Chuyện ở một trung tâm dưỡng lão

Thứ hai, 18/04/2016 09:40

(Cadn.com.vn) - Nghe chúng tôi trình bày hoàn cảnh và ngỏ ý đưa cụ bà Nguyễn Thị Mực (85 tuổi) đến sống tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức (TT Tân An, H. Hiệp Đức, Quảng Nam), chị Trịnh Thị Lời (60 tuổi) - Giám đốc Trung tâm, gật đầu ngay, còn đưa xe xuống tận Tam Kỳ để đón. Cụ Mực đi ở đợ từ lúc tóc còn để chỏm, những người chủ đã qua đời, cụ không còn nơi nương tựa...

Trong khu hương hỏa thờ những cụ già đã mất, chị Lời bày ra một mâm hoa quả. "Mình cúng để cầu bình an cho người mới vào"-chị nói. Trước đó, anh Nguyễn Văn Cương, Phó Giám đốc Trung tâm đã căng sẵn băng rôn, bày sẵn bàn ghế, để sau khi cúng xong, làm lễ tiếp nhận thành viên mới. Chị Lời giới thiệu cụ Mực với các cụ: "nhà chúng ta bữa ni có thêm một người nữa các mẹ nhé", các cụ cười, rồi tặng hoa cho cụ Mực, đấy là những cụm hoa giấy đơn sơ bứt trong vườn... Thêm cụ Mực là Trung tâm có tổng cộng 20 cụ già.

Đi vào hoạt động từ tháng 5-2008, đây là Trung tâm dưỡng lão do tư nhân lập ra duy nhất ở Quảng Nam, các cụ được bao cấp miễn phí toàn bộ, từ miếng ăn cho đến vật dụng sinh hoạt; khi mất, được mai táng, có chỗ thờ tự riêng. Chuyện của gần 10 năm trước: chị Lời bán một căn nhà, cộng với tiền dành dụm, gom được hơn 600 triệu đồng. Lúc đầu, tính đặt Trung tâm ở H. Thăng Bình quê mình, nhưng thủ tục hành chính quá rườm rà.

Nhờ bạn giới thiệu, chị ôm hồ sơ lên trình lãnh đạo H. Hiệp Đức, lãnh đạo huyện đồng ý ngay, cấp cho chị 5.000m2 đất dưới chân núi Dương Bồ, còn hỗ trợ 300 triệu đồng để xây Trung tâm khang trang hơn, với 10 phòng ở, cùng phòng quản lý, nhà bếp, phòng ăn, khu giải trí. Lại còn bố trí một khu nghĩa địa cạnh đó để dành cho những cụ già khi qua đời. Một năm sau, Nhà xuất bản Giáo Dục xây thêm một phòng học ngôn ngữ ám hiệu để dạy cho những trẻ em câm điếc. Ban đầu, Trung tâm có tên "Trung tâm dưỡng lão và đào tạo nghề cho người khuyết tật Hiệp Đức".  "Qua trở ngại ban đầu, mình tưởng sẽ khó đưa trung tâm đi vào hoạt động, nhưng mình lầm, quanh mình còn rất nhiều người tốt"-chị Lời nói.

Đời chị Lời cũng lắm truân chuyên, 5 tuổi, mẹ mất, bố lấy vợ khác, chị và hai đứa em sống nhờ nhà bà con. 10 tuổi, đi chăn bò thuê để có cái ăn. Lớn lên làm cô giáo, cũng không bớt khổ. Chị bị đau cột sống, chồng thì bị tai nạn, sức khỏe yếu hẳn, chị phải bỏ dạy, chuyển qua kinh doanh cây cảnh. "Có phải vì mình truân chuyên nên mới giúp người?"-"Thôi, đừng nói nhiều về mình, những mẹ ở đây, ai cũng khổ hơn mình"-chị Lời cười.

Chị Bốn chăm sóc cho các cụ.

Đúng như cái tên "Hiệp Đức"

Những cụ ở Trung tâm đều có thân phận khốn khổ như cụ Mực, xưa không ở đợ thì cũng ăn xin... Người đầu tiên đến Trung tâm sống là cụ bà Văn Thị Năm (84 tuổi), mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vào Sài Gòn bán vé số, đến lúc già không còn bán được nữa, về lại quê thì nhà không có, ăn xin ở chợ Cầu Mống, lấy lều làm nhà, lấy sạp làm giường; một lần, thấy đau trong người, cụ cầm số tiền ăn xin được đến bệnh viện khám, bác sĩ nói cụ bị hở van tim, hen suyễn, rồi giới thiệu cụ đến trung tâm. Còn cụ Nguyễn Thị Trướt (98 tuổi) thì không nhớ nổi quê mình ở đâu, đi ăn xin ở chợ Bà Rén, ngất xỉu giữa chợ, người ta đưa vô bệnh viện Tam Kỳ, chị Lời biết được, đưa về nhà sống gần 2 tháng rồi chuyển lên trung tâm...

Ở đây, các cụ sống quây quần, người khỏe đút cho người yếu ăn, ai có chuyện gì vui trong đời, ngồi kể cho nhau nghe. Việc chăm lo cho các cụ, đều do anh Nguyễn Văn Cương (61 tuổi), Phó Giám đốc Trung tâm, và chị nuôi Nguyễn Thị Bốn (54 tuổi) đảm nhiệm. Chị Lời nói chắc nịch: "Ở đây, anh Cương và chị Bốn là hai người vất vả nhất".

Hôm chúng tôi đến, anh Cương vừa từ bệnh viện về, mặt phờ phạc. Một cụ già ở Trung tâm bị viêm cầu thận cấp, lên cơn đau, phải nhập viện, 3 đêm liền anh thức trắng để chăm sóc cụ. Bà Phạm Thị Hóa (65 tuổi), người được Trung tâm nuôi dưỡng, bộc bạch: "Nhìn hai anh chị chăm sóc mình mà thấy xót lòng." Ngày nào cũng vậy, 3 giờ sáng, anh Cương và chị Bốn phải thức dậy, người thì nấu ăn, người thì lo cho các cụ đi vệ sinh, bởi người già ngủ rất ít. Đêm nằm thấy lạnh trong người một chút là chạy sang đắp mền cho các cụ, lạnh nhiều đắp 2 lần mền, rét đậm thì đắp 3 lần mền. Với 9 cụ nằm một chỗ, phải đút ăn cho từng người. Từ công đoạn nấu ăn đến vệ sinh cho 20 cụ, và để trung tâm sạch bong là việc không dễ chút nào.

Anh Cương nói vui, mình là phó giám đốc kiêm luôn giặt giũ, đầu bếp. Nhà cách Trung tâm chừng 50 cây số, hai anh chị tháng về một lần. Riêng chị Bốn có một đứa con út học Đại học Y Khoa Huế. Lương ở trung tâm một tháng 2 triệu đồng, không thấm tháp gì, anh chị bảo mình làm là vì tình. Năm ngoái, Trung tâm đổi tên lại thành "Trung tâm Dưỡng Lão Hiệp Đức". Anh Cương bày tỏ: "Hiệp Đức ở đây vừa là tên huyện, vừa có ý nghĩa là nơi mà mọi người cùng hiệp lại cái đức của mình".  Chị Bốn nói thêm: "Ở đây mình thấy rất vui, vì mình được sống trong nghĩa tình, vì mình coi các cụ như cha mẹ của mình". Cả chị Lời, anh Cương, chị Bốn đều gọi các cụ bằng "cha", "mẹ". Mỗi tháng, chi phí để Trung tâm hoạt động khoảng gần 15 triệu đồng. Ngoài tiền cá nhân chị Lời bỏ ra, ba con người này phải vận động trợ giúp của bạn bè, nhà hảo tâm. Về lâu dài, chị Lời tính mở một mặt hàng nào đấy kinh doanh. Chị nói nếu thiếu thốn quá, chị sẽ bán tiếp một căn nhà...

Mai Thành Dũng