Chuyện những người có “H” (3)

Thứ bảy, 04/03/2017 10:06

* KỲ CUỐI: BẠN THÂN CỦA NGƯỜI NHIỄM “H”

(Cadn.com.vn) - Những điều dưỡng, y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV được xem như những người nối dài sự sống của người bệnh. Sự tận tâm, hết lòng và trân trọng người nhiễm bệnh đã góp phần xóa đi sự kỳ thị với người có “H”. Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh - Khoa Quản lý điều trị (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS), kiêm phụ trách “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng” tại Đà Nẵng là một trong những người như thế.

Chị Hạnh vinh dự nhận giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” năm 2015.

Đau với nỗi đau người bệnh

Đã từ lâu cái tên y sĩ Hạnh trở nên quen thuộc với các bệnh nhân khi đến tư vấn, xét nghiệm tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng và tại phòng điều trị HIV/AIDS Bệnh viện Da liễu. Trong gần 10 năm (2008-2017), chị đã gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, cũng chừng ấy thời gian đã có hàng ngàn bệnh nhân được chị trực tiếp tư vấn xét nghiệm HIV. Tất cả đều xem chị là bạn, thân thiết hơn có thể gọi là người thân trong gia đình. Chính sự tận tâm, đồng cảm và hết lòng vì bệnh nhân của chị đã giúp cho nhiều người vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần, có người đã quên đi bệnh tật, cống hiến, có đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống HIV... Khi nói về chị, các bệnh nhân đều dành những tình cảm chân thành và trân trọng nhất.

Nói về công việc thầm lặng của mình, chị nhẹ nhàng bảo, được gần gũi chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là niềm vui, tâm huyết vì mình đã làm được việc mà không phải ai cũng có thể làm. Niềm vui đó còn được nhân lên khi có những bệnh nhân HIV/AIDS chỉ tin tưởng đến gặp chị và xin được chị tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ.

Y sĩ Hạnh chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc tư vấn, động viên bệnh nhân khi họ mới biết mình bị nhiễm HIV. Họ bị sốc, nên có những người không hợp tác cùng bác sĩ trong việc điều trị bệnh. Biết mình nhiễm HIV, hầu hết tinh thần người bệnh đều sa sút. Hiểu được tâm lý đó, chúng tôi quan tâm an ủi, động viên và tư vấn cho bệnh nhân việc điều trị ARV để kéo dài sự sống. Từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy, cán bộ y tế phải có lòng kiên trì, nhẫn nại thì mới thuyết phục được bệnh nhân”.

Khi được hỏi động lực nào khiến chị gắn bó với công việc đến vậy, chị cho biết: Có công tác trong lĩnh vực này mới hiểu được nỗi đau, bi kịch, sự giằng xé trong tâm can người bệnh. “Bệnh nhân đau cũng như mình đau”, và đây là nỗi đau không dễ gì được mọi người chia sẻ, thấu hiểu. Hơn nữa, phần lớn những người bị nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh rất khác nhau, có người vì một chút lơ là, bất cẩn trước những cám dỗ của cuộc sống sa ngã dẫn đến nhiễm HIV/AIDS; có người nhiễm bệnh từ chính người thân trong gia đình (chồng/vợ) đem lại; có người nhiễm bệnh trong lúc thi hành công vụ... Nhưng tựu trung, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. “Những năm trước đây khi phương tiện, công tác tuyên truyền còn hạn chế, thậm chí có một số y, bác sĩ vẫn còn có ánh mắt, cái nhìn không thiện cảm với những người mắc phải căn bệnh này. Bây giờ đỡ hơn rất nhiều nhưng trong xã hội đâu đó còn những người vẫn ác cảm, sợ sệt đối với người bệnh, kể cả người nhà bệnh nhân” - y sĩ Hạnh nhìn nhận.

Riêng chị, một phần vì công việc, vì “trót mang cái nghiệp vào thân”, phần nữa là vì lương tâm, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, cộng với sự đồng cảm, sẻ chia với những bệnh nhân HIV/AIDS... nên đã vượt qua tất cả để phục vụ người bệnh. Bằng việc làm cụ thể của mình, chị đã giúp cho nhiều mảnh đời trái ngang vươn lên trong cuộc sống. Đã không ít lần, những bệnh nhân nghèo, không tiền chữa bệnh đã được chị kêu gọi các nhà hảo tâm, tự bỏ tiền túi của mình hỗ trợ để họ yên tâm điều trị.

Y sĩ Trần Thị Kim Hạnh thăm, tặng quà bệnh nhân HIV đang điều trị tại bệnh viện.

Hạnh phúc là sự sẻ chia

Ngoài việc tư vấn, chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân trực tiếp đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, trong 10 năm qua, không biết bao lần chị đã không quản ngày đêm, mưa gió đến tận nhà người bệnh những lúc họ cần để trực tiếp tư vấn hỗ trợ. Chính vì sự tận tâm ấy mà hầu hết người bệnh nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố đều biết đến chị. Với trách nhiệm chuyên môn được giao, cộng với trọng trách trên vai khi trực tiếp phụ trách “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng”, chị đã đứng ra phân công, chỉ đạo các thành viên trong nhóm thường xuyên đi cơ sở, đến tận gia đình người bệnh để tư vấn, giúp đỡ họ. “Muốn xâm nhập địa bàn có hiệu quả, giúp người bệnh có cái nhìn tích cực hơn đối với cộng đồng, xã hội thì những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn phải kiên trì, chịu khó, tận tụy với trách nhiệm cao. Làm công việc này nếu không có cái tâm sẽ không làm được lâu dài đâu” - chị Hạnh chia sẻ.

Thật xúc động khi trò chuyện với một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được chị tư vấn, chăm sóc nói về chị với những tình cảm biết ơn chân thành. Sự chân thành ấy của người bệnh là nguồn động viên rất lớn, giúp chị quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả mỗi ngày. Nói như Phạm Thị Th., nếu không có những người như chị Hạnh, Th. không biết phải làm sao để vững tin chống lại bệnh tật. Virus HIV không đáng sợ bằng ánh mắt kỳ thị của người đời. Chính sự gièm pha, xa lánh của cộng đồng đã đẩy bệnh nhân HIV vào hố sâu biệt lập. Nhiều người trong số họ đã chết với nỗi đau khôn cùng của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. “14 năm nhiễm bệnh nhưng đến bây giờ em thấy mình vẫn khỏe mạnh, bình thường. Tất cả điều đó là nhờ chị Hạnh đã tận tình tư vấn, thường xuyên nhắc nhở em uống thuốc đúng giờ và giải thích cho em hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị tốt” - Th. bày tỏ. Quả thực, khi gặp và trò chuyện với Th., với B. và một số người trong “Nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng”, nếu chỉ nhìn bề ngoài, chúng tôi không nghĩ họ đang mắc trong mình căn bệnh thế kỷ.

Với chị Hạnh, những tình cảm chân thành từ phía người bệnh chính là động lực, cũng là mục tiêu phấn đấu của chị. Với những cố gắng, nỗ lực của mình, sự tận tâm và không ngừng sáng tạo, nhiều năm liền chị Hạnh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở, được UBND tặng Bằng khen, Sở Y tế tặng nhiều Giấy khen. Thật đặc biệt, năm 2015, chị Hạnh vinh dự được UBND tặng danh hiệu “Tỏa sáng Blouse trắng”.

Doãn Nguyên Hưng