Chuyển đổi số ở những ngôi trường vùng cao
Thích ứng trong tình hình dịch bệnh phức tạp
Học kỳ I năm học 2021-2022, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông (Quảng Trị) bùng phát dịch COVID-19 mạnh. Trường THPT Đakrông đóng chân trên địa bàn buộc phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. Mỗi ngày có tiết học, hai bạn Hồ Thị Máy và Hồ Thị Bương- cùng là HS lớp 12, nhà trú ở bản Cựp (xã Húc Nghì) lại cuốc bộ lên ngọn đồi cách nhà 3km “bắt” sóng mạng 4G để vào lớp. Những hôm trời mưa hoặc sương xuống mạnh, Máy và Bương dùng tấm bạt che để khỏi ướt. “Trong thôn không có sóng điện thoại nên lên đồi tìm sóng để được học, bắt kịp chương trình với các bạn là giải pháp tối ưu của em và Máy. Từ hè năm trước, xác định việc học online sẽ diễn ra thường xuyên do dịch bệnh phức tạp nên bố mẹ vay tiền sắm điện thoại Smart phone cho em. Nhờ đó, trong suốt học kì 1, em không bị bỏ tiết học nào. Nhà xa nhưng các hoạt động, bài tập, lịch học… em đều được nhận thông qua zalo, facebook từ các thầy cô giáo nên việc học bây giờ khá thuận tiện so với trước đây”- Bương nói.
Cách nay vài tuần, em Hồ Ngọc Lành- HS lớp 12, Trường THPT Đakrông bị mắc COVID-19. Nhà Lành cách trường 11km. Năm cuối cấp nên Lành rất lo lắng bị gián đoạn việc học. Tâm tư của em đã được giáo viên (GV) lắng nghe và tổ chức song song tiết dạy trực tiếp lẫn trực tuyến để em theo kịp các bạn. Các tài liệu, bài tập cũng được GV gửi qua các ứng dụng mạng xã hội để em ôn tập.Thầy giáo Nguyễn Phương Nam – Bí thư Đoàn trường THPT Đakrông chia sẻ, vài năm trước, khi chuyển đổi số chưa được ứng dụng rộng rãi, nhiều nơi ở miền núi chưa phủ sóng điện thoại thì việc muốn thông báo đến học trò chỉ có cách tìm đến tận nhà các em. Đường núi ghập ghềnh, hiểm trở, các bản làng lại nằm xa nhau nên đi lại vô cùng khó khăn. GV rất vất vả, nhất là trước mỗi kì thi tốt nghiệp, vì không muốn HS nào bỏ lỡ cơ hội nên phải tìm đến các bản làng để nhắc nhở thêm các em và phụ huynh. “Chuyển đổi số trong dạy học, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh có nhiều ưu điểm. Đơn cử như không gian và thời gian lớp học không gò bó. HS có thể học và làm bài tập vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ đâu. Việc học nhờ đó không bị gián đoạn. Các HS và GV dù bị F0 vẫn tiếp tục học tập và giảng dạy thông qua hình thức trực tuyến một cách suôn sẻ. Nhà trường đã sử dụng hệ thống học trực tuyến thông qua ứng dụng K12 online (các lớp học trên LMS) và các ứng dụng khác như Zoom, google meet để dạy học trực tuyến. Từ tháng 1-2022 đến nay, nhà trường đã tổ chức trên 300 tiết dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ học trên lớp do bị COVID-19. Lớp nào cũng có nhóm zalo, facebook liên kết với GV để nắm bắt chuyện học tập. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể tuyên truyền, phổ biến đến các em nhiều chương trình, hoạt động thông qua các ứng dụng xã hội một cách nhanh nhất”, thầy Nam chia sẻ thêm.
Tương tự, dịch COVID-19 cũng khiến lần lượt 10 GV Trường TH A Xing (xã A Xing- huyện Hướng Hóa) bị F0. Thầy Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhờ chuyển đổi số nên việc dạy học thời gian qua không bị gián đoạn.
Cần nâng cấp và đồng bộ cơ sở vật chất
Thực tế, chuyển đổi số phát huy hiệu quả lớn trong quá trình dạy học. Thông qua ứng dụng CNTT, tương tác giữa GV và HS vẫn được thực hiện thường xuyên trong thời gian trước, trong và sau các tiết học. Do đó, GV có nhiều thời gian hơn trong việc hướng dẫn HS chuẩn bị bài, tự học. Công tác bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu và ôn thi tốt nghiệp cho HS cũng được tăng cường thêm qua các lớp học ảo, lớp học trực tuyến.
Theo thầy Lê Chí Thông – Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông, chuyển đổi số trong dạy học còn có ưu điểm trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá HS. GV của nhà trường thường xuyên ứng dụng các trò chơi trực tuyến như: quizzi, kahoot, wordwall vào dạy học. Các ứng dụng kiểm tra và chấm trắc nghiệm tự động như Azota, TN Maker Pro, K12 online cũng được sử dụng giúp đánh giá HS dễ dàng và thường xuyên hơn. HS cũng sử dụng các ứng dụng CNTT để làm bài tập nhóm, tạo các sản phẩm học tập và tham gia các cuộc thi trực tuyến. Nhà trường cũng có một kho ngân hàng đề theo các khối lớp để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá.
Tuy nhiên cũng theo thầy Thông, hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, GV, HS còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số (cả về quản lý giáo dục và dạy - học). Toàn trường có 913 HS, trong đó có hơn 30% HS chưa có điện thoại thông minh, một số nơi chưa có sóng khiến các em phải lên đồi cao hoặc di chuyển đến nơi khác để tiếp sóng gây khó khăn cho việc học trực tuyến.
Nói về khó khăn trong chuyển đổi số ở miền núi, thầy Nguyễn Hữu Thịnh – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hòa) cho hay, do địa bàn hiểm trở nên công tác phối hợp, liên lạc giữa nhà trường và gia đình HS gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu là liên lạc trong các buổi họp phụ huynh; phối hợp với các xã, các Đồn Biên phòng trong công tác vận động, nắm bắt, thông báo tình hình học sinh hoặc tuyên truyền vận động học sinh đến trường,…
Việc liên lạc qua điện thoại hoặc các hình thức bằng CNTT khác đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân do đa số phụ huynh có đời sống kinh tế khó khăn, không có khả năng tiếp cận các phần mềm, các ứng dụng CNTT như: sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, rất nhiều phụ huynh không có điện thoại để liên lạc khi có việc cần.Bên cạnh đó, CSVC của nhà trường tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu dạy học tối thiểu, ảnh hưởng nhiều đến công tác dạy học và quản lý của nhà trường trong đó có công tác ứng dụng CNTT. Đây cũng là khó khăn chung của các trường học ở vùng cao Quảng Trị trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số vào việc dạy-học.
Yên Thảo