Có được thỏa thuận không đóng bảo hiểm xã hội?
(Cadn.com.vn) - Ông Lê Văn Thương (trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) hỏi: Công ty (CT) chúng tôi có thuê 2 người trên 45 tuổi để làm nhân viên bảo vệ. Nay đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn 2 năm. Vì trước đây họ chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và nay tuổi đã lớn nên họ không muốn đóng BHXH. Việc Cty chúng tôi và người lao động tự nguyện thỏa thuận không tham gia BHXH có phù hợp với pháp luật không?
Thạc sỹ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định của Luật BHXH, người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do vậy, CT của ông Thương và người lao động có thời hạn HĐLĐ 2 năm tự thỏa thuận không tham gia BHXH là trái với quy định của pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu không đóng BHXH bắt buộc, doanh nghiệp sẽ bị phạt hành chính với mức phạt lên tới 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc - trong trường hợp không đóng cho toàn bộ người lao động thuộc diện phải tham gia thì mức phạt từ 18% đến 20%; và bị áp dụng biện pháp buộc khắc phục hậu quả, đó là buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc chưa đóng và phần tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc chưa đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Điện thoại tư vấn: 0905102425