Chuyện ghi ở lớp học xóa mù

Thứ tư, 12/03/2014 10:49

(Cadn.com.vn) - Cứ đều đặn vào những buổi tối các ngày thứ 3,4,6 trong tuần, khi tiếng kẻng nhà Gươl vang lên, hàng chục chị em phụ nữ tuổi từ 20 đến 50 cắp sách đến Gươl để học. Đây là lớp học do Hội phụ nữ H. Phước Sơn (Quảng Nam) sáng lập nhằm xóa mù cho những phụ nữ Bhnoong nơi vùng rẻo cao này.

Chị Hồ Thị Hường tập viết cho những người theo học.

3 mẹ con học chung một lớp

Lớp học xóa mù được mở tại nhà Gươl thôn Xà Ê (xã Phước Mỹ, H. Phước Sơn). Hôm chúng tôi đến, lớp được tổ chức ban ngày do phải học bù những ngày trước đó vì nghỉ lễ 8-3. Là lớp ghép nên có đến 2 cô giáo đứng trên bục giảng. Phía dưới, hơn 20 mái đầu chụm vào nhau cùng học cái chữ. "Cứ đều đặn 1 tuần 3 buổi học được tổ chức tại Gươl của làng. Ở đây, nhiều người ý thức tự giác chưa cao, đôi khi đến buổi học vẫn phải đến từng nhà để gọi mới chịu đi học. Nhưng hầu hết đều rất muốn biết cái chữ. Chương trình dạy chỉ dành cho phụ nữ từ 18 tuổi đến 35 tuổi, nhưng có những mẹ dù đã ngoài 50 nhưng vẫn muốn theo học để biết cái chữ"- cô giáo Hồ Thị Hường, kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Phước Mỹ cho biết.

Cái bảng nhỏ được chia thành 2 phần. Một bên dành cho những ai chưa biết chữ, bắt đầu làm quen với chữ cái, từng con số, nửa bảng còn lại dành cho những người đã biết chữ nhưng chưa thông thạo. Lớp "bé" do cô giáo Hồ Thị Hường phụ trách, còn lớp "lớn" do "cô giáo" Hồ Thị Lan (19 tuổi) dạy. Khi cô giáo Hường dùng thước chỉ vào bảng thì lớp "bé" đồng thanh đọc những chữ A,B,C,D... Tiếng đọc vỡ lòng âm vang cả một góc rừng. "Học xong lớp 12, thi tốt nghiệp không đậu nên em về làm ruộng. Chị Hường tin tưởng giao nên em nhận dạy chứ em có phải cô giáo gì đâu", Lan vừa nói vừa cười khi chúng tôi hỏi về nghề giáo mà em đang phụ trách.

Lớp học có nhiều cái đặc biệt, đặc biệt hơn khi trong một lớp có đến 3 mẹ con cùng theo học. Bà Hồ Thị Nhoảng năm nay 50 tuổi nhưng vẫn theo hai con gái là Hồ Thị Nhía và Hồ Thị Nhão để học biết cái chữ. Đang cặm cụi nắn nót từng nét chữ trên bảng kẻ học sinh ở lớp "bé", bà Nhoảng cười bẽn lẽn khi gặp chúng tôi: "Từ trước tới nay không biết viết cái tên mình thế nào. Con đi học về đưa tên của nó cho mình đọc cũng không được. Buồn lắm. Thế nên hai đứa nó đi học được vài hôm thì mình cũng xin theo. Giờ thì mình đã viết được tên mình rồi". Còn chị Hồ Thị Nhão tâm sự: "Trước đây mình cũng đã được học cái chữ rồi, nhưng sau đó mình đi rẫy, bỏ học. Lâu quá nên cái chữ nó cũng quên mình rồi. Giờ có mấy cô mở lớp dạy lại, mình đăng ký học liền. Bữa nay mình đã biết lại được cái chữ. Mấy cô nói mình như thế là đã có trình độ lớp 3 rồi đó, mình vui lắm".

 Lớp học xóa mù cho chị em tại thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ.

Phát huy hiệu quả

Chị Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ H. Phước Sơn cho biết: Hội phụ nữ Phước Sơn có hơn 4.700 hội viên, trong đó có hơn 3.200 hội viên là dân tộc thiểu số. Đa số hội viên dân tộc thiểu số trước đây do điều kiện kinh tế phải kiếm sống nên không có thời gian học.

Trước thực trạng đó và cũng từ nhu cầu của chị em muốn biết chữ nên từ năm 2009, Hội đã phối hợp với Phòng giáo dục huyện mở những lớp xóa mù, giúp chị em trong địa bàn biết chữ, nâng cao dân trí.

Đến nay lớp học xóa mù trên địa bàn Phước Sơn đã được mở rộng và mang lại hiệu quả rất thiết thực trong việc nâng cao dân trí cho người dân. Chương trình này được tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ chi phí như văn phòng phẩm, bàn ghế và các khoản phụ phí.

Qua 4 năm hoạt động, Hội phụ nữ Phước Sơn đã tổ chức được 20 lớp học với gần 1.000 học viên tham gia. Riêng tại xã Phước Mỹ, mô hình xóa mù đã được triển khai ở các thôn 2,3,5. Qua đó hàng trăm phụ nữ đã biết đọc, biết viết.

"Đồng bào mình vốn đã quen với nếp sống cũ rồi, giờ thay đổi phải bắt đầu từ từ. Trước đây, cứ đến buổi học mình phải đến từng nhà gọi thì họ mới đi, giờ thì đỡ rồi. Mình dạy, rồi người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết nhiều thì chỉ cho người biết ít. Cứ thế mà mở rộng phong trào học chữ, không còn gói gọn trong phụ nữ nữa, mà cả đàn ông mình cũng khuyến khích đi học. Nhưng hiện giờ lớp học cũng đang gặp khó khăn do bàn ghế và sách vở không đủ học. Chúng tôi đang kiến nghị để Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ thêm"- cô giáo Hồ Thị Hường cho biết thêm.

Bên cạnh việc dạy chữ, lớp học còn là nơi để các cán bộ phụ nữ tuyên truyền, vận động bà con những chương trình làm kinh tế để cải thiện đời sống gia đình. Những hủ tục như tảo hôn, bạo lực gia đình hay chương trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan cũng được các cán bộ phụ nữ tổ chức lồng ghép vào trong quá trình giảng dạy cho các chị em. Từ đó nhận thức dần dần thay đổi. Chị em biết xây dựng cuộc sống để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Bão Bình