Chuyện TÌNH và LÝ
Người ta thường nói người Việt Nam duy tình, điều đó quả là không sai. Bất cứ biểu hiện nào trong đời sống xã hội, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ công sở đến gia đình, cộng đồng… ở đâu cũng có thể thấy bóng dáng của việc "tình đi trước lý". Trong quan hệ xã hội, hoạt động chính quyền, thậm chí trong khuôn khổ pháp luật v.v… thì thường vẫn là vận động, giáo dục, khuyên bảo rồi mới đến răn đe, xử phạt, cưỡng chế…
Lực lượng CSGT Công an TP Đà Nẵng ứng trực tại một chốt kiểm soát dịch COVID-19. |
Không ai phủ nhận cái tình người, một tài sản vô hình nhưng cũng vô giá, nó không chỉ là biểu hiện của tính nhân đạo đơn thuần mà còn là thể hiện của bản sắc văn hóa, nhân văn, nhân bản rất đặc trưng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nó sẽ thật sự quý báu, mang đúng nghĩa chữ TÌNH khi người ta không để nó lấn át hết lý trí, khi để nó hiện diện trong những biểu hiện của sự xuê xoa, vị nể, "giơ cao đánh khẽ" mà trong công việc và cuộc sống đời thường của chúng ta hiện nay rất dễ bắt gặp. Có những điều, nếu ở nước ngoài người ta cứ theo lý, theo luật mà làm thì có thể đối tượng nào đó bị thiệt nhưng bù lại sẽ có tác dụng giáo dục, đem lại cái lợi cho cộng đồng, cho xã hội. Còn ở ta, đôi khi cái tình với cái lý cứ vương vấn, đan xen lẫn lộn, dẫn đến những kết quả không theo kỷ cương nào cả.
Có thể lấy minh chứng sống động nhất về chuyện lý - chuyện tình ở nước ta, mà cụ thể là ở Đà Nẵng, nơi đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư. Có thể nói, trong gian nan, hoạn nạn tình người đã tỏa sáng hơn bao giờ hết. Nó thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp của người Đà Nẵng dành cho những "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống "Giặc COVID-19"; là sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng cho những hoàn cảnh khó khăn do chuyện mưu sinh phải ngừng lại vì phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Những suất cơm trưa miễn phí của những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc với những cô chú bán vé số, những cô chú lao công, những người lao động nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Không chỉ ủng hộ về vật chất, mà còn là những lời động viên, những lời cảm ơn chân thành, dễ thương,… tiếp sức cho những ngươi trên tuyến đầu, là nguồn động viên, nguồn cảm hứng quý báu để họ yên tâm, vững tin chiến đấu với "giặc"…
Chữ tình còn thể hiện trong nghĩa cử của chính những người chuyên thực thi "LÝ" đó là lực lượng Công an. Trước tình hình nhiều người lao động gặp khó khăn, mất việc do dịch COVID-19, lực lượng Công an thành phố, mặc dù phải căng mình tham gia chống dịch nhưng vẫn thể hiện tinh thần xung kích, chung tay cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, từ những suất cơm đến những đơn vị máu nóng,… Tất cả mọi người vẫn đang nỗ lực, chung tay để "Không một ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch". Đó còn là những chương trình trao tặng khẩu trang, các nhu yếu phẩm cho bà con. nhiều cán bộ chiến sĩ Cảnh sát khu vực xắn tay lo cho dân: thiếu gạo có gạo, thiếu dầu có dầu, cùng người dân chia ngọt sẻ bùi, vượt qua khó khăn, vượt qua dịch bệnh…
Đất nước đang trong giai đoạn tiến lên văn minh hiện đại, hòa nhập và mở cửa, điều đó không đồng nghĩa với việc không xem trọng chuyện tình nghĩa. Tình người phải được bảo tồn và phát huy, không để vật chất, đồng tiền làm lu mờ. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải làm quen với tính chuyên nghiệp, với những quy định của luật pháp hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nếu không muốn bị tụt hậu so với thế giới. Khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật" không chỉ là câu nói cửa miệng mà là sự nhắc nhở mọi người sống chung với sự nghiêm minh của pháp luật, tình lý phải rõ ràng, phân minh, tất cả là để hướng đến cái chung tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng, chứ không phải với một ai đó mà làm thiệt hại cho cái chung.
Liên quan đến việc ứng phó trong mùa dịch là minh chứng điển hình nhất về phân định rạch ròi giữa cái lý và cái tình. Trong đó, "khối óc" phải được ưu tiên, không để cái "con tim" lấn át. Vì xét cho cùng sự tỉnh táo và kiên quyết, nghiêm minh sẽ giúp mang lại rất nhiều điều tích cực cho cả cộng đồng, xã hội. Cả nể, xuê xoa, châm trước bỏ qua vì cái tình, vì quen biết rất dễ dẫn đến hậu quả khôn lường cho toàn xã hội, đặc biệt trong triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đơn cử chuyện vì nể nang, vì "thương tình" mà bỏ qua vi phạm của ai đó trong việc thực hiện các quy định về "5K" thì từ lỗi của một người sẽ hại bao người, đến khi nhận ra thì đã muộn.
Sự khoan dung, độ lượng trong cuộc sống là quý và cần thiết nhưng phải tùy trường hợp, tùy tình huống. Quan trọng là làm chủ được cái lý, vận dụng được cái tình một cách đúng lúc. Cái cần phát huy, giữ gìn và tôn vinh là cái tình người như trong câu chuyện nóng hổi xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trong những ngày cả nước gồng mình chống dịch. Đó là cái TÌNH đáng trân trọng, làm cho bản chất của người Việt Nam thêm tỏa sáng. Điều đó không đồng nghĩa với những loại tình của sự vụ lợi, cơ hội cũng như của sự nhu nhược, nể nang nhất là trong những vấn đề có ý nghĩa trò quan trọng đối với quá trình phát triển đi lên của mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước.
Dân Hùng