Chuyện về người chèo đò cùng mẹ Suốt năm xưa: Lặng lẽ sống một cuộc đời bình dị

Thứ ba, 12/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Năm xưa, có một người thanh niên chèo đò cùng mẹ Suốt trên những chuyến đò đưa bộ đội qua sông Nhật Lệ (Quảng Bình), đã từng vào sinh ra tử với mẹ Suốt trên một chiếc đò ngang. Những cống hiến của ông, chỉ với những ai năm xưa trực tiếp chứng kiến, sống, chiến đấu xung quanh sông Nhật Lệ ngày nào mới tường tận về hình ảnh một con người xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Tên ông là Lại Tấn Chuyên (1945).

Một thời lửa đạn

Câu chuyện về người thanh niên từng chèo đò cùng mẹ Suốt Anh hùng được người dân Bảo Ninh (Đồng Hới- Quảng Bình) “truyền tụng” khiến chúng tôi tò mò. Ghé Bảo Ninh, người dân nơi đây cho biết ông Chuyên đã cùng gia đình lên Trường Sơn từ năm 1976, nay thuộc Tổ 2- Tiểu khu 9, P. Đồng Sơn, TP Đồng Hới. Trong câu chuyện, ông không muốn nói về mình, một thời đã qua. Nhưng gặng hỏi mãi, ông mới chịu buông lời, khá tường tận về thời ấy, về Đồng Hới những ngày điêu tàn, về Bảo Ninh, về mẹ Suốt và cả những ngày trai trẻ của mình - khi là người chèo phất trên đò mẹ Suốt.

Lại Tấn Chuyên cùng xã Bảo Ninh với mẹ Nguyễn Thị Suốt. Tuổi 15, ông đã nuôi trong mình ước mơ làm anh bộ đội với cây súng trường ra nơi biên giới đánh giặc nhưng không được xét tuyển. Ông Chuyên được đưa vào Đội ba phòng (phòng gian, phòng hỏa và phòng tai nạn) của xã Bảo Ninh . “Họ có súng có đạn, bọn tui chỉ có cuộn dây và con dao găm tự rèn. Khi có tiếng bom, đạn nổ, nhiệm vụ bọn tui là hướng dẫn, đưa nhân dân đến hầm trú ẩn an toàn. Ngoài ra, bọn tui là đường dây sống nối liền mọi liên lạc” - ông Chuyên nhớ lại.

 Lại Tấn Chuyên cùng mẹ Suốt chèo đò trên sông Nhật Lệ năm xưa...

Năm 1965, khi Đồng Hới bước vào cuộc thử lửa thì ông Chuyên đang là đội phó Đội ba phòng. Ngay trong trận đầu tiên, ông được lệnh bổ sung xuống chèo đò ngang cùng mẹ Suốt. “Ngày 7-2-1965, nhằm ngày mồng 6 Tết Ất Tỵ, không quân Mỹ từ hạm đội 7 đột ngột tấn công TX Đồng Hới. Cường độ đánh phá nhanh chóng đẩy tới độ hủy diệt. Lệnh sơ tán dân thường được thực thi để Đồng Hới bước vào cuộc đọ súng ngang ngửa. Phố tan hoang, người chết, tàu thuyền hải quân và các đơn vị cao xạ bị tổn thất... Máu loang dòng Nhật Lệ. Nhưng, quân Mỹ cũng bị quân ta đánh cho một đòn chí mạng. Hàng chục máy bay cháy tan tành cắm đầu xuống đất, sông, biển. Trong lửa đạn mưa bom đó, hình ảnh người mẹ Anh hùng trên đất Bảo Ninh sáng ngời khi chở dân quân bộ đội sang sông. Một con đò như vậy thường xuyên phải có 2 người. Mẹ “một tay lái...” – ông Chuyên kể chuyện ngày xưa mà cứ như vừa mới xảy ra ngay hôm qua vậy. Còn cái lực đẩy thuyền đi (tức chèo phất - PV) là từ hai cánh tay của ông Chuyên năm ấy tròn 20 tuổi. Hình ảnh này cũng thật dữ dội, rạng rỡ trên sông Nhật Lệ năm nào.

Và, hình ảnh hai người, một già một trẻ dưới bom đạn chèo thuyền qua sông đã lọt vào ống kính của một phóng viên quay phim quân đội trong bộ phim tài liệu “Mỹ còn chơi với lửa - Mỹ sẽ thiêu thân” được chiếu rộng rãi trong cả nước và trên thế giới. Ngày đêm, ông Chuyên cùng mẹ Suốt đưa đoàn cán bộ đi, về, đưa quân, vận chuyển lương thực, súng đạn, chặt lá ngụy trang... Suốt ngày đêm trên sóng nước lênh đênh, dưới lửa đạn quân thù, tính mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và giờ đây, khi mái tóc đã đổi màu vì sương gió cuộc đời, trong ông Chuyên, những kỷ niệm về ngày ấy vẫn cứ vẹn nguyên, đong đầy: “Tui cùng mụ (mẹ Suốt - PV) trên một chiếc đò, nhiều khi khát nước quá, 2 người cùng uống nước từ một cái nón rách...”.

 ... và  bây giờ.

Lặng lẽ sống, một cuộc sống bình dị...

Câu chuyện về người chèo đò Lại Tấn Chuyên phần nào đưa chúng tôi trở về với cuộc sống “trong những trận địa ác liệt” của một thời lửa đạn năm xưa. Những năm sau đó, khi mẹ Suốt được đón nhận Anh hùng ngành Giao thông - Vận tải, ngày 15-7-1965, Lại Tấn Chuyên cùng 57 anh em của TX Đồng Hới tình nguyện lên đường, phục vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Đoàn 559, Binh đoàn 12 “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” cho đến Ngày thống nhất đất nước.

Càng tự hào về mẹ Suốt Anh hùng bao nhiêu, chúng tôi càng day dứt cho Lại Tấn Chuyên bấy nhiêu. Bởi, phía sau những ngày tháng hào hùng trên sông Nhật Lệ, ông anh dũng bao nhiêu thì trong thời bình ông lại lặng lẽ bấy nhiêu. Sau khi rời quân ngũ, ông tham gia vào hợp tác xã cơ khí. Nhưng rồi hợp tác xã cũng giải thể. Ông Chuyên về với đời thường như lời của nhà văn Nguyễn Thế Tường: “Ba không: không lương - không tước hiệu - không ai nhớ”. Ông cùng với vợ - bà Nguyễn Thị Tám, bươn chải đủ nghề cũng chỉ đủ ăn và nuôi 5 người con.

Chuyện đời của ông Lại Tấn Chuyên có lẽ gắn liền với hai cuộc chiến: cuộc chiến vì đất nước hòa bình thống nhất thời lửa đạn và cuộc chiến vì miếng cơm manh áo thời bình. Nhưng, ông Chuyên luôn tự hào về cuộc đời “thầm lặng” của mình. Giờ đây, những lúc nhớ về đồng đội năm xưa, ông Chuyên gửi gắm chút suy tư của mình vào thơ, vào những tác phẩm tự mình sáng tạo từ cây cỏ thiên nhiên hay đan tấm lưới, chèo con đò trên sông Nhật Lệ... “Ngày ấy, anh Chuyên dũng cảm cùng mẹ Suốt chèo đò qua sông Nhật Lệ. Còn bây giờ, anh ấy đang sống một cuộc đời lặng lẽ, khiêm nhường, dân dã” - bà Nguyễn Thị Tóa, nguyên Đội phó viên Đội ba phòng chia sẻ thêm.

Đồng Hới, sông Nhật Lệ, Bảo Ninh, mẹ Suốt... những hình ảnh đẹp nhất của Quảng Bình luôn được người đời nhắc đến, tự hào. Nhiều người thắc mắc, tại sao trong ngần ấy thời gian, cái tên Lại Tấn Chuyên không lên tiếng? - ông Chuyên điềm đạm: “Với tôi, thứ thiêng liêng nhất là cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước, cho quê hương có ngày toàn thắng. Nên, người ta nhớ hay không nhớ đến mình cũng là một lẽ đời. Miễn sao bây giờ và mai sau nữa, mình phải sống sao cho xứng đáng với những kỷ niệm thời ấy”.

Lại Tấn Chuyên là vậy! Lặng lẽ sống một cuộc đời bình dị!

Nguyễn Xuân Hưng