Chuyện dạy, học nơi miền biên giới

Thứ hai, 26/09/2016 09:31

(Cadn.com.vn) - Đến nơi tận cùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào, được tận mắt chứng kiến điều kiện dạy học ở những ngôi trường dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi mới thực sự hiểu được ý chí, nghị lực và sức chịu đựng những người giáo viên, học sinh nơi đây. Dẫu sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn, môi trường dạy học, chăm sóc học sinh hết sức khó khăn, nhưng tình thầy trò vẫn thấm đượm trong từng bài giảng, từng nếp ăn, nếp ở, đến những việc làm đời thường.

Vượt qua khó khăn, thầy trò vùng biên giới nỗ lực ổn định nề nếp thi đua dạy tốt, học tốt. 

San sẻ khó khăn

Chúng tôi đặt chân đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre  và Trường PTDTBT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre (xã Đắc Pring, H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) khi trời đã xế chiều. Cơn mưa rừng bất ngờ ập xuống, gió quật ngang mặt người. Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là thầy Trần Đức - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre cùng những đồng nghiệp chạy tìm xô, chậu, can để hứng nước mưa. Thấy vẻ mặt dò hỏi của chúng tôi, thầy Đức đặt xô nước trên tay xuống, cười hiền, nói: "Nhìn bề ngoài trường lớp vậy đó nhưng cái gì cũng thiếu. Khổ nhất là thiếu nguồn nước sinh hoạt. Trở lại trường hơn tuần nay mà thầy trò không có nước sử dụng. Mọi sinh hoạt trong trường đều hết sức khó khăn. Cơn mưa này là cơn mưa vàng đối với thầy trò chúng tôi đó".

Thầy Đức cho biết thêm, hiện nay, công trình nước tự chảy dùng chung của 2 trường Trường PTDTBT THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre  và Trường PTDTBT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre đã xuống cấp hư hỏng. Trong mấy ngày đầu năm học, anh em giáo viên vượt rừng, xẻ núi sửa chữa nhưng chưa thấy nước về, vì nguồn nước trên núi đã cạn kiệt. Tình hình rất căng. Thiếu nước sinh hoạt khiến giáo viên, học sinh rất chật vật. Mấy hôm nay giáo viên phải đi xách nước về phục vụ sinh hoạt, tổ chức bán trú cho học sinh.

Có hơn 32 tuổi nghề, với 10 năm gắn bó với Trường PTDTBT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre, thầy Nguyễn Xuân Phi - Phó Hiệu trưởng nhà trường tỏ ra lo lắng vì chưa bao giờ thấy thiếu nguồn nước sử dụng trầm trọng như hiện nay. Thầy Phi cho hay, để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho giáo viên ở nội trú và học sinh bán trú, tất cả cán bộ, giáo viên đều tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để đi xuống suối, nhà dân xin nước về dùng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà trường, nhất là công tác tổ chức bán trú cho học sinh.

Thiếu nước sinh hoạt, các trường học hứng nước mưa để sử dụng.

Ấm áp nghĩa tình 

Theo thầy Trần Đức, năm học 2016-2017, Trường ptdTBT THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre có 135 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, còn Trường PTDTBT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pre 125 học sinh. Trên 50% số lượng học sinh được tổ chức ăn ở bán trú. Do địa hình của các xã là vùng miền núi khu vực biên giới, đường sá chỉ có thể đi bộ, đời sống nhân dân khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của học sinh. Trang thiết bị dạy và học tuy được bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục. Hệ thống cơ sở vật chất chưa đảm bảo, các phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn, khu hiệu bộ còn thiếu nên ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của nhà trường. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu phòng ở cho học sinh và giáo viên, nhà nấu ăn học sinh còn tạm bợ, nên đã gây khó khăn cho công tác ổn định nề nếp sinh hoạt, học tập của học sinh bán trú.

Còn thầy Phi cho biết thêm, với điều kiện địa hình đồi núi bị chia cắt thành nhiều khu vực riêng biệt, bà con đồng bào dân tộc thiểu số lại sống phân tán nên công tác tổ chức các điểm trường vô cùng khó khăn. Ngoài điểm trường chính này thì trường có thêm 4 điểm trường lẻ tại thôn trên địa bàn 2 xã biên giới. Hiện nay, tình trạng lớp ghép đã được xóa bỏ nhưng điều kiện dạy học còn nhiều thiếu thốn. Đa số giáo viên đứng lớp là những người nhiệt huyết với nghề, thông thuộc địa bàn, được bà con dân bản rất tin yêu. Nhờ những hi sinh của thầy cô mà chất lượng giáo dục nhà trường ngày càng được nâng cao, số lượng HS phổ cập luôn đạt tỉ lệ 100%. Kết quả đó là công sức bền bỉ của bao thế hệ thầy cô đã từng qua công tác nơi đây, của những người thầy dám bỏ lại sau lưng niềm vui riêng để gắn bó hàng chục năm với con em đồng bào dân tộc, với bản làng đang thiếu đói con chữ .

Vào thăm dãy nhà bán trú của học sinh, ngoài hai dãy phòng cấp 4 dành cho học sinh bán trú tiểu học thì số phòng ở bán trú còn lại, học sinh phải sống trong thiếu thốn đủ bề, giường nằm ngủ của các em là tấm sạp tạm bợ. Nhờ sự chỉ bảo của các giáo viên, các em đã biết tạo dựng cho mình cuộc sống tự lập, ngoài giờ học trên lớp các em tích cực tham gia các hoạt động ngoài giờ. Tận dụng những thời gian vừa sinh hoạt, vừa học tập, các thầy cô giáo đã linh hoạt lồng ghép dạy những kỹ năng sống, giáo dục giới tính cho học sinh, động viên các em gắn bó với trường lớp.

Rời những ngôi trường nơi tận cùng biên giới, núi rừng như muốn níu giữ bước chân chúng tôi quay trở lại. Ánh mắt của những đứa trẻ vùng cao, người giáo viên cắm bản còn nghiêng sau kẽ lá. Ánh mắt đầy lưu luyến của người ở lại như muốn nhắc nhở người đi rằng một ngày nào đó hãy trở lại với thầy trò, với bản làng nơi vùng biên giới xa xôi này. Tôi thầm mong ước một ngày không xa, đời sống của bà con nơi miền biên giới này được khấm khá, để môi trường giáo dục cũng được cải thiện.

Bình Nam