Chuyển đổi công năng nhà hàng và bến du thuyền phía Nam cảng Sông Hàn thành công trình công cộng?

Thứ năm, 28/06/2018 12:11

Đó là quan điểm của PGS.TS Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc Quốc gia tại hội thảo xin ý kiến về phương án thiết kế đô thị xung quanh di tích Thành Điện Hải do Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng đồng tổ chức vào ngày hôm qua (27-6).

Theo phương án thiết kế, khu vực Thành Điện Hải sẽ trở thành “Quảng trường Thành Điện Hải” với không gian mở, là điểm đến yêu thích của du khách.

Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm, đặt câu hỏi cho đơn vị tư vấn phương án thiết kế đô thị xung quanh di tích Thành Điện Hải là Viện Kiến trúc Quốc gia nên chăng đập bỏ hay thay đổi công năng công trình nhà hàng và bến du thuyền phía nam cảng Sông Hàn?

Ngoài các ý kiến đóng góp vào phương án thiết kế, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật, kiêm Chủ tịch Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng còn nêu quan điểm, trước đây, thành phố đã ứng xử quá sai với di tích này, “đã để bóng đè trên Thành Điện Hải”, thậm chí không phải một mà là hai, ba bóng. “Năm 2017, lãnh đạo thành phố đã có 2 động thái sửa sai trên cả tuyệt vời, đó là không xây dựng Trung tâm lưu trữ ở sát tường thành phía Bắc ngay ở phút 89 và di dời hơn 80 hộ dân để trả lại khu vực phía Tây Thành. Nhờ hai động thái này mà Thành Điện Hải mới được Thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đương nhiên, quan trọng hơn vẫn là do bản thân tính chất lịch sử của di tích để lại”, ông Tiếng nói. Theo ông, quy hoạch gì thì quy hoạch, không nên tiếp tục xâm hại Thành Điện Hải. Chính vì vậy, ông đề nghị bỏ ý tưởng xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở ngay mặt bằng mà trước đây định xây dựng Trung tâm lưu trữ, nơi đó chỉ là một công viên (phía đường Lý Tự Trọng). Cũng có thể tiếp tục sửa sai bằng động thái mở lại cổng Thành phía Nam và trả lại tầm nhìn ra sông Hàn cho Thành Điện Hải. Về tầm nhìn ra sông Hàn, ông Tiếng liên hệ đến việc cách đây 165 năm trước, súng thần công Thành Điện Hải đã trút bão lửa vào tàu chiến Pháp trên sông Hàn. Nếu từ Thành Điện Hải mà không có chỗ nào còn có thể nhìn thấy sông Hàn thì không một du khách nào, dẫu tưởng tượng phong phú đến mấy cũng khó có thể hình dung ra cuộc chiến đấu dưới chân Thành Điện Hải năm xưa. “Cái gì cần tiết kiệm thì chúng ta nên tiết kiệm, một đồng cũng không nên lãng phí. Nhưng cái cần thiết thì một tỷ cũng phải phá bỏ, tháo dỡ. Rõ ràng khi di dời Bảo tàng Đà Nẵng về 42- Bạch Đằng thì chắc chắn tòa nhà đó (Nhà hàng và bến du thuyền - PV) phải xem lại. Cũng không loại trừ phương án là triệt phá. Chúng ta không thể nói là chuyện đã rồi được, bởi nếu thế thì tiếp tục sẽ có những chuyện đã rồi như vậy. Theo tôi phải trả lại không gian từ Thành Điện Hải nhìn ra sông Hàn”, ông Tiếng nói.

Cùng chung quan điểm nêu trên, ông Phan Văn Chương - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng nhìn nhận, Thành Điện Hải là công trình rất đặc biệt về lịch sử và kể cả tâm linh. Vì vậy, phương án kiến trúc đô thị xung quanh Thành cần phải nghiên cứu thật tỉ mỉ. Thành Điện Hải có 2 cửa phía Nam và phía Đông, là hai đường dẫn chính cho Thành, cho nên hai mặt này cần phải xem xét thật kỹ về đường vào, đường ra. “Khi làm nhà hàng và bến du thuyền án ngữ trước Thành, tôi thấy không ổn. Và bây giờ mà để nó lại thì không nên. Quan điểm của tôi là xóa bỏ”, ông Chương nói.

Theo ông Trần Dân (Hội khoa học Cầu đường Đà Nẵng), đơn vị tư vấn đưa ra ý tưởng thiết kế và đặt tên cho ý tưởng là “Quảng trường Thành Điện Hải” là rất đúng, hay và ý nghĩa. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Dân, khu nhà hàng và bến du thuyền trước mặt Thành Điện Hải, trước mắt làm gì thì làm, nhưng về lâu về dài cần phải xóa sổ để trả lại bờ sông Hàn nguyên trạng. “Bởi Thành Điện Hải gắn với khu bến nước sông Hàn. Hiện tại, đứng trong Thành Điện Hải ngó ra vướng tòa nhà đó, khó chịu lắm”, ông Dân thẳng thắn nói.

Tại Hội thảo, ngoài các phương án về giải pháp giao thông, bãi đỗ xe, kiến trúc tổng thể khu vực xung quanh “Quảng trường Thành Điện Hải” trong tương lai..., thì trước những vấn đề, quan điểm đưa ra của các chuyên gia, nhà khoa học, PGS.TS Phạm Thúy Loan thẳng thắn cho rằng, trong quá trình nghiên cứu phương án, nếu chỉ đưa ra các phương án đập, xóa bỏ thì đương nhiên với người làm tư vấn như thế là dễ nhất. Tuy nhiên, theo bà Loan, trong phương án thiết kế của đơn vị tư vấn chưa hề đưa ra phương án đập phá gì cả. “Tôi nghĩ chúng ta không nên quá câu nệ vào những quan điểm để phải đập phá những công trình mà nó đã tồn tại. Tôi không muốn nói nó tồn tại tối ưu hay không tối ưu nhưng nó đã tồn tại và trở thành dữ liệu đầu vào để cân nhắc. Tôi quan niệm rằng công trình kia chính là cái bến thuyền của quá khứ. Có thể trước đây đó là một bến thuyền, bây giờ nó là một điểm dừng chân. Chúng ta cứ coi nó như là một cửa ngõ đường sông, và người ta có thể bước lên từ đó và đi vào Thành, điều đó rất tốt. Bản thân công trình ấy có hơi chướng mắt nhưng nó có thể trở thành nơi cung cấp rất nhiều dịch vụ miễn phí cho người dân và du khách khi đến tham quan Thành Điện Hải”, bà Loan nêu quan điểm.

Trả lời cho câu hỏi, nếu giữ lại công trình (nhà hàng và bến du thuyền - PV) thì giữ lại để làm vào việc gì? PGS.TS Phạm Thúy Loan cho biết rất đồng tình với cảm xúc của người dân khi muốn đập bỏ công trình này. Tuy nhiên, theo bà, sửa sai không nhất thiết là phải xóa công trình ấy đi. “Chính việc chuyển đổi chức năng công trình để phục vụ lợi ích cho người dân là việc nên làm. Nên chăng biến công trình ấy trở thành biểu tượng chiến thắng của người dân trong thời hiện đại, trở thành công trình công cộng phục vụ chính lợi ích cho mọi người”, PGS.TS Phạm Thúy Loan chia sẻ...

D.H