Chuyện những người có “H” (2)

Thứ sáu, 03/03/2017 11:15

* Kỳ  2: Vượt lên chính mình

(Cadn.com.vn) - Có người đặt câu hỏi, như trường hợp của Th., của B. và nhiều người khác không may mắc phải căn bệnh thế kỷ HIV, họ sẽ sống tiếp phần đời còn lại như thế nào? Làm sao họ có thể vượt qua mặc cảm, sự dèm pha, ánh mắt kỳ thị của người đời?... Vậy nhưng, nếu có cơ hội gặp, trò chuyện, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên khi thấy tinh thần lạc quan, yêu đời và cả những hạnh phúc mà họ đang trải nghiệm sau chuỗi ngày chìm trong bóng tối ảm đạm. Với cảm nhận của tôi, để có được điều đó, không gì khác ngoài sức mạnh của tình yêu. Tất nhiên, đó là tình yêu thương của gia đình, người thân, bạn bè, cộng đồng xã hội và cả tình yêu đôi lứa. Có thể không được trọn vẹn, đủ đầy, nhưng với họ đó là nguồn sống, sự hồi sinh và là nguồn cảm hứng để họ chiến đấu với bệnh tật.

Từ ngày tham gia “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng”,
cuộc sống của Th. và B như được hồi sinh.

HỒI SINH

Trở lại câu chuyện của Phạm Thị Th., đã 14 năm qua kể từ ngày nhận “tin sét đánh”, đến bây giờ ngồi ngẫm lại, Th. vẫn nghĩ đó là một giấc mơ. Có thể trong giấc mơ ấy, có những trường đoạn chỉ toàn ác mộng, nhưng cuối cùng, một kết thúc có hậu cũng đã đến với cô...

Ngày ấy, khi đang trên đường từ bệnh viện tìm về cầu Sài Gòn, Th. chỉ có một ý nghĩ duy nhất là tìm đến cái chết để giải thoát. Và người cuối cùng mà Th. muốn nói lời từ biệt là đứa con gái bé bỏng ở quê nhà, lúc đó mới 3 tuổi. Gạt nước mắt, Th. cố kìm nén để tiếng khóc không bật lên thành tiếng khi nghe đầu dây bên kia, đứa con gái bập bẹ gọi: “Mẹ ơi, mẹ đang ở đâu? Mẹ về nhà với con đi. Con nhớ mẹ lắm!”. Nghe chưa hết lời con nói, chiếc điện thoại trên tay Th. rơi xuống đất. Tất cả ý nghĩ ban đầu về một sự giải thoát đều bay biến. Với Th., mọi việc không hẳn đã kết thúc trong đau đớn, mà ngược lại, có thể mở ra một lối đi khác. “Lúc ấy, em sực tỉnh. Mình còn có gia đình, bố mẹ, anh chị em, hơn hết là đứa con gái bé bỏng đang ngày đêm mong ngóng. Em hạ quyết tâm, dù thế nào mình cũng phải sống. Không những sống cho bản thân, mà quan trọng hơn là sống cho con gái, sống vì con gái” - Th. nhớ lại.

Sau 1 năm được người chú ruột đưa ra Hà Nội chăm sóc, Th. trở về quê nhà. Khác hẳn với hình dung ban đầu về một sự kỳ thị, xa lánh, hay ít ra là những ánh mắt khác thường từ những người xung quanh, Th. trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, đặc biệt là người mẹ chồng. Chắc bà hiểu, nỗi đau mà Th. đang phải gánh chịu phần lớn bắt nguồn từ con trai của mình, nên bà như muốn phần nào bù đắp lại. Hằng ngày Th. không phải làm bất cứ việc gì, chỉ chăm sóc đưa đón con đi học. Thời gian trôi qua, sau 4 năm về sống ở quê, sức khỏe, tinh thần cô bắt đầu hồi phục. Và trong một lần về quê ăn Tết, người bạn của Th. rủ cô vào Đà Nẵng chơi, một phần là để Th. thay đổi môi trường, phần nữa để Th. có cơ hội tìm kiếm việc làm, tìm lại ý nghĩa của cuộc sống và biết mình vẫn còn có ích.

Trưởng “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng” chăm sóc người nhiễm HIV tại bệnh viện.

VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI...

Năm 2007, Th. đến Đà Nẵng. Được sự giúp đỡ, giới thiệu của người bạn, Th. xin làm nhân viên tại một quán cà-phê. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cô đi học thêm nghề làm tóc. Cuộc sống nơi đất mới, gặp những người bạn mới đã giúp Th. thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với những người đồng cảnh ngộ. Qua tìm hiểu, Th. biết tại Đà Nẵng có một “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng” (dưới sự quản lý của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) - là mái ấm của những người không may mắc phải căn bệnh thế kỷ. Trở thành thành viên chính thức của nhóm, Th. hăng hái tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ, chăm sóc những người đồng cảnh ngộ. Qua những lần tham gia cùng nhóm, Th. hiểu thêm về những phận đời, những con người đang ngày đêm chống lại bệnh tật, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bước ngoặt, và có thể gọi là chuyện cổ tích đến với Th. sau 10 năm “sống chung với H” chính là việc cô tình cờ gặp và được một người đàn ông hết mực yêu thương, chăm sóc. Điều đáng nói, người đàn ông ấy không phải là người nhiễm HIV. “Bọn em gặp nhau trong một lần tình cờ anh đến quán cà-phê nơi em làm việc. Trong đầu em lúc đó không nghĩ mình có thể động lòng trước người đàn ông nào nữa, một phần vì bệnh tật, phần nữa em không đủ tự tin để đón nhận tình yêu” - Th. nhớ lại khoảng thời gian hai người gặp nhau vào khoảng năm 2014. Người đàn ông mà Th. nói đến là H.H.L (quê Ninh Thuận), là thuyền viên tàu cá, thường cập Cảng cá Thọ Quang sau những chuyến đi biển trở về.

Cho đến bây giờ, dù đã chung sống với nhau hơn 3 năm nhưng nhiều lúc Th. vẫn không thể lý giải tại sao một chàng trai bình thường, khỏe mạnh như L. lại yêu và sống với người con gái đã từng một lần đò, mang trong mình căn bệnh thế kỷ như cô. Biết hoàn cảnh của mình nên trước tình cảm của L., Th. một mực từ chối và tìm cách lảng tránh: “Có lần, khi anh đang trên đường từ biển về, qua điện thoại, em đã kể hết về bệnh tình cũng như hoàn cảnh của mình cho anh ấy nghe. Lúc đó anh chỉ im lặng. Em nghĩ có lẽ anh đã bắt đầu sợ. Nhưng không lâu sau, khi anh về đất liền thì lập tức đến tìm em và ngỏ lời yêu” - Th. kể về câu chuyện đời mình, thỉnh thoảng lại nhìn “chồng”. “Hơn 3 năm qua, nếu không có sự chăm sóc, thương yêu, những lời động viên, cử chỉ tận tình của anh, chắc em sẽ rất khó để vượt qua những gian nan, vất vả. Em không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn ông trời vì đã đem đến cho em một người đàn ông hết mực thương yêu, che chở cho em. Và với em, đó là nguồn sống” - Th. cảm động nói.

Chia sẻ về quyết định của mình, anh L. cho biết: “Lúc nghe Th. kể tôi cũng có chút sốc nhẹ. Cũng dằn vặt, đấu tranh tư tưởng ghê lắm nhưng có một điều mà tôi không thể lảng tránh, phủ nhận đó là tình cảm dành cho Th. là thật lòng”.

Không chỉ Th., câu chuyện tình của V.T.T.B cũng cảm động không kém. Ngày ấy, sau thời gian tích cực tham gia điều trị, uống thuốc theo phác đồ của bác sĩ tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố, B. dần hồi phục sức khỏe. Đặc biệt, từ khi tham gia “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng”, B. trở thành thành viên rất tích cực. Ngoài tham gia công tác xã hội, để mưu sinh, B. làm nhân viên tiếp thị cho một quán nhậu. Và cũng từ đây, B. tìm được hạnh phúc riêng cho mình. “Cũng vì mặc cảm, tự ti nên em không dám mơ sẽ có được hạnh phúc. Tình yêu đến với em như một định mệnh, có cưỡng lại cũng không được” - B. nói. Cũng rất đặc biệt, chồng cô không phải là người “đồng cảnh ngộ”. Sau 4 năm chung sống, điều B. cảm thấy hạnh phúc nhất là luôn nhận được tình yêu thương của chồng.

14 năm kể từ ngày phát hiện mình mắc căn bệnh thế kỷ như Phạm Thị Th. hay 8 năm như V.T.T.B, nhưng cả hai đã kiên cường đối mặt với hiện thực. Dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng với sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng và hơn cả là nghị lực, tinh thần lạc quan, tôi tin là Th., B. và nhiều người khác nữa sẽ vượt qua tất cả.

Doãn Nguyên Hưng  
(còn nữa)