Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm CA tỉnh Quảng Nam (01/11/2010 - 01/11/2015):

Chuyện của những người “mò kim đáy bể”

Thứ sáu, 30/10/2015 10:20

(Cadn.com.vn) - Tôi đã từng nghe nhiều đối tượng truy nã kể về quá trình chạy trốn của mình. Để rồi, suy luận một cách có logic, việc tầm nã những kẻ này như hành trình “mò kim đáy bể”.

“Mò kim đáy bể”

Hầu hết các đối tượng truy nã sau khi bỏ trốn đều thay tên đổi họ, tạo vỏ bọc hoặc liên tục thay đổi địa điểm ẩn náu. Trời đất mênh mông, biết đâu mà tìm một người đã thay tên, đổi họ?

Vì mâu thuẫn cá nhân, ngày 15-8-1983, Đặng Hữu Tuấn (1957, trú thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) dùng súng bắn chết một đồng nghiệp. Sau khi gây án, Tuấn bỏ trốn vào Đồng Nai, trú tại xã Lộ 25, H. Thống Nhất, báo mất CMND và xin đăng ký làm lại với tên Đặng Quang Tường, sinh ngày 5-11-1955. Trong suốt thời gian chạy trốn, Tuấn tạo vỏ bọc là một công dân tốt, hiền lành, không mâu thuẫn với ai nên chính quyền địa phương và cả quần chúng nhân dân không hề phát hiện gã là đối tượng truy nã.

Để tìm được Tuấn, các trinh sát (TS) TNTP đã ròng rã khắp nơi. Khi đến được H. Thống Nhất thì đối tượng tình nghi lại mang cái tên không có trong lệnh truy nã. Cuối cùng, sau khi vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, các TS xác định được Đặng Hữu Tuấn và Đặng Quang Tường chỉ là một. Cho đến bây giờ, Tuấn vẫn không hiểu tại sao mình đã thay tên đổi họ, khuôn mặt cũng đã khác xa so với 30 năm trước mà CA vẫn tìm ra được gã.

Không những thay tên đổi họ, một số kẻ còn mượn cửa chùa, một nơi yên tịnh, ít tiếp xúc với người ngoài và không ai dò la nhân thân, lai lịch để trốn truy nã. Nguyễn Đình Tâm (1957, trú H. Thăng Bình, Quảng Nam) là một trong những kẻ khôn ngoan ấy. Năm 1982, Tâm cùng đồng bọn tổ chức đánh thuốc mê hành khách tại các bến xe, nhà ga để cướp tài sản. Ngày 3-10-1982, Tâm bị bắt khi đang “hành nghề” tại ga Đà Nẵng. Tháng 7-1983, Tâm bị kết án 10 năm tù giam và sau đó chấp hành án tại Trại giam An Điềm của Bộ CA.

Ngày 29-10-1983, Tâm cùng một phạm nhân khác đục khoét tường trốn khỏi nơi giam giữ. Vào định cư tại xã Long Thạnh, H. Cái Răng (tỉnh Hậu Giang), Tâm đổi tên thành Nguyễn Đình Dầy, sinh ngày 10-8-1951. Năm 1998, Tâm xin xuất gia và sau đó đến tu tại chùa Tây Phương (Bà Rịa-Vũng Tàu). Việc tầm nã Tâm khá vất vả, bởi y  trốn khá lâu và không liên lạc với gia đình. Các mối quan hệ ngoài xã hội của Tâm cũng không nhiều, vì sau khi đồng bọn bị bắt, Tâm gây án độc lập và không quan hệ với ai. Sau một thời gian dài thu thập thông tin, biết Tâm đã xuất gia, các TS lặn lội đến từng ngôi chùa để tìm bóng dáng tu sĩ Minh Thuận, pháp danh của Nguyễn Đình Dầy. Xác định Tâm đang ở chùa Tây Phương rồi, nhưng việc lên phương án bắt Tâm cũng khiến các TS đau đầu bởi đó là nơi thờ tự trang nghiêm, vừa phải đảm bảo bắt được Tâm vừa không làm kinh động và ảnh hưởng đến danh tiếng của chùa. Cuối cùng, ngày 2-4-2014, các TS vận dụng biện pháp nghiệp vụ linh hoạt, khéo léo “mời” Tâm rời khỏi nhà chùa để bắt giữ.

Đưa đối tượng truy nã về quy án. Ảnh: Phương Nam

Kiên trì vận động

Sau khi gây ra tội lỗi, sợ phải đối mặt với tù tội, các đối tượng bỏ trốn để tìm tự do cho mình. Nhưng thật ra, đó chỉ là những tháng ngày đau khổ nhất, bởi họ phải sống trong lo âu, thắc thỏm, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi ai đó phát hiện ra mình. Có những khi họ muốn ra đầu thú nhưng họ lại không vượt qua được tâm lý và ràng buộc gia đình, công việc để đối diện với sự thật. Lại có nhiều trường hợp, hôm nay đồng ý ra đầu thú nhưng ngày mai lại thay đổi ý định và tiếp tục di chuyển đến nơi khác để trốn truy nã. Một lãnh đạo Phòng CATNTP CA QuảngNam cho biết, phương châm của các anh là “mưa dầm thấm lâu”, vận động một lần không được thì hai lần, hai lần không được thì ba lần...

Ngoài thư kêu gọi đầu thú, lãnh đạo Phòng còn chỉ đạo CBCS triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và gia đình, người thân của các đối tượng truy nã để vận động, kêu gọi đầu thú. Trong 5 năm qua, ngoài bắt 225 đối tượng truy nã, Phòng đã kêu gọi thành công  109 đối tượng ra đầu thú; truy tìm 25 người mất tích và giúp họ tìm về với gia đình, người thân. Ông V.V.T (1957, xã Tam Thành, H. Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) tâm sự: “Tháng 4-2015, con gái tôi bỏ đi không về nhà. Gia đình tôi rất lo lắng vì con tôi nói nó bị bọn xấu khống chế. Sau nhiều lần tìm con không được, tôi đã gửi đơn đến cơ quan CA. Tôi rất biết ơn. Các anh đã tìm và khuyên con gái tôi trở về nhà...”.

Phương Nam