩn bị cho hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine ở mặt trận nhằm giải phóng các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát". Tổng thống Ukraine cho biết trong các chuyến thăm tới Italy, Đức, Pháp, Anh, ông và lãnh đạo các nước đã đạt được những thỏa thuận hỗ trợ quốc phòng quan trọng. Theo Tổng thống Zelensky, đây là "các gói phòng thủ mạnh mẽ". Kiev đang tìm cách bổ sung nguồn cung vũ khí đã cạn kiệt của Ukraine trước thềm cuộc tấn công mùa xuân được dự đoán từ lâu.

Các cuộc hội đàm cũng tập trung vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới, cũng như Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức vào tuần này tại Hiroshima, Nhật Bản. Ngoài ra, các cuộc hội đàm cũng liên quan đến việc thành lập một "liên minh máy bay chiến đấu" để đào tạo phi công Ukraine điều khiển các máy bay hiện đại của phương Tây.

Những cam kết viện trợ quân sự

Ông Zelensky bắt đầu chuyến công du châu Âu vào ngày 13-5 tại Rome, nơi ông nhận được sự cam kết nồng nhiệt từ Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Với việc gọi ông Zelensky là "bạn hữu" và nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân của họ, bà Meloni hứa sẽ cung cấp cho Ukraine bất cứ thứ gì họ cần để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Đồng thời, bà nói rằng, bất kỳ thỏa hiệp nào dẫn tới một "hòa bình bất công" là điều không thể chấp nhận được đối với Ukraine và Italy, và cũng là mối nguy đối với phần còn lại của châu Âu.

Sau cuộc hội đàm ngày 14-5 tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Zelensky đã ra Tuyên bố chung, trong đó, Berlin khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ chừng nào Kiev còn thấy cần thiết. Tuyên bố chung nhấn mạnh Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự chừng nào còn cần thiết. Trong năm 2023 và sau đó, Đức dự kiến viện trợ tổng cộng hơn 11 tỷ euro cho Ukraine nhằm tiếp tục hỗ trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu. Gói hỗ trợ vũ khí mới theo nhu cầu của Ukraine sẽ giúp Kiev củng cố năng lực quốc phòng. Hai bên khẳng định những cuộc gặp ở căn cứ Ramstein (Đức) của Nhóm liên lạc quốc phòng cho Ukraine là diễn đàn quan trọng để phối hợp hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine. Ngoài ra, Đức cũng tiếp tục đóng góp tích cực vào các biện pháp của EU thông qua Quỹ Hòa bình châu Âu, nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Đức cũng sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ dân sự rộng rãi, bao gồm hỗ trợ tài chính và nhân đạo cũng như hỗ trợ khẩn cấp, trong đó có hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy, đường và cầu; hỗ trợ Kiev sửa chữa và tái thiết các cơ sở hạ tầng năng lượng và nước bị hư hỏng.

Trong khi đó, Pháp thông báo sẽ cung cấp hàng chục xe tăng hạng nhẹ và xe bọc thép, cùng với các hệ thống phòng không. "Trong những tuần tới, Pháp sẽ huấn luyện và trang bị cho một số tiểu đoàn hàng chục xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ, trong đó có AMX-10RC", thông cáo nêu rõ.

Ngày 15-5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ viện trợ thêm cho Kiev nhiều vũ khí chiến đấu nhằm giúp nâng cao khả năng phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ. Sau khi xác nhận chuyển tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow, Anh thông báo sẽ cung cấp hàng trăm tên lửa phòng không và UAV tấn công tầm xa. Ông Sunak cho biết, Anh sẽ tham gia "Liên minh máy bay chiến đấu", nhóm các nước phương Tây giúp Ukraine xây dựng và tăng cường khả năng phòng không. Tuy nhiên, Anh không trực tiếp viện trợ máy bay chiến đấu như F-16 cho Ukraine, mà chỉ hỗ trợ huấn luyện cho phi công Ukraine kỹ năng điều khiển các máy bay chiến đấu theo tiêu chuẩn NATO. Anh không có bất kỳ chiếc F-16 nào nhưng sẽ nỗ lực thúc đẩy các đồng minh của mình gửi những tiêm kích này cho Kiev.

AN BÌNH

Kiev hứng chịu đợt không kích "đặc biệt dữ dội"

Các quan chức Ukraine thông báo thủ đô Kiev của nước này vừa hứng chịu một đợt không kích dữ dội vào rạng sáng ngày 16-5.

Người đứng đầu ban chỉ huy quân sự thành phố Kiev Serhiy Popko cho biết vụ không kích mới nhất này có quy mô "đặc biệt dữ dội" với số lượng lớn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái được phóng vào Kiev từ nhiều hướng khác nhau. Ông Popko chia sẻ trên Telegram: "Đây là vụ không kích có số lượng tên lửa được bắn nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất". Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa thể xác định số lượng cụ thể các loại tên lửa được nhắm vào các mục tiêu ở Kiev, cũng như mức độ thiệt hại và số lượng thương vong có thể xảy ra. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết đa phần số tên lửa của Nga đã bị lực lượng phòng không Ukraine phát hiện và bắn hạ.

Trong khi đó, Thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko cho biết trên kênh Telegram rằng ba người bị thương và một tòa nhà lớn bị hư hại. Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, ông Andriy Yermak, cho biết các hệ thống phòng không của Ukraine vẫn tiếp tục được triển khai để đối phó với cuộc tấn công của Nga. Hiện Nga vẫn chưa có bất kỳ thông báo nào về đợt không kích mới nhất này.

T.N