Chuyển từ thế “chạy theo” sang “tấn công” trong xét nghiệm COVID-19
Chiều 10-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến sáng 10-5, tổng số bệnh nhân trên thế giới đã vượt 158 triệu ca, trong đó trên 3,3 triệu ca tử vong. Dịch bệnh tại các nước trong khu vực vẫn chưa được kiểm soát, đặc biệt tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (Campuchia, Lào) và một số nước trong khu vực (Ấn Độ, Thái Lan).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. |
Tại Việt Nam, cơ bản tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của các biến chủng mới của virus, đặc biệt biến chủng B.1617 được phát hiện tại Ấn Độ, với tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn; dịch bệnh xuất hiện cùng lúc tại nhiều địa phương và sự xuất hiện các ca bệnh tại các cơ sở y tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín, lây lan rất nhanh. “Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn, đặc biệt là kịch bản mua sắm trang thiết bị vật tư y tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện. Sau khi họp với các chuyên gia, Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.
“Hiện tại công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020). Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua bằng hai phương thức xét nghiệm: kháng nguyên và kháng thể; chuyển từ thế “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Tương tự, việc xét nghiệm với người nhập cảnh trong các khu cách ly sẽ tiến hành cả xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể; dùng kháng nguyên nhanh để sàng lọc ngay ban đầu, từ đó, đưa ra các phương thức khác nhau để ứng phó. Bộ trưởng Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, khoảng 10 ngày nay, một số địa phương, bộ, ngành tích cực vào cuộc để phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “không kể ngày đêm”. Số lượng ca mắc mới COVID-19 tính từ ngày 27-4 đến 12 giờ ngày 10-5 là 442 người.
Trước tình trạng số ca mắc mới mỗi ngày cao tại nhiều tỉnh, thành phố, các chuyên gia nhận định có 4 điểm xuất phát dịch bệnh. Thứ nhất, điểm xuất phát dịch từ Đà Nẵng (với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và quán bar, thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng), đến giờ phút này, chúng ta đã khoanh hết được ca F1. Dự kiến, khi xét nghiệm lại toàn bộ, trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm một số ca nhưng không nhiều. Thứ hai, điểm xuất phát từ Yên Bái (với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương), đến nay, khoảng 75% số ca F1, F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm. Nguồn thứ ba là nguồn từ Hải Dương (từ một người có liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về, lây lan cho 3 ca) đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Nguồn thứ tư đang nóng nhất, từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội), lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện. Đến nay, các bệnh viện và địa phương này đã cơ bản kiểm soát, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các ca liên quan. Trong thời gian tới, từ 4 nguồn lây nhiễm này, mỗi ngày, cả nước có thể ghi nhận thêm một số ca nhưng cơ bản các nguồn lây nhiễm được kiểm soát.
“Ngoài 4 điểm xuất phát nêu trên, hoàn toàn có thể còn một điểm xuất phát trong cộng đồng mà chúng ta không biết nên bây giờ phải rất cảnh giác, nhất là những địa phương chưa ghi nhận các ca mắc COVID-19, phải thường xuyên giám sát chặt chẽ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.
Liên quan đến việc một số địa phương nói về việc thay đổi chiến lược phòng, chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng cho biết, như các chuyên gia phân tích, đó chỉ là cách diễn đạt khác nhau, còn chiến lược và nguyên tắc của Việt Nam hoàn toàn không thay đổi, được quán triệt rõ ràng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 với các bộ, ngành, địa phương, diễn ra vào ngày 7-5 trước đó. Đầu tiên, chúng ta phải ngăn chặn, kiểm soát biên giới cũng như người cách ly tập trung hoặc đang trong thời gian theo dõi, giám sát y tế, không để lây nhiễm trong cộng đồng. Để phát hiện nhanh nhất các ca bệnh, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ theo dấu các F1, F2, F3 mà cần sàng lọc định kỳ, sử dụng các biện pháp xét nghiệm khác nhau ở những nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nơi tập trung đông người...
Về khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần, khi có ca nghi ngờ mắc COVID-19, lập tức khoanh vùng gọn nhất có thể “vì mục tiêu kép”. Nếu chưa đủ điều kiện xác định tình hình để khoanh vùng hẹp nhất có thể, ngay lập tức khoanh rộng hơn nhưng phải khẩn trương thực hiện các biện pháp sàng lọc, điều tra dịch tễ cần thiết để xác định đúng điểm cần khoanh vùng chặt, nghiêm. Sở Y tế các địa phương phải tham mưu lãnh đạo địa phương, Bộ Y tế củng cố lại hoạt động của tổ chuyên gia, có hướng dẫn cần thiết để khoanh vùng cho đúng.
QUỲNH NHƯ – TTXVN