Chuyện những giáo viên vùng sâu

Thứ sáu, 24/11/2017 11:50

Lẩn khuất trong những cánh rừng, dãy núi cao vút phía Đông Nam tỉnh Gia Lai là các bản, làng của người dân đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na. Ở đó, để đưa các em đến lớp, đến trường là những chặng đường dài thấm đẫm mồ hôi, máu và năm tháng tuổi thanh xuân của những người đang ngày đêm âm thầm "gieo chữ" nơi vùng sâu, vùng xa này.

Rừng núi đã in dấu chân thầy Tuấn và đồng nghiệp ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong.

"Thương hiệu" thầy Tuấn Đăk Rong

Đến giờ này, "thương hiệu" thầy Tuấn Đăk Rong đã lan tỏa khắp cả nước khi mô hình bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong (H. Kbang, Gia Lai), nơi thầy Phạm Quốc Tuấn làm Hiệu trưởng đã trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục toàn quốc. Đây là ngôi trường bán trú có thể gọi đẹp nhất ở Tây Nguyên từ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy học, ăn ở, sinh hoạt đến cả tình thương yêu mà các thầy cô dành cho học sinh người Ba Na.

Nơi đây, ở một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của H. Kbang, đồng bào Ba Na quá nhiều chật vật. Thế nên, việc học gần như phụ huynh phó mặc cho nhà trường. Để đưa các em đến lớp, đến trường là cả một chặng đường dài cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi vẫn nhớ như in những lúc nửa đêm theo chân thầy Tuấn cùng các giáo viên băng rừng đi tìm, đưa các em học sinh về với lớp học. Họ đón các em tận nhà từ chiều chủ nhật mỗi tuần, rồi còn vận động, đưa các em "thích núi rừng" hơn "thích cái chữ" trở lại trường. Chỉ cần giáo viên báo lên có học sinh "cái bụng nhớ nhà" trốn học thì thầy Tuấn tất bật lên đường đưa các em trở lại trường. Cứ nửa đêm, khi núi rừng vẫn chìm trong sương lạnh hay những cơn mưa rừng tầm tã, thầy Tuấn lại cùng những giáo viên vượt cả chục cây số qua những con đường đất đỏ lầy lội. Rồi những cây số tiếp theo phải đi bộ men theo sườn núi đến tận nhà đầm (nhà tạm làm ở rẫy sản xuất) nơi những em học sinh "trốn"! "Mình đi nửa đêm mới tìm thấy các em, đi sớm quá hay muộn quá các em thấy thầy cô lại bỏ trốn. Lúc đó, muốn đưa các em về lại rất khó khăn. Dù biết vất vả nhưng nếu không đưa các em về học mình áy náy lắm", thầy Tuấn chia sẻ. Cùng với những lần đi tìm, "bắt" các em về lớp, thầy cô tranh thủ vận động, tuyên truyền để phụ huynh hiểu được lợi ích khi cho con đi học cái chữ.

Không chỉ đưa các em đến lớp để được biết con chữ, thầy Tuấn cùng những thầy cô nơi đây còn kiêm luôn cả vai trò của người bố, người mẹ. Từ thói quen sinh hoạt đến vệ sinh cá nhân, học tập, ăn uống của các em gần như phải được dạy lại. "Có em vẫn thói quen đi vệ sinh ở rừng, em lại chưa biết cầm bàn chải đánh răng, em vẫn ăn bốc hay bạ đâu ngủ đó…, mình cùng các thầy, cô phải chỉ dẫn lại từng tí một. Những lúc các em đau ốm, giáo viên trở thành người cha, người mẹ chăm", thầy Tuấn tâm sự. Cứ mỗi năm học, đến hơn cả trăm em học sinh vào bậc tiểu học cũng là thầy, cô nơi đây có thêm trăm đứa con để chỉ bảo, dạy dỗ những chuyện như thế. Đến giờ này, chỉ cần tiếng trống, tiếng kẻng báo hiệu, các em đã tự dậy vệ sinh cá nhân, trường lớp, gấp chăn màn, xếp hàng rửa tay trước khi vào ăn cơm.

Thế nên, 5 năm từ ngày thành lập, việc duy trì sĩ số học sinh nơi đây luôn đạt gần tuyệt đối. Đó là sự tưởng thưởng cho những nỗ lực của đội ngũ giáo viên vùng cao này.

 Cô Thủy kiểm tra vệ sinh tay học sinh trước khi vào ăn cơm.

Những giáo viên trẻ ở "ốc đảo" Kon Pne

Cũng như trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, H. Kbang) nằm ở xã sâu nhất của tỉnh Gia Lai. Lọt thỏm giữa 4 bề thung lũng, rừng núi nên từ lâu nơi đây vẫn được mệnh danh là "ốc đảo". Chuyện "gieo chữ" ở vùng đất này cũng đầy vất vả, gian truân, đặc biệt là những giáo viên "chân yếu tay mềm".

Dù nhà ở ngay H. Kbang nhưng vào được đến trường, cô giáo Nông Thị Thủy (1995), giáo viên trẻ và mới nhất trường phải đi gần 90km mới đến được nơi và phương tiện duy nhất vẫn là xe máy và đi bộ. "Tháng 4-2017, em nhận công tác vào trường và đó cũng là lần đầu tiên biết mảnh đất Kon Pne này. Không ngờ quãng đường xa đến thế, rừng núi hoang vu, các em học sinh khác biệt ngoài trung tâm rất nhiều khi e dè, ngại tiếp xúc, trình độ hạn chế. Được các thầy, cô nơi đây chỉ bảo, hướng dẫn, em cũng dần quen với môi trường mới. Em tự dặn lòng nếu nản chí thì khó có thể dạy học được nơi này!", cô Thủy nói.

Dù giờ đây con đường vào trường đã gần phủ hết bê-tông, thế nhưng chỉ vài tháng trước, con đường vào trường luôn là nỗi ám ảnh. "Trước đây, đường vào trường toàn bộ là đường đất đỏ, mùa khô thì bụi, mùa mưa thì trơn trượt. Bao nhiêu lần ngã xe, chảy máu chân tay giờ để lại đầy sẹo, bao nhiêu lần vừa đi vừa nơm nớp vì núi lở, bao nhiêu lần khóc giữa đường rừng, em cũng không nhớ hết nữa! Có lẽ thế mà giờ em thấy gắn bó với các em học sinh, ngôi trường nơi mọi người gọi là "ốc đảo" này", cô Thủy tâm sự. 

 Cách cổng trường không xa là ngôi nhà tạm của đôi vợ chồng Roo H'Anh (1987) và Siu Bin (1986) được dựng trên mảnh đất đang thuê lại. Năm 2012, H'Anh được tuyển dụng giáo viên dạy ngữ văn ở trường. Bén duyên với "ốc đảo" Kon Pne này, sau 1 năm, 2 vợ chồng quyết định khăn gói chuyển khẩu từ mảnh đất "chảo lửa" H. Krông Pa (Gia Lai) cách gần 200km để đến đây sinh sống. Có lẽ, cả xã thì chỉ có H'Anh và Bin là hộ gia đình người Gia Rai giữa ngôi làng 99% là đồng bào Ba Na này. "Các em học sinh ở đây đang chịu nhiều thiệt thòi nhưng rất ham học. Nhiều ước mơ vẫn cần được viết tiếp bằng nỗ lực vươn lên của các em cùng sự giúp đỡ của thầy cô giáo. Thế nên, vợ chồng mình quyết định bám trụ tại nơi này truyền cảm hứng học tập, vươn lên cho các em", H'Anh cho biết. Bởi lẽ, H'Anh cũng đã phải trải qua thời gian cơ cực của một gia đình người Gia Rai đầy khó khăn. Chính được sự giúp đỡ của những người thầy, người cô ở quê, H'Anh đã vượt qua khó khăn, tập tục để có được tấm bằng đại học trong tay.

Cũng như thầy Tuấn, cô Thủy hay H'Anh là số ít những người giáo viên đang âm thầm "gieo chữ" ở các vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai. Họ dù biết phía trước vẫn bao chồng chất khó khăn nhưng với trách nhiệm "trồng người" của mình, vẫn âm thầm bám lớp, bám trường. 

MINH TÂN