Chuyện quanh tấm vé đặc cách
Đến lúc này, hành trình tìm vé dự Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam đã gần kết thúc. Ngoài những tấm vé trực tiếp, thể thao Việt Nam còn có những suất tham dự theo diện đặc cách. Vấn đề vẫn là xác định cho đúng VĐV được cử tham dự Olympic tới theo diện đặc cách.
VĐV Quách Thị Lan. |
Đành đi đường vòng
Trong hành trình tham dự Olympic, đương nhiên tấm vé trực tiếp vẫn danh giá hơn rất nhiều so với tấm vé đặc cách. Bởi xét ở khía cạnh nào đó, tấm vé trực tiếp dự Olympic Tokyo cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá sự phát triển của môn thể thao cũng như cả nền thể thao. Không ngẫu nhiên khi thể thao Việt Nam dù chỉ có cơ hội giành huy chương tại 1-2 môn ở đấu trường Olympic nhưng vẫn luôn đặt mục tiêu giành càng nhiều vé tham dự Olympic càng tốt.
Và trong hành trình dự Olympic tới, Việt Nam đã nhận được đề nghị cử VĐV tham dự theo diện đặc cách ở 2 môn điền kinh, bắn súng. Đây là hai môn thể thao trọng điểm của thể thao Việt Nam, từng có VĐV tham dự Olympic năm 2016 theo diện giành vé trực tiếp. Thậm chí bắn súng còn mang về 1 HCV, 1 HCB do công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016. Đó cũng là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic.
Nhưng mọi sự luôn vận động không ngừng. Trong thể thao cũng vậy nên mới có chuyện, đến trước kỳ Olympic tới, cả điền kinh và bắn súng đều không giành vé trực tiếp tham dự. Đặc biệt là bắn súng dù đã dự hầu hết các giải đấu tích điểm để xét vé hay giải đấu để tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 nhưng đều thất bại. Ngay cả nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh cũng không còn giữ được phong độ như khi giành huy chương tại Olympic 2016. Đến nỗi, anh cũng không dự Cúp bắn súng thế giới vào tháng 3 vừa qua tại Ấn Độ sau khi đã biết không còn cơ hội tranh vé trực tiếp tham dự Olympic Tokyo 2020. Trong khi đó, điền kinh Việt Nam còn có thể lý giải phần nào lý do không thể giành vé trực tiếp dự Olympic Tokyo 2020 là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không thể dự nhiều giải đấu tích điểm xếp hạng thế giới để xét vé tham dự. Cho nên việc phải tham dự Olympic Tokyo tới theo diện vé đặc cách cũng là chuyện chẳng đặng đừng.
Ở môn điền kinh, sau khi cân nhắc kỹ, Liên đoàn điền kinh Việt Nam cũng như bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) đã đề xuất VĐV Quách Thị Lan tham gia Olympic Tokyo 2020. Cuối tháng 6 vừa qua, cô gái người Thanh Hóa đã được Liên đoàn điền kinh thế giới công bố trong danh sách được tham dự Olympic Tokyo 2020 ở nội dung 400m rào. Sự lựa chọn Quách Thị Lan nhận được sự đồng thuận của giới làm nghề nhất là sau khi chứng kiến những nỗ lực của cô gái này trong nhiều năm qua.
Từ một VĐV còn nhiều chông chênh về tâm lý, Quách Thị Lan đã vươn lên để trở thành VĐV hàng đầu quốc gia cũng như châu lục ở nội dung 400m, 400 rào. Tấm HCV 400m rào Giải vô địch châu Á năm 2019 hay tấm HCV 400m rào ở ASIAD năm 2018... đã chứng tỏ được khả năng của cô gái này. Không kể, trong tập luyện, Quách Thị Lan cũng luôn chứng tỏ sự chuyên nghiệp để thực sự là tấm gương cho lớp VĐV sau.
Cũng vì thế, khi Quách Thị Lan được đề cử tham dự Olympic Tokyo 2020, giới chuyên môn đều đồng thuận, xem đây là sự đánh giá chính xác những nỗ lực và đóng góp cho điền kinh Việt Nam của cô gái này. Trong những ngày qua, Quách Thị Lan vẫn miệt mài tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để mong thể hiện tốt nhất năng lực của mình tại Olympic Tokyo tới.
“Cái khó nhất là việc không được đấu cọ xát để biết năng lực chuyên môn mình đã cải thiện ra sao. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được các thầy cho thi đấu cọ xát nội bộ để từ đó rút kinh nghiệm. Giải Olympic là giải quốc tế quan trọng nhất tôi được góp mặt nên phần nào mình cũng có áp lực riêng của bản thân. Nhưng tôi sẽ thể hiện hết năng lực của mình ở đấu trường này” – chia sẻ ấy của Quách Thị Lan càng khiến người ta yên tâm với lựa chọn của nhà quản lý cho suất đặc cách dự Olympic tới ở môn điền kinh.
Chút cấn cá từ môn bắn súng
Trong khi đó, môn bắn súng lại có những vấn đề nhất định trong việc chọn lựa xạ thủ tham dự Olympic Tokyo 2020. Liên đoàn bắn súng thế giới đã đề nghị Liên đoàn bắn súng Việt Nam cử một xạ thủ tham dự Olympic tới ở nội dung 10m súng ngắn hơi. Và mọi chuyện tưởng sẽ dễ dàng có lời giải. Nhưng hóa ra việc chọn ai lại không đơn giản khi những ngày qua, đã có những thông tin về việc lựa chọn của Liên đoàn bắn súng Việt Nam và Ban huấn luyện đội tuyển bắn súng quốc gia. Theo đó, đến lúc này, mỗi bên đều đang có lựa chọn của riêng mình.
Trong khi Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia lựa chọn xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thì phía Liên đoàn bắn súng Việt Nam lại ưu tiên xạ thủ có thành tích tốt nhất tại các vòng loại tranh vé tham dự Olympic Tokyo 2020 (nếu theo tiêu chí này thì Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp thứ hai) hoặc các xạ thủ trẻ. Tất nhiên, mỗi phía đều có lý do chuyên môn riêng và chính xác đến mức độ nào lại phải chờ kết quả thi đấu ở Olympic tới.
Tổng cục TDTT sẽ phải ra quyết định. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn từng chia sẻ là người được lựa chọn phải là VĐV có hình ảnh, chuyên môn tốt của thể thao Việt Nam. Tất nhiên, phía Tổng cục TDTT tôn trọng ý kiến của Ban huấn luyện nhưng cũng không thể bỏ qua ý kiến của Liên đoàn bắn súng Việt Nam.
Đến lúc này, lại có ưu tư rằng nếu bắn súng Việt Nam giành vé trực tiếp thì đã không nên chuyện khó xử. Thực sự, phải tính tới chuyện xây dựng lực lượng mang tính lâu dài của bắn súng Việt Nam. Và rõ ràng, đây mới là chuyện đáng quan tâm của bắn súng Việt Nam, nhằm luôn có VĐV giành vé trực tiếp dự Olympic thay vì gặp việc khó xử trong việc lựa chọn VĐV dự Olympic theo diện đặc cách.
MINH HÀ
Nguyễn Thị Ánh Viên cũng chờ vé đặc cách Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Giải vô địch bơi các nhóm tuổi toàn quốc 2021, cũng là giải đấu xét chuẩn tham dự Olympic 2020 đã không thể diễn ra. Điều đó khiến kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng mất cơ hội giành vé. Hiện tại Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam đang đề xuất Liên đoàn bơi quốc tế trao vé đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 cho Nguyễn Thị Ánh Viên. |