Chuyện trồng tỏi ở "vương quốc tỏi"

Thứ sáu, 10/01/2014 15:16

(Cadn.com.vn) - Ai cũng biết huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là quê hương của Đội hùng binh Hoàng Sa và có đặc sản tỏi nổi tiếng. Tuy nhiên, ít ai biết được nông dân Lý Sơn phải trồng tỏi như thế nào để chống chọi lại hạn hán, gió biển… Vài câu chuyện "sáng tạo" sau đây có lẽ cũng chỉ có ở… Lý Sơn sẽ phần nào giúp mọi người hiểu vì sao tỏi Lý Sơn có hương vị đặc trưng khó lẫn.

Toàn cảnh hồ chứa nước Thới Lới trên miệng núi lửa ở đảo Lý Sơn.

Xây hồ "nước vàng" trên miệng... núi lửa!

Không chỉ chống hạn khi nguy cấp, trong vụ Đông Xuân vừa qua nhờ sử dụng nguồn nước từ hồ chứa nước Thới Lới cung cấp, nông dân Lý Sơn đã giảm chi phí nhiều tỷ đồng so với sử dụng máy bơm để lấy nước tưới cho cây tỏi.

Những ngày cuối tháng 12-2013, cũng là thời điểm vụ tỏi Đông - Xuân năm 2013 - 2014, một trong 2 loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ nông dân ở huyện đảo Lý Sơn đang bắt đầu bước vào giai đoạn tạo củ. Tại cánh đồng ở thôn Đông, xã An Hải, cùng với người nhà kéo ống để tưới nước cho ruộng tỏi của gia đình, anh Nguyễn Văn Tường (56 tuổi) cho biết: Vụ tỏi năm nay mưa nhiều nên không lo, chứ chừng này năm ngoái nắng kéo dài liên tục làm các giếng nước tưới gần như cạn kiệt, hàng trăm ruộng tỏi trên cánh đồng tưởng chừng mất trắng vì thiếu nước. Năm nay, rất may nhờ nguồn nước từ hồ chứa Thới Lới cung cấp nên tình trạng trên được cải thiện.

Chị Võ Thị Hạnh (34 tuổi, trú cùng thôn), đang ở ruộng tỏi bên cạnh góp chuyện: Không chỉ cung cấp nước để chống hạn cho tỏi, hành trong lúc nguy cấp, nguồn nước tưới từ hồ chứa Thới Lới giúp nông dân nơi đây giảm chi phí rất lớn. Ông Nguyễn Tri Thức, Chủ tịch Hội ND xã An Hải nhẩm tính: Tại thời điểm này những năm trước, chi phí tiền nhân công, mua nhiên liệu... để tưới nước cho tỏi từ 150-160.000 đồng/lần/sào. Và bình quân cứ 3-7 ngày là tưới 1 lần. Trong khi đó sử dụng nước của hồ chứa chỉ khoảng 40-50.000 đồng/lần/sào, giảm hơn 3 lần. Trong vụ Đông Xuân 2012-2013 vừa qua, khoảng 150 ha tỏi ở các cánh đồng: Thầu Đâu, đồng Trên, đồng Dưới... ở xã An Hải đã được cứu nguy. Điều này cũng đồng nghĩa là hàng trăm hộ nông dân ở đây đã tiết kiệm được khoản chi phí nhiều tỷ đồng cho tiền nước tưới.

Và điều quan trọng không kém, mà theo người dân đó là từ khi đưa vào sử dụng, hồ chứa Thới Lới còn góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự xâm nhập mặn của biển đối với nguồn nước ngọt trên đảo. Ông Lê Văn Vinh (62 tuổi), ở xã An Hải khẳng định: Mấy năm trước khi hồ chứa Thới Lới chưa hoàn thành và tích nước, chỉ cần nắng kéo dài khoảng 1 tháng là hàng loạt giếng ở gần mép nước biển đều bị nhiễm mặn. Thế nhưng đến nay, tình trạng trên đã được cải thiện rõ rệt.

Được biết, hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng trên lòng hồ miệng núi lửa Thới Lới, thuộc xã An Hải, có diện tích khoảng 10ha, dung tích chứa hơn 270.000m3 nước, do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 8-2010 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5-2012, với tổng kinh phí gần 32 tỷ đồng. Cùng với cung cấp khoảng 60% lượng nước phục vụ sinh hoạt cho người dân; hồ chứa Thới Lới sẽ cung cấp nước tưới cho 200ha đất sản xuất nông nghiệp trên đảo khi khẩn cấp.

"Mặc áo" cho tỏi...

Trên cánh đồng tỏi đang xanh mướt ở thôn Đông, xã An Hải, bất chấp cái lạnh thấu da thịt, hàng trăm nông dân trong vùng đã có mặt từ rất sớm để phủ thêm, gia cố lại bờ lưới chắn cho ruộng tỏi của mình. Tại một ruộng tỏi nằm ngay sát bờ biển, vẫn không ngơi tay chỉnh sửa lại những nơi lưới bị gió thổi bung, ông Nguyễn Văn Thống (59 tuổi), ở thôn Đông cho biết: Nếu không có bờ chắn bằng lưới này thì chỉ cần vài hôm, tỏi sẽ bị gió thổi vào làm ngã dập hết. Ở một ruộng tỏi khác kế bên, dù có rào lưới thế nhưng thấy gió khá mạnh nên bà Nguyễn Thị Danh (60 tuổi), ở cùng thôn liền hối con cháu về nhà mang thêm lưới để "đắp" thêm. Vụ tỏi năm ngoái, do bất cẩn vì bận việc nên hơn 3 sào (500m2/sào) tỏi của gia đình chỉ sau một đêm đã bị gió làm dập ngã gần hết, làm năng suất giảm ước hơn 1/2 nên thất thu hơn 10 triệu đồng, bà Danh tâm sự.

Theo người dân thì, với số diện tích nằm phía trong còn đỡ, chứ nằm phía ngoài gần mép biển thì ngoài phủ lưới còn phải trồng thêm cây, che thêm lá dừa khô... mới chắn và làm giảm được sức gió thổi vào làm hư ruộng tỏi. Vì vụ tỏi trong năm nằm trong vụ Đông Xuân, cho nên nếu không có bờ chắn gió, đặc biệt là số diện tích tỏi nằm phía đông bắc của đảo thì sẽ gần như bị hư hỏng hoàn toàn, "may mắn" hơn thì năng suất cũng bị mất từ 80-90%.

Lưới làm bờ chắn là loại lưới cũ, có mắt cỡ bằng ngón tay út của trẻ con, nhưng tốt nhất là loại dùng để đánh bắt ruốc. Bình quân mỗi sào cần khoảng 10 kg lưới mới có thể làm đủ bờ chắn. Với giá lưới hiện nay khoảng 60.000 đồng/kg, tính ra tiền chi phí chưa kể công khoảng 600.000 đồng/sào, một người dân nhẩm tính. Do phải chịu đựng hơi nước mặn và gió nên thường số lưới làm bờ chắn chỉ sử dụng khoảng 2-3 vụ mùa là hỏng, phải mua lưới khác để thay. Riêng với cọc rào thì ngoài tận dụng cây gỗ cũ, nhiều gia đình khá giả mua cọc bằng bê-tông...

Cùng với cây hành, thì tỏi là cây trồng chính, mang nguồn thu chủ yếu cho nông dân huyện đảo Lý Sơn. Vụ tỏi hàng năm thường kéo dài từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 (âm lịch) năm sau. Để cho ra sản phẩm mang thương hiệu đặc sản "tỏi Lý Sơn", người nông dân nơi đây thường phải "sống chung với tỏi", chăm sóc tỏi như chăm sóc chính bản thân mình...

Doãn Nguyên Hưng