Chuyện người Đà Nẵng chống dịch

Chủ nhật, 20/06/2021 19:54

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư này, cụm từ “cả hệ thống chính trị vào cuộc” lại thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết để nói về sự “đồng lòng thuận chí” của cả Đà Nẵng trong cuộc chiến đấu gay go khốc liệt để chống lại một loại “giặc” rất nguy hiểm, lần đầu tiên “xâm chiếm” đất nước và thành phố.

Một thành viên tổ COVID cộng đồng tại Đà Nẵng đo thân nhiệt người dân trong khu vực được giao. 

Có thể nói, từ những ngày đầu tiên của năm Bính Tý 2020 đến nay, kể cả những “khoảng lặng” giữa các đợt dịch thì vẫn có những người Đà Nẵng, đặc biệt là ngành y tế, công an, quân đội… chưa được một ngày ngơi nghỉ, bởi vì, tuy không có dịch nhưng Đà Nẵng vẫn tiếp nhận để cách ly hàng ngàn người và điều trị hàng trăm ca nhiễm COVID-19 là các công dân Việt Nam, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong các chuyến bay giải cứu công dân, chuyên gia đến là việc tại các doanh nghiệp trong cả nước v.v….

Đặc biệt hơn là điều trị khỏi một ca nhiễm COVID-19 còn nặng hơn ca bệnh số 91 là phi công người Anh trong đợt dịch đầu tiên. Và cũng không thể không nói đến một “mặt trận” đông đảo, hùng hậu không kém phần nhiệt huyết, trách nhiệm là các hội đoàn thể, doanh nghiệp, văn nghệ sỹ trí thức đến người công nhân, tiểu thương v.v.. từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy đến ruộng đồng…, tất cả đã kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng cả hệ thống chính trị chống và thắng “giặc”.

Qua gian khó, hiểm nguy người Đà Nẵng từ vị lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường, luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống của dịch bệnh. Từ chỗ bỡ ngỡ do dịch lạ đến chủ động, chuyên nghiệp và thiện chiến trong đối phó với chúng. Trong “cái khó ló cái khôn” từ lãnh đạo thành phố, các cơ quan chuyên môn đến chính quyền các quận huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố mỗi nơi đều có những cách làm sáng tạo, góp phần phòng chống dịch hiệu quả.

Đầu tiên là việc xét nghiệm mẫu gộp mà Đà Nẵng là địa phương tiên phong của cả nước thực hiện từ đợt dịch thứ 2 năm 2020. Từ gợi ý của nguyên Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) triển khai cách làm linh hoạt và hiệu quả này, trong khi Bộ Y tế vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Cách làm này vừa góp phần truy vết nhanh các trường hợp F1, F2 vừa tiết kiệm cho ngân sách được một khoản kinh phí không nhỏ. Từ mẫu gộp 5, rồi đến mẫu gộp 10 và mới đây là mẫu gộp 20. Tùy theo mức độ nguy cơ cao hay thấp mà CDC Đà Nẵng áp dụng triển khai, qua đó đã nâng cao năng lực l ấ y mẫu xét nghiệm, có ngày CDC đã đạt mức kỷ lục về xét nghiệm mẫu từ trước tới nay với 21.920 mẫu được thực hiện trong ngày do thân tốc truy vét xuyên đêm và nhờ phương pháp này mà vẫn đảm bảo được độ chính xác. Ghi nhận sáng kiến hay đó của CDC Đà Nẵng, ngày 16-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có bằng khen CDC Đà Nẵng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị mô hình này của CDC Đà Nẵng ra phạm vi toàn quốc.

Đó là chuyện ở “tầm thành phố”, còn ở quận, huyện xã, phường cũng có những cách làm hay phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi địa phương. Ở cấp quận, không thể không kể đến cách làm của quận Sơn Trà khi mời giáo viên dạy trường chuyên biệt (câm, điếc) để hỗ trợ truy vết khi F1 tại các khu cách ly là người khuyết tật (câm, điếc); là việc mời chuyên gia về tâm lý của Đại học Sư phạm đến tư vấn cho những người bị trầm cảm trong khu cách ly; đó là việc huy động 27 nhân viên y tế ở các trường học nhân kỳ nghỉ hè của ngành giáo dục để tăng cường lực lượng cho các Trạm Y tế phường để tham gia phòng chống dịch...Nhờ vậy mà dù là một điểm nóng trong đợt dịch thứ tư nhưng Q. Sơn Trà đã chủ động sáng tạo để đối phó với dịch, hạn chế đến mức thấp nhất việc lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

Người dân đi chợ Cồn ghi thông tin trên phiếu đi chợ trước khi vào mua sắm.

Ở cấp cơ sở là phường xã cũng chẳng “kém cạnh” ai. Đơn cử như phường Tam Thuận của Q. Thanh Khê, đã có cách làm được lãnh đạo thành phố chỉ đạo nhân rộng đến các xã phường trong thành phố. Đó là sáng kiến truy vết F1, F2 nhanh chóng và có tính dự phòng cao, qua đó kịp thời khoanh vùng dịch tễ và hạn chế nguồn lây ra cộng đồng. Cụ thể là, ngay khi có thông tin dịch tễ liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân F0 trên địa bàn phường, khi người dân đến khai báo y tế theo diện nghi ngờ F1, F2, sẽ được điền vào các tờ khai theo mẫu in sẵn, trong trường hợp F1 chuyển thành F0 thì phường sẽ có ngay lịch trình dịch tễ của “các F” tiếp theo, do đã được khai báo chi tiết từ trước, gửi cơ quan y tế. Từ đó, giảm đáng kể thời gian truy vết, cũng đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng lây nhiễm của các ca F0, đảm bảo không bỏ sót người có nguy cơ, kịp thời xác định vùng dịch tễ trong cộng đồng.

Ngoài ra, cũng không thể không nói đến sự nhiệt tình của các hôi đoàn thể, mặt trận với những cách làm sáng tạo. Cùng với sự nhiệt tình và ý thức trách nhiệm cao, từ Đoàn thanh niên đến Hội phụ nữ, Cựu chiến binh v.v…đã có những cách làm hay và thiết thực, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Hình ảnh các bạn đoàn viên thanh niên xã Hòa Phong (Hòa Vang) tay cầm tờ rơi, khẩu trang y tế chia nhau ra các góc chợ để phát cho tiểu thương đã trở thành quen thuộc với người dân trong xã. Các bạn còn mang theo loa di động và khẩu hiệu phát tại chợ và đến từng ngõ xóm để tuyên truyền thông tin cho bà con về các biện pháp phòng chống dịch, lồng ghép tuyên truyền cho công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. “Tiếng loa thanh niên” được đội tình nguyện của Đoàn xã triển khai nhằm đa dạng hoá mô hình hoạt động, đồng thời giúp người dân cảm thấy gần gũi hơn, hiểu rõ hơn thông tin về dịch bệnh… Đó còn là câu chuyện Hội Phụ nữ phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) với những khuyến cáo 5K là những tấm thẻ nhựa xinh xinh gắn trên các khoen chìa khóa để phát cho tất cả hội viên phụ nữ trong phường, một sáng kiến nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ, gần gũi và thiết thực...

Còn nhiều lắm những việc làm sáng tạo, nghĩa cử cao đẹp và nhân văn trên “mặt trận” chống giặc COVID của người Đà Nẵng mà người viết chưa thể kể hết ra đây. Cuộc “chiến đấu” sẽ còn tiếp diễn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng với ý thức trách nhiệm, tình yêu, lòng tự hào của mỗi con người Đà Nẵng dành cho quê hương, đất nước, cùng với sức mạnh vốn có của Đà Nẵng là sự đồng thuận, đã đang và sẽ được phát huy để làm nên một Đà Nẵng kiên cường, sáng tạo và nhân văn.

DÂN HÙNG