Một quyết định sáng suốt

Thứ hai, 27/01/2025 17:39

Với GS.TS Trần Văn Nam (1958) - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nhật TP Đà Nẵng - quyết định trở về Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án nghiên cứu sinh tại Nhật Bản và được một công ty ở nước này nhận vào làm việc với mức lương rất cao là một quyết định sáng suốt. Trở về để phát triển bản thân và cống hiến.

GS.TS Trần Văn Nam
GS.TS Trần Văn Nam

Đi lên từ gian khó

Sau nhiều lần đặt vấn đề, cuối cùng GS.TS Trần Văn Nam cũng nhận lời gặp mặt. Cuộc trao đổi “trật rìa” so với ý định ban đầu, nhưng nhờ những câu chuyện nọ xọ chuyện kia đã cho tôi cái nhìn mới mẻ hơn về vị GS nhiều lần tiếp xúc, trao đổi công việc liên quan đến giáo dục đại học thời ông còn là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK), sau là Giám đốc ĐHĐN. Sự chừng mực khi kể về những gì diễn ra trong đời mình khiến tôi thấy quý ông.

Tuy biết GS.TS Trần Văn Nam gần 20 năm, nhưng tôi không hề biết ông có một tuổi thơ vô cùng gian khó. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Điện Phước, Điện Bàn (Quảng Nam), mồ côi mẹ khi mới 6 tuổi. Người thầy đầu tiên của ông chính là anh ruột - GS Trần Văn Thọ (GS Kinh tế nổi tiếng, người mà hơn 50 năm qua, dù sống ở Nhật nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam). Mãi đến năm 1966, khi theo cha ra Đà Nẵng lập nghiệp, ông mới được đi học và vào thẳng luôn lớp 3, không qua lớp 1, 2. Chẳng biết có phải lý do vì mẹ bị bệnh mất sớm, nên từ bé, ông ấp ủ ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ. Để thực hiện ước mơ đó, ông đã nỗ lực rất nhiều và là một trong số rất ít học sinh của trường Phan Thanh Giản (trước 75) thi đỗ vào trường Trung học Phan Châu Trinh (nay là trường THPT Phan Châu Trinh). Đất nước giải phóng, ông cùng gia đình trở về quê Điện Phước, theo học năm cuối cùng THPT tại trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, và cũng là một trong số những học sinh giỏi của trường. Thấy tôi thắc mắc sao mê y khoa mà lại thi vào ĐHBK Đà Nẵng, ông giải thích: “Theo thông báo thì thi môn Sinh vật theo chương trình mới hoặc Vạn vật theo chương trình cũ (trước giải phóng môn Sinh gọi là môn Vạn Vật), không hiểu sao mình đọc nhầm thành từ “và”. Nghĩ phải ôn cả hai 2 chương trình mới - cũ quá nặng nên không đăng ký nữa. Hồi đó, khi học về đường lối chung của cách mạng Việt Nam giai đoạn đó, mình nhớ có câu: Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, lấy cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ..., nên quyết định đăng ký thi vào khoa cơ khí trường ĐHBK Đà Nẵng”. Với kết quả học tập tốt, ông được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp. Trước khi được đi nghiên cứu sinh tại trường ĐH Osaka (Nhật Bản) năm 1989, có thời gian ông được biệt phái về công ty điện lực để hỗ trợ kỹ thuật...

Trở về để cống hiến

Nhớ về quãng thời gian nghiên cứu sinh tại trường ĐH Osaka, GS.TS Trần Văn Nam dành tình cảm đặc biệt trân trọng khi nhắc về người thầy Nhật Bản đã tận tình hướng dẫn và có những lời khuyên chân thành dành cho mình. “Nhờ sự hướng dẫn tận tình, nghiêm khắc của thầy, tôi hoàn thành chương trình học tập với đánh giá xuất sắc và được một số Công ty, Viện nghiên cứu mời làm việc. Một ngày trước khi tôi rời Phòng nghiên cứu, thầy gọi tôi lên nói rằng đã nhận được thông tin về việc tôi sẽ chuyển đến làm việc cho một Hãng sản xuất máy nông nghiệp của Nhật. Sau khi cho biết, đã có những nhận xét, đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn, ý thức kỷ luật và sự tận tụy trong công việc của tôi, thầy có 3 điều muốn dành cho tôi. Đại ý: Việt Nam cần tôi hơn là Nhật Bản và nếu ở lại làm việc tại Nhật thì tôi đã làm sai với cam kết ban đầu. Hơn nữa, chính phủ Nhật cấp học bổng cho tôi là để đào tạo giảng viên cho Việt Nam, mục đích là giúp Việt Nam có được đội ngũ giảng viên giỏi để phát triển, để truyền đạt lại cho thế hệ trẻ chứ không phải đào tạo để phục vụ nước Nhật. Mặt khác, nếu tôi về Việt Nam thì tôi sẽ là đối tác hợp tác sau này của ĐH nơi thầy đang giảng dạy, có thể góp sức mình để phát triển Việt Nam. Và rằng, nguồn gốc là điều vô cùng quan trọng đối với mỗi con người... Sáng hôm sau tôi quyết định hủy việc làm đã xin được để về Việt Nam dù mức lương tôi sẽ nhận thấp hơn nhiều chục lần” - GS.TS Trần Văn Nam xúc động chia sẻ.

Một chi tiết thú vị, trên đường trở về quê hương, ông gặp một vị khách Nhật. Trò chuyện mới hay, người này đang làm việc tại TPHCM, liên quan đến ngành dệt may. Nhân cơ hội đó, ông giới thiệu về Công ty Hữu nghị Đà Nẵng (thời đó, trụ sở đóng ở đường Núi Thành). Sau đó, ông còn giới thiệu về Công ty Hải Vân, Dệt may 29-3, và ông được phía Nhật mời phụ trách khâu kiểm tra, giám sát. Trước đó, khi đang nghiên cứu sinh, ông được 2 công ty của Nhật đến tận trường liên hệ, nhờ hỗ trợ dạy chuyển giao công nghệ in hoa 7 màu cho đối tác Việt Nam là một công ty dệt ở Long An và hỗ trợ phiên dịch, dạy kỹ thuật cho đội ngũ kỹ thuật của công ty VIKYNO Biên Hòa (trực thuộc Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Bộ Công nghệ)...

Khắc ghi lời khuyên của người thầy đáng kính, sau khi trở về đất nước tiếp tục công việc giảng dạy rồi làm công tác quản lý tại Trường ĐHBK, sau đó là ĐHĐN, ông luôn chú trọng, nỗ lực đặt mối quan hệ hợp tác song phương với các trường ĐH ở Nhật trên nhiều lĩnh vực: hỗ trợ đào tạo, liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật, phát triển dự án...; đồng thời giới thiệu nhân sự, nguồn nhân lực có chất lượng của ĐHĐN cho một số công ty Nhật có trụ sở tại Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

Với những đóng góp cho các hoạt động hợp tác học thuật và giao lưu quốc tế, ông vinh dự được Hội đồng Giáo sư và Hội đồng khoa học ĐH quốc gia Yokohama và Trường Đại học Công nghệ Nagaoka (một trong những trường ĐH kỹ thuật công lập uy tín hàng đầu Nhật Bản) trao tặng bằng Tiến sĩ Danh dự.

GS.TS Trần Văn Nam thổ lộ, ông vô cùng biết ơn lời khuyên của GS người Nhật và thấy quyết định của mình lúc đó thật sáng suốt, đúng đắn. Giờ đây, ở tuổi 66, ông vẫn lặng lẽ, miệt mài cống hiến trílực vì sự nghiệp giáo dục.

PHAN THỦY

Những bước chân đầu tiên vào kỷ nguyên mới

Với Nghị quyết 136/2024/ QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó, có thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với Cảng biển Liên Chiểu từ năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP kỳ vọng FTZ sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy kinh tế TP phát triển mạnh mẽ,

Phê duyệt Đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành văn bản số 154/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo”.

Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng trao bằng tốt nghiệp cho gần 500 tân cử nhân

Tại Lễ trao Bằng tốt nghiệp đợt 2 năm 2024 tổ chức cuối tuần qua, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng (ĐHNN Đà Nẵng) đã trao bằng tốt nghiệp cho gần 500 tân cử nhân hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm các khoa: tiếng Anh, tiếng Anh chuyên ngành, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, Ngôn ngữ & Văn hóa Nhật Bản, Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc, quốc tế học...