“Cò đất” - Mùa vắng bóng

Thứ hai, 05/12/2022 08:29
Sau thời gian các cơ quan chức năng tại Quảng Nam, Đà Nẵng áp dụng nhiều “biện pháp mạnh” để quản lý những giao dịch liên quan đến bất động sản cộng với sự tác động từ nhiều yếu tố khách quan khác, tình trạng thổi giá đất đã được kiểm soát. 
Những “ki-ốt” của “cò đất” giờ đã đóng cửa im ỉm.
Hết tiền, nhiều dự án thi công dang dở nên giao dịch bất động sản cũng “đứng bánh”.

Ghi nhận của chúng tôi ở thời điểm hiện tại, các dự án tại một số địa phương, như: Điện Nam Bắc, Điện Ngọc, Điện Minh, Điện Dương, Hương An (Quế Sơn), vùng B Đại Lộc… (Quảng Nam), Hòa Khánh Nam, Hòa Tiến… (Đà Nẵng) nhiều văn phòng môi giới bất động sản di động đã đóng cửa, tạm ngừng giao dịch. Nhiều người dân cho biết, dạo rày nhiều “cò” bị “gãy cánh”, chẳng thấy “chao liệng” như thời gian qua nên tình trạng sốt giá đất, bong bóng bất động sản giảm đi nhiều…

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, đánh giá: “Đây là kết quả của việc UBND tỉnh Quảng Nam áp dụng đồng bộ các biện pháp, như: minh bạch thông tin, ngăn chặn việc tung tin đồn thổi về các dự án; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản; ngăn chặn hữu hiệu mọi hình thức “bán lúa non” của các chủ đầu tư... Ngoài ra, phải kể đến một số điều kiện khác, gồm: Ngân hàng Nhà nước thắt chặt gói vay tiêu dùng, lãi suất tại một số ngân hàng đều tăng vọt; yêu cầu người môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề; một số địa phương tạm dừng việc cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất…”

Ông Trần Sơn, một người môi giới bất động sản tại Đà Nẵng, trao đổi: Tại thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản bị “đóng băng”. Họa hoằn lắm mới có người hỏi mua đất song chưa chắc đã thực hiện giao dịch. Ngoài nguyên nhân thu nhập của người tiêu dùng vẫn còn ở mức thấp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì những quy định chặt chẽ của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã hạn chế được tình trạng một số “cò đất” bắt tay với nhau lướt sóng, gây ra tình trạng sốt giá ảo.

Những “ki-ốt” của “cò đất” giờ đã đóng cửa im ỉm.

Còn theo ông Nguyễn Dũng (trú xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam), sau một thời gian ồn ào do nạn “cò đất” lướt sóng, từ giữa năm 2022 đến nay việc mua bán bất động sản tại một số vùng ven, nông thôn tại các địa phương thuộc khu Tây, như: Duy Hòa, Duy Phú, Duy Tân… đã chững lại do người dân cảnh giác hơn trong việc mua bán, đặc biệt là Nhà nước thực hiện chủ trương tạm dừng việc chuyển mục đích sử dụng đất… Riêng tại khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc, một “cò đất” cho biết: Với chủ trương, khi cơ sở hạ tầng được các cơ quan chức năng nghiệm thu, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… mới được phép giao dịch. Từ chủ trương này, có đến 70%/tổng các dự án không đủ điều kiện để giao dịch. Do đó, tình hình mua bán bất động sản trở nên “ảm đạm”.

Cũng qua tìm hiểu, hiện tại nhiều chủ đầu tư các dự án khu dân cư tại Quảng Nam và Đà Nẵng đang đứng trước một khó khăn lớn, khó vượt qua để hoàn thành việc thi công hạ tầng theo đúng tiến độ đề ra là tình trạng thiếu đất san lấp. Các mỏ đất san lấp tại các huyện: Quế Sơn, Đại Lộc (Quảng Nam) và H. Hòa Vang (Đà Nẵng) đã khai thác hết trữ lượng hoặc hết thời hạn hoạt động nên công tác san lấp mặt bằng tại các dự án dường như bị “đứng bánh”. Một khó khăn lớn khác mà các chủ đầu tư phải đối mặt là vốn. Từ trước đến nay, chủ đầu tư các dự án đều sử dụng phương thức huy động vốn theo hình thức hợp đồng góp vốn, đặt chỗ, thanh toán cho các đơn vị thi công bằng đất nền… hoặc tài sản hình thành từ vốn vay ngân hàng. Thế nhưng, mọi hình thức huy động vốn từ những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã bị cấm và các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất là trở ngại không nhỏ.

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp đang đối mặt là khi được nghiệm thu cơ sở hạ tầng, Nhà nước mới quy định giá đất cụ thể đối với từng KDC. Do đó, nếu tổ chức huy động vốn theo hình thức “bán lúa non” để giải quyết bài toán “đói vốn” dễ dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ so với giá thành sản phẩm. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp thi công phần cơ sở hạ tầng nhưng không còn tiền thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển mục đích sử dụng đất nên không được phép đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc “cò đất” không còn hoạt động “ì xèo” như thời gian qua là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực kiểm soát thị trường bất động sản của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cần có những quy định chặt chẽ để đảm bảo tính trong sạch của thị trường bất động sản, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và tránh tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài như đã từng xảy ra.

M.T