Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV:

Cơ bản đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông

Thứ năm, 09/11/2017 10:49

Chiều 8-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần sớm có chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần sớm có chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Không thể trì hoãn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá, dự án hoàn thành sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội; nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần phát triển du lịch đồng thời khắc phục một số hạn chế trong ngành giao thông hiện nay.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, dự báo đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Do vậy, trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, việc đầu tư ngay một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là không thể trì hoãn.

Tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nhấn mạnh, khi đã xác định dự án này là ưu tiên hàng đầu thì cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, chứ không làm theo kiểu cắt khúc, đứt đoạn, nửa chừng sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn. Đại biểu Đỗ Văn Sinh lưu ý, đã xác định đầu tư phải xem xét tính an toàn, hoàn chỉnh, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả. Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cần tập trung nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng đội vốn, gây lãng phí nguồn lực.

8 dự án PPP và BOT

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là hơn 118.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ xây dựng trước khoảng 700 km, chia thành 11 dự án thành phần với các hình thức đầu tư khác nhau trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, quy định như vậy là khả thi với tình hình nguồn vốn có hạn hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án BOT đã phát sinh nhiều hạn chế khiến nhiều người dân phản ứng. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải cần có báo cáo trước Quốc hội những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua để khắc phục.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, Chính phủ cần giải trình rõ các dự án đầu tư theo hình thức BOT nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh “lợi ích nhóm”; đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những bất cập theo hình thức đầu tư này mà Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra. Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, Nhà nước nên ưu tiên đầu tư vào đoạn, tuyến khó “kêu gọi” vốn, những dự án cấp bách còn đầu tư theo hình thức BOT nên lựa chọn đoạn đường người dân có nhu cầu đi lại cao, thu hồi vốn tốt.

Tán thành với phương án Nhà nước đầu tư 30% và 70% do xã hội hóa, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) nhấn mạnh, đoạn đường nào huy động xã hội hóa (BOT) thì cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi, từ đó giảm giá vé qua trạm. Chính phủ phải điều tiết vấn đề này để người dân trả tiền đi đường ở mức chấp nhận được.

Xác định cụ thể mức giá khởi điểm

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế xác định giá gói thầu để đấu thầu. Theo Tờ trình, qua thực tiễn sử dụng các tuyến đường BOT, vòng đời một dự án BOT vào khoảng 20 - 24 năm, Chính phủ ước tính, tổng thể mức giá thu toàn tuyến từ dự án BOT đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông là 2.500 đồng/km. Tuy nhiên, nếu xác định ngay mức giá 2.500 đồng/km, sẽ rất khó cho người dân khi có nhu cầu sử dụng tuyến đường này. Vì vậy, Chính phủ đưa ra phương án 8 khung giá, với mức khung đầu tiên là 1.500 đồng/km tại thời điểm năm 2019, sau đó tăng dần với tốc độ tăng 4%/năm. Phương án thứ hai là xác định giá thu sử dụng tuyển đường ngay tại thời điểm đấu thầu (tức là năm 2019), sau đó sẽ trượt giá theo thời gian khai thác các hạ tầng giao thông.

Một số ý kiến cho rằng việc xác định ngay mức giá từng thời kỳ trong thời gian 24 năm là quá dài và chưa phù hợp, do đó sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là khi có biến động lớn về chỉ số giá. Có ý kiến đề nghị giá dịch vụ cần được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số giá trung bình được nghiên cứu trên cơ sở chỉ số giá đã công bố trong khoảng thời gian đủ dài để bảo đảm mức độ tin cậy.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, công trình này có nhiều đoạn Nhà nước bỏ vốn đầu tư vì thế, giá đấu thầu nên xác định giá khởi điểm, mức giá của từng thời kỳ để làm giá cơ sở đấu thầu; đồng thời phải tính tới khả năng chi trả của người dân, khả năng “chịu đựng” phí của nhà đầu tư. Công trình này giao Chính phủ làm thì hàng năm Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc.

THU THỦY – TTXVN