Chuyện kể trong rừng Hương

Thứ ba, 28/10/2014 08:00

* Bài 1: Đi tìm rừng Hương cổ thụ giữa đại ngàn

(Cadn.com.vn) - Sau "cơn sốt" về gỗ huỳnh đàn, trắc, loài gỗ Hương (còn gọi là Giáng Hương) trở thành "mục tiêu" tiếp theo của dân chơi đồ gỗ và lâm tặc. Vì thế, những rừng Hương có tuổi từ vài chục đến trăm năm còn sót lại ở Gia Lai đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Chúng tôi đi vào xã Krong, cách thị trấn Kbang (H. Kbang, Gia Lai) hơn 40km, vùng đất nằm phía tây, thuộc dãy Kon Ka Kinh và một phần cao nguyên Kon Hà Nừng, đầu nguồn sông Ba. Nơi đây vẫn còn giữ lại được những cây gỗ Hương có đường kính từ 1-1,6m với hàng trăm năm tuổi. Tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, ông Võ Ngộ vừa mới nhận chức vụ Giám đốc cử 2 cán bộ dẫn đường cho chúng tôi, một đã có thâm niên hơn 16 năm gắn bó với rừng, anh Lô Đình Hồ và cậu thanh niên vừa mới ký hợp đồng được 5 ngày Nguyễn Văn Duy.  

Chúng tôi băng qua 4 km đường rừng lầy lội và những con suối lên khu vực rừng Hương cổ thụ, nơi mà người dân địa phương vẫn gọi là "đỉnh Kbang", những cây Hương lộ dần, bám theo triền núi, dọc theo con suối Nia mà sinh sôi, nảy nở. Đứng bên một gốc cây Hương gần 4 người ôm, anh Hồ cho biết: "Nơi đây có khoảng 300 cây Hương nhưng phân bố rải rác theo kiểu da báo tại 7 tiểu khu với tổng diện tích hơn 8.000ha, trong đó có gần 100 cây có đường kính từ 1m trở lên. Vùng này, cứ vài trăm mét lại xuất hiện 2-3 cây Hương cổ thụ".

Bên một gốc cây Hương trăm năm tuổi.

Do đắt đỏ và được ưa chuộng, những cây Hương cổ thụ được "lâm tặc" săn lùng bằng mọi giá. Không chặt hạ được nguyên cây, "lâm tặc" lén lút đưa cưa máy vào "xẻo" từng miếng một. Cây Hương đường kính gần 1,6m bên đường tuần tra, kiểm soát rừng là "nạn nhân" đầu tiên khi "lâm tặc" xẻo từng tấm một, để lại gốc cây Hương nham nhở. May được cán bộ Cty phát hiện kịp thời nên cây Hương cũng không phải chịu số phận làm vật dụng trong một gia đình nào đó.

Có thời điểm chỉ trong 5 tháng (tháng 11-2013 đến 4-2014) "lâm tặc" với nhiều thủ đoạn đã chặt hạ trái phép 47 cây gỗ Hương với khối lượng thiệt hại hơn 122m3 bất chấp những nỗ lực cố gắng bảo vệ của cán bộ, công nhân công ty. Để bảo vệ những cây Hương cổ thụ còn lại, Cty đã cử những cán bộ, nhân viên của mình bám trụ tại rừng, "ăn, ngủ cùng với những cây gỗ Giáng Hương". Do kinh phí hạn hẹp những người giữ rừng phải mượn tạm chòi rẫy của người dân làm nơi ăn, ở, bám trụ 24/24 giờ để giữ những cây Hương cổ thụ.

Lán trại tạm bợ dựng lên giữa rừng sâu để túc trực bên những cây Hương cổ thụ.

Anh Hồ kể, bao nhiêu lần bị hăm dọa, bị vây hãm không một công cụ hỗ trợ nào trong tay thì anh Hồ không nhớ hết nhưng mới đây, anh Hồ bị một số đối tượng "lâm tặc" trút trận đòn thù vì ngăn cản bọn chúng khai thác trái phép gỗ Hương. Những đối tượng khai thác rừng trái phép còn tự trang bị cho mình nhiều loại hung khí như dao, rựa kể cả súng và bọn chúng sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi. Máu của những cán bộ bảo vệ rừng đã đổ xuống bên những gốc Hương cổ thụ trong những lần đẩy, đuổi "lâm tặc".

Giữa tháng 9-2014, đối tượng cuối cùng trong vụ án chống người thi hành công vụ Trịnh Ngọc Thái (trú tại TDP 4, TT Kbang, H. Kbang, Gia Lai) đã bị CAH Kbang bắt giữ sau một thời gian bỏ trốn. Vụ việc xảy ra vào ngày 20-10-2012, các đối tượng Nguyễn Văn Nguyên (1983), Nguyễn Văn Quyết (1989), Nguyễn Văn Nghị (1992), Hồ Viết Đức (1984), Trịnh Ngọc Thái (cùng trú tại TDP 4, T.T Kbang), Nguyễn Thị Tuyết (1984, trú tại TDP 20, TT Kbang), Đặng Đức Thọ (1980, trú tại TDP 2, TT Kbang) và Nguyễn Văn Hải (trú tại xã Đông, H. Kbang) cùng vào rừng thuộc tiểu khu 94 do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa quản lý để khai thác cành, nhánh gỗ Hương về bán kiếm lời.

Khi phát hiện nhóm đối tượng trên đang tiến hành khai thác gỗ Hương trái phép thì bị lực lượng cán bộ bảo vệ rừng của Cty phát hiện truy bắt. Tuy nhiên, nhóm đối tượng trên đã dùng rìu, rựa, gậy gỗ, đá tấn công lực lượng cán bộ bảo vệ rừng. Hậu quả, 3 cán bộ bảo vệ rừng là anh Nguyễn Thành Vinh, Lê Thành Công bị thương ở đầu, anh Bùi Cao Đỉnh bị gãy xương bàn hai ngón tay bàn tay phải, bị thương ở tay trái và phải đi cấp cứu điều trị tại Trung tâm Y tế H. Kbang, còn lại một số cán bộ khác bị thương nhẹ.

"Lâm tặc" dùng cưa máy xẻo từng tấm trên gốc Hương cổ thụ có đường kính hơn 1,6m.

 Gian nan, hiểm nguy như vậy, liệu các ngành chức năng có giữ được rừng Hương cổ thụ? Trước câu hỏi ấy, ông Võ Ngộ đau đáu: "Do hoạt động theo mô hình Cty nên giờ rất khó khăn bởi Cty không có nguồn thu vì không được giao chỉ tiêu kế hoạch, chủ yếu là làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng anh em không được một chế độ ưu tiên nào. Chi trả lương cho cán bộ, nhân viên chủ yếu cân đối từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, trong khi đó hàng ngày phải đối diện biết bao khó khăn, nguy hiểm, cực khổ. Việc giữ rừng Hương là trách nhiệm của Cty do Nhà nước giao phó, anh em nỗ lực hết mình để bảo vệ. Trong khi hàng trăm cây Hương cổ thụ phân bố rộng trên diện tích hơn 8.000 ha theo kiểu da báo tại 30 khoảnh của 7 tiểu khu, nhưng hỏi ra lực lượng bảo vệ rừng của Cty chỉ có 10 người chuyên trách và 4 lao động thời vụ.

Bên cạnh đó, lâm phần của Cty quản lý, bảo vệ nằm trên địa bàn 4 xã Krong, Đăk Rong, Sơn Lang và Sơ Pai. Thế nhưng, một số xã vẫn chưa thực hiện hết trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, thiếu sự phối hợp với đơn vị chủ rừng và các lực lượng chức năng. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển đổi Cty sang BQL rừng để hoạt động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn nhằm có các chế độ chính sách cho người lao động giữ rừng. Cũng như tuyển thêm biên chế để bố trí các chốt có gỗ Hương nhằm quản lý tại gốc cũng như nên quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng".

Khó khăn chồng chất khó khăn là vậy nên việc giữ được rừng Hương cổ thụ vẫn còn là chuyện mông lung lắm!

Minh Tân
(còn nữa)