Chuyện ghi ở phòng bệnh 103!
Ở nơi con người đối diện với đủ dạng bệnh tật, tôi cảm nhận tình đời, tình người vẫn đầy ắp và lấp lánh!
Bác sĩ Nguyễn Duy Thành ân cần thăm khám bệnh nhân tại phòng bệnh 103 khoa Lão. Ảnh: P.T |
Lấp lánh tình thân
Ông cụ năm nay 91 tuổi, quê ở Quế Sơn (Quảng Nam), nhập viện vì viêm phổi nặng! Ngoài 90 tuổi nhưng trông ông vẫn minh mẫn, tự ăn uống, tự vệ sinh cá nhân. Khi không truyền thuốc, ông chống gậy sang hỏi thăm người mới nhập viện. Mỗi lần con trai vào thay ca trực, ông quàng vai bàn chuyện thời sự, chuyện làm kinh tế! Tôi bắt chuyện, nói tên ông nghe thật quen, ông cười hồn hậu cho biết, khi chưa nghỉ hưu từng làm lãnh đạo một xưởng gỗ ở Quế Sơn và là cán bộ tiền khởi nghĩa. Con trai ông cho biết, tính cha mình rất dễ chịu, sống rất tình cảm! Ngày được bác sĩ cho xuất viện, ông bắt tay bác sĩ thật chặt, chân thành nói lời cảm ơn. Trước khi ra về, ông chống gậy đi chào khắp phòng rồi sang phòng đối diện vẫy tay chào: "Tôi về trước nghe!". Thái độ ứng xử lịch thiệp cùng sự đôn hậu của ông cụ khiến ai cũng xúc động...
Ở một giường bệnh khác, một phụ nữ tên N. suốt đêm ngồi dỗ dành, canh chừng để người mẹ không bứt ống thông dạ dày. Bà cụ hơn 80 tuổi đau nhức chân tay cả đêm ti tỉ khóc rên, chị không một lời nặng nhẹ, dỗ ngọt để mẹ quên đau nhức mà ngủ. Sáng ra, con trai vào thay ca cho mẹ về nhà chợp mắt để còn đi bán hàng. Chàng trai ấy tên P., 26 tuổi, chưa lập gia đình. Cả ngày, P quần bên bà ngoại, hết thay tã, làm vệ sinh cá nhân, đỡ bà ngồi dậy xoa lưng rồi lại pha sữa để điều dưỡng đến truyền thức ăn. Rảnh giờ nào, ai nhờ giúp gì, chàng trai ấy đều sẵn lòng giúp, không nề hà.
Cạnh giường người thân tôi nằm là một phụ nữ hơn 65 tuổi quê ở Đại Lộc (Quảng Nam), bị đủ thứ bệnh: tiểu đường, dạ dày, viêm nhiễm... Bệnh tình khiến bà biếng ăn, 4 người con thay phiên nhau trực dỗ dành thế nào cũng không tài nào khiến bà ăn được. Bác sĩ phải vào cuộc, cho y tá đặt ống thông dạ dày. Khi bệnh trở nặng buộc phải truyền thuốc kháng sinh liều mạnh, bà khó ở, tâm tính trở nên đổi khác. Bà tìm cách bứt dây thông dạ dày, mắng các con. Biết mẹ đau nên trong người mới bứt rứt, cả 4 người con không một lời nói lại, chỉ biết dỗ dành, massage cho mẹ cả ngày lẫn đêm.
Thương nhất là cô con gái, những lúc thấy mẹ không ăn, hôn mê là cô lại khóc. Những lúc mẹ tỉnh, đòi ăn nem lụi, cô mừng quýnh nhờ tôi trông chừng giúp để chạy đi mua cho bà ăn. Tôi khuyên: "Đã hỏi bác sĩ dì ăn được thứ đó chưa?", cô con gái ứa nước mắt nói: "Mấy ngày nay mẹ em có ăn được gì đâu. Giờ mẹ em thèm ăn, mừng muốn khóc. Em chỉ gỡ cho mẹ ăn vài miếng cho đỡ thèm thôi, chắc không răng đâu chị hè? Mẹ em cực cả đời, giờ mới có chút của để dành thì lại đổ bệnh...". Nghe cô tâm sự, thương không chịu được...Hôm hay tin người thân tôi được xuất viện, cô về quê mang ra một bao rau sạch và ít mận chín nhà trồng làm quà chia tay.
Lấp lánh tình blouse trắng
Một tuần vào chăm sóc người nhà ở Khoa Lão Bệnh viện Đà Nẵng, tôi có dịp quan sát, tận mắt chứng kiến tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên nơi đây.
Phòng bệnh 103, nơi người nhà tôi nằm, do bác sĩ Nguyễn Duy Thành phụ trách. Trông anh hãy còn trẻ. Mỗi lần vào thăm khám bệnh, anh luôn có thái độ ân cần, nhẹ nhàng, cung cấp cho người nhà cũng như bệnh nhân rất cặn kẽ về tình hình, tiến triển của bệnh và hướng dẫn cách chăm sóc, ăn uống sao cho hợp lý. Tiết trời tháng 5 nóng bức, có bệnh nhân khó ở trong người nên không chịu ăn uống, người nhà dỗ mấy cũng không được, dẫn đến bị hạ đường huyết. Sáng sớm, khi thăm khám các phòng bệnh, phát hiện ra điều này, bác sĩ Thành giận lắm, trách người nhà không chăm kỹ bệnh nhân. "Nếu mẹ không ăn được, phải báo ngay cho bác sĩ hoặc bộ phận trực biết để kịp thời can thiệp"- định trách thêm vài câu, nhưng thấy người nhà mắt đỏ hoe, bác sĩ Thành lại thôi và gọi ngay điều dưỡng mang ống thông dạ dày đến. Hôm cho người thân tôi ra viện, anh hướng dẫn chu đáo cách chăm sóc, ăn uống và dặn dò kỹ lưỡng việc chú ý tái khám.
Bác sĩ tận tình, điều dưỡng và hộ lý tận tình không kém. Hôm đưa người nhà đi cấp cứu, vì quá vội vàng nên tôi quên đem thẻ bảo hiểm y tế. Ngay khi vừa nhập vào khoa, lúc truyền thuốc, một điều dưỡng áy náy hỏi thăm: "Ông cụ không có bảo hiểm sao ạ?". Khi biết là có, cô thở phào nói: "Vậy thì mừng cho người nhà. Chứ mới vào nhập viện thôi nhưng nhìn vào danh mục toa thuốc tiêm, truyền cho ông, em thấy tiền thuốc ông gần 2 triệu rồi đó, không có bảo hiểm thì tội cho người nhà lắm...". Ở khoa Lão, có điều dưỡng tên Oanh quê Quảng Bình rất dễ thương, vui tính, dỗ bệnh nhân rất khéo. Có điều dưỡng Châu, Chín rất giỏi tìm ven. Bệnh nhân ở phòng bệnh 103 đều là bệnh nặng nên rất khó tìm ven. Thế mà vào tay hai điều dưỡng này thì... được tất. Thương không kém là các hộ lý, đặc biệt là người lao công làm vệ sinh các phòng bệnh tại Khoa Lão. Tôi chưa kịp hỏi chị tên gì.
7 ngày vào chăm người nhà ở Khoa Lão, bên cạnh những câu chuyện xúc động, lấp lánh về tình đời, tình người, tôi cũng nghe không ít chuyện bi hài mà nếu được phép kể ra đây chắc sẽ lấy đi không ít nhiều nước mắt lẫn sự căm phẫn. Chợt cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết rằng, giá trị cuộc sống vốn không nằm ở vật chất mà ở tinh thần, ở tình thân, ở sự quan tâm, biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau dù là người xa lạ mới gặp lần đầu. Và rằng, sức khỏe là vốn quý, không nên, không được chủ quan để rồi phải ân hận!
Khánh Yên