Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh tại Đà Nẵng và miền Trung

Thứ sáu, 21/08/2020 08:31

Trước khi lên đường trở về Hà Nội để tiếp tục hỗ trợ cho một số địa phương trong công tác phòng chống dịch, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và PGS-TS Trần Như Dương – Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhắn gửi lại cho TP Đà Nẵng những thông điệp rất quan trọng về công tác phòng chống dịch trong thời gian tiếp theo.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng bày tỏ lòng cảm ơn đến Đoàn công tác của Bộ Y tế và cá nhân PGS.TS Nguyễn Trường Sơn.

“Đội đặc nhiệm áo trắng” rời Đà Nẵng

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Như Dương, TP Đà Nẵng đã từng bước kiểm soát được ổ dịch, tâm dịch tại BV Đà Nẵng cũng cơ bản kiểm soát... “Dự báo tình hình dịch còn phức tạp, khó lường vì vậy không thể chủ quan. Dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, không thể một sớm một chiều mà chấm dứt được. Số lượng ca nhiễm sẽ diễn ra khoảng trên dưới 10 ca trong một ngày, giảm dần trong những ngày tiếp theo cho đến cuối tháng 8-2020, nếu chúng ta duy trì được tốt các biện pháp phòng chống. Và khi số mắc, số người nhiễm về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Nguồn lây là người lành mang trùng nhiều khả năng đã chui sâu, bám rễ ở một số nơi, vẫn sẽ là nguy cơ thường trực để lây nhiễm cho người xung quanh và có thể gây ra các ca mắc không rõ nguồn lây ở bất cứ lúc nào”, PGS Dương nhấn mạnh.

Vì vậy, TS Dương cho rằng, việc phải duy trì giám sát, cách ly vùng chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả những trường hợp sốt, ho, đau họng, cảm cúm tại cộng đồng và tất cả cơ sở khám chữa bệnh là vô cùng cần thiết. Đây là chỉ số giám sát, theo dõi dịch rất quan trọng. Nếu phát hiện ca bệnh mới thì ngay lập tức ngăn chặn, xử lý ổ dịch, truy vết, cách ly F1 để triệt ngay, không để dịch có cơ hội bùng nổ. “Xuất hiện các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, một số điểm nóng tập trung nhiều ca bệnh nếu không xử lý quyết liệt thì có thể tiếp tục lây lan. Một số ca F1 cách ly chậm hoặc bỏ sót đã trở thành bệnh nhân trong cộng đồng, đây là một chỉ số rất xấu trong công tác phòng chống dịch và nguy cơ lây cho cộng đồng. Chính vì vậy, trong báo cáo hằng ngày phải làm rõ bao nhiêu ca bệnh là bệnh nhân từ F1 được cách ly và nhiều bệnh là F1 bị bỏ sót và phát hiện trong cộng đồng”, TS Dương nói.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, nhận định, đánh giá của PGS.TS Trần Như Dương rất trùng khớp với bối cảnh những ca nhiễm của chúng ta ở cộng đồng và cũng rất phù hợp với nhận định mới của xu thế dịch bệnh mà Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo trong những ngày gần đây...

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng, hiện nay xu hướng nguồn lây bệnh chính là những người trẻ, từ 20-40 tuổi. Đây là những người mang bệnh nhưng không có triệu chứng, không có dấu hiệu bệnh, thậm chí có thể tự khỏi. Và những người này rất chủ quan, đi nhiều, tiếp xúc nhiều và đây là nguồn lây chính đến những trường hợp dễ bị tổn thương nhất đó là những người có bệnh nền, những người lớn tuổi. “Điều nguy hiểm là nếu như bệnh đã nhiễm đâu đó ở nhóm tuổi 20-40 thì rất khó phát hiện. Chỉ bằng việc chúng ta sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm toàn dân mới phát hiện ra được. Còn không thì vẫn lẩn trốn ở đâu đó và không ho, không sốt, không cảm, không tức ngực thì lấy đâu mà đi bệnh viện, lấy đâu mà đến TTYT để xét nghiệm. Điều này buộc chúng ta phải nghĩ đến một chiến lược mới trong vấn đề xét nghiệm diện rộng, mở rộng đối tượng truy tìm chứ không phải chỉ là đối tượng có nguy cơ... Vì vậy, việc chúng ta điều tra dịch tễ học bằng phương pháp xét nghiệm kháng thể vẫn tốt, để có đánh giá cụ thể về vấn đề này”, ông Thơ nhấn mạnh.

Theo Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh là những người liên quan đến BV Đà Nẵng còn sót trong cộng đồng. Một số ít ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa tìm được nguồn lây nhiễm vẫn rải rác và được ghi nhận. Một số nơi thì chưa nghiêm việc thực hiện Chỉ thị 16, chưa tuyên truyền tích cực tại cộng đồng, một bộ phận nhân dân vẫn còn lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch. “Các biện pháp phòng chống dịch thời gian qua trên địa bàn TP Đà Nẵng cơ bản đúng hướng, phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, có nơi có chỗ chưa thật sự quyết liệt, chưa đảm bảo chất lượng, một số nơi chưa chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chống dịch tại cơ sở. Xem có tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh” không?”.

TS Trần Như Dương đề nghị TP Đà Nẵng tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hoạt động của hệ thống giám sát. “Chúng ta sẽ phát hiện sớm được ca bệnh nghi ngờ ở bất cứ nơi nào thông qua hệ thống giám sát sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp tại cộng đồng cũng như tại cơ sở khám chữa bệnh. Thành phố cần chú trọng đầu tư nguồn lực, nhân lực cho hệ thống giám sát tất cả các tuyến để nhanh chóng phát hiện được ca bệnh. Từ đó, đáp ứng kịp thời để dịch không có cơ hội bùng phát. Song song đó, Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để phát hiện người nhiễm bệnh trong cộng đồng để tổ chức cách ly, truy vết. Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ tổ chức cách ly, truy vết F1 thần tốc không được để sót và tổ chức cách ly triệt để. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm những người liên quan đến BV Đà Nẵng. Đề phòng nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly. Ngoài ra thành phố cần tiếp tục phát huy hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng, cũng như tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 cho đến hết chu kỳ 2. Đặc biệt, khuyến cáo, tất cả đám ma, đám giỗ trên địa bàn đều được báo cáo cho chính quyền địa phương để thực hiện quản lý, giám sát”, PGS Trần Như Dương nói thêm.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho rằng, những vấn đề trên, thành phố đã có quán triệt trong chỉ đạo thường xuyên hằng ngày nhưng về mặt chuyên môn, PGS.TS Trần Như Dương đúc kết lại gửi cho thành phố trước khi lên đường về Hà Nội. “Tất cả những đều đó rất quan trọng, cần thiết phải nhắc lại, nhấn lại để chúng ta tiếp tục duy trì kết quả đạt được của những ngày gần đây và tiếp tục phát huy cho những ngày tiếp theo. Từ đó chúng ta có thể đưa dần những con số nhiễm, phát hiện trong cộng đồng tiến về số 0”.

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đề nghị, ngoài việc nói không với chủ quan, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch, làm quyết liệt những biện pháp đã đề ra. Riêng các khu vực: BV Đà Nẵng, những người liên quan BV Đà Nẵng, F1, vùng cách ly y tế và những nhóm có nguy cơ như các chợ, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt và tốt nhất những quán triệt hằng ngày của thành phố, những gửi gắm về mặt chuyên môn mà PGS.TS Trần Như Dương đã đúc kết và gửi gắm lại...

Đoàn công tác Bộ Y tế dặn dò Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến.

Giữ vững “trận địa” tiến tới dập dịch hoàn toàn

Sáng 20-8, tại buổi gặp mặt và chào tạm biệt lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng trước khi lên đường trở về Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã nhấn mạnh, với sự tăng cường lực lượng và trang thiết bị y tế, về cơ bản đến nay TP Đà Nẵng đã đảm nhận tốt và nâng cao đáng kể năng lực giám sát, xét nghiệm và điều trị... Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP Đà Nẵng đã bước đầu được kiểm soát, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, biện pháp triển khai công tác phòng chống dịch trong thời gian đến, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chính quyền và nhân dân thành phố không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua. TS Sơn cho biết, các bộ phận chuyên môn khác của Bộ Y tế vẫn tiếp tục ở lại Đà Nẵng để hỗ trợ cho thành phố trong công tác phòng chống dịch.

Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thay mặt TP Đà Nẵng bày tỏ lòng cảm ơn đến Đoàn công tác của Bộ Y tế và cá nhân PGS.TS Nguyễn Trường Sơn. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã kịp thời cử Đoàn công tác đặc biệt đến thành phố để hướng dẫn, hỗ trợ thành phố triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát, xét nghiệm và điều trị Covid-19. Đồng thời, tư vấn giúp thành phố đưa ra các giải pháp, biện pháp kịp thời để ứng phó với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trong đó có việc thực hiện giãn cách và tiến hành “làm sạch” các bệnh viện lớn như BV C Đà Nẵng, BV Đà Nẵng để nhanh chóng phục vụ công tác khám chữa bệnh của nhân dân thành phố.

“Đoàn công tác đã không nề hà khó khăn, luôn có mặt tại các điểm nóng, tuyến đầu để tham gia hướng dẫn, hỗ trợ cho thành phố. Sự hỗ trợ của Đoàn công tác đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại thành phố, năng lực điều tra, xét nghiệm và điều trị Covid -19 đã được nâng cao, đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay. Lãnh đạo thành phố mong muốn Đoàn công tác tiếp tục quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác phòng chống dịch trong thời gian đến. Đà Nẵng quyết tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống để sớm dập được dịch, đem nhịp sống thành phố trở lại bình thường”, ông Thơ nhấn mạnh

LÊ HÙNG

Đã kiểm soát được dịch tại miền Trung

Ngày 20-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Đến giờ có thể khẳng định chúng ta đã kiểm soát được dịch tại miền Trung”. Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, những ngày vừa rồi, các tỉnh miền Trung liên tiếp có tin vui khi hàng chục ca Covid-19 được chữa khỏi, các bệnh nhân nặng được điều trị thành công và số lượng ca mắc mới thấp. “Thời gian tới, nếu tình hình không có gì thay đổi, cũng như không có trường hợp phát sinh đột biến thì BV Đà Nẵng cũng sẽ được gỡ phong tỏa”. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, nếu sau này khi các đội đặc nhiệm của Bộ Y tế và hàng trăm y bác sĩ chi viện từ khắp cả nước rút khỏi Đà Nẵng, những bệnh nhân nặng được hồi sức, thì ngành y tế Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng đáp ứng được tất cả đợt dịch Covid-19 nếu có.

-------

Đà Nẵng thêm một cơ sở y tế được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 

Trao giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARSCoV-2 cho BV C Đà Nẵng.

Sáng 20-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 Bộ Y tế tại Đà Nẵng và đoàn công tác đã trao giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR cho BV C Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo BV C cần tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ cho y tế Đà Nẵng góp phần vào nâng cao năng lực xét nghiệm sàng lọc của thành phố.

Bs.Ck 2 Nguyễn Trọng Thiện - Giám đốc BV C Đà Nẵng, cho biết từ ngày bệnh viện hoạt động trở lại, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 700-1.000 người đến khám, chữa bệnh. Công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phân luồng bệnh nhân từ xa được đặc biệt coi trọng. Với việc chính thức được trao giấy chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2, bệnh viện sẽ góp phần nâng cao năng lực chống dịch hiệu quả cho cán bộ y tế và người dân. Được biết, phòng xét nghiệm RT-PCR của BV C Đà Nẵng được cán bộ Viện Pasteur TPHCM tăng cường ra Đà Nẵng lắp đặt, hiệu chỉnh trong thời gian “thần tốc” 48 giờ.

Đà Nẵng hiện có 7 cơ sở xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2, trong đó 3 cơ sở xét nghiệm khẳng định là BV 199-Bộ Công an, BV C Đà Nẵng và CDC Đà Nẵng.

L.H

-------

Thêm 15 ca mắc mới, trong đó Đà Nẵng 11 ca

Ngày 20-8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã ghi nhận thêm 15 ca mắc mới Covid-19 -19, trong đó Đà Nẵng (11), Quảng Nam (1), Hà Nội (1) và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Trong 11 ca tại Đà Nẵng có 6 ca là người chăm sóc (BV Đà Nẵng: 5, BV Ung bướu Đà Nẵng:1), 3 ca là F1, 1 ca là nhân viên y tế và 1 ca là bệnh nhân tại BV Đà Nẵng.

Đến nay, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 367 trường hợp mắc Covid-19, đã ra viện 96 trường hợp, hiện có 243 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Đến 18 giờ ngày 20-8, Việt Nam hiện có 1.007 bệnh nhân và tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe là 83.644. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, trong ngày có 9 bệnh nhân (BV Phổi Đà Nẵng: 1, BV Dã chiến Hòa Vang: 8). Số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 44, lần 2 là 39 và lần 3 là 28. Số ca điều trị khỏi là 542 ca và số ca tử vong 25 ca.

L.H

-------

Thêm 10 bệnh nhân xuất viện

Thêm 8 bệnh nhân điều trị tại BV dã chiến Hòa Vang được công bố khỏi bệnh.

Chiều 20-8, BV dã chiến Hòa Vang cho xuất viện 8 bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị khỏi. Theo đó, 8 bệnh nhân được xuất viện gồm: 503, 580, 660, 688, 704, 769, 921 (đều trú TP Đà Nẵng) và 818 (trú Quảng Nam).

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, các bệnh nhân đều được xét nghiệm SARS-CoV-2, kết quả 3-5 lần âm tính với chủng virus này. Ngoài ra, kết quả khám lâm sàng ghi nhận các bệnh nhân không còn các biểu hiện sốt, ho, khó thở. Sau khi ra viện, các bệnh nhân được xe của bệnh viện đưa về và tự cách ly tại nhà 14 ngày theo hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh truyền nhiễm Covid-19.

Trước đó, sáng cùng ngày, BV Phổi Đà Nẵng cũng đã làm thủ tục cho BN 635 và BN 421 xuất viện, sau thời gian điều trị và có kết quả âm tính 3-4 lần với SARS-CoV-2. Đến thời điểm hiện tại, ngành Y tế thành phố đã điều trị khỏi 96 bệnh nhân nhiễm Covid-19.

L.HÙNG