Cô giáo vùng “rốn lũ”
(Cadn.com.vn) - Mỗi khi mưa to kéo dài, nhiều nhà dân ở thôn Đại An, Hà Tân của xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc, Quảng Nam) lại tất bật dọn dẹp nhà cửa phòng chống lũ. Những năm gần đây, lũ trên sông Vu Gia và sông Côn lên rất nhanh, các thôn vùng lũ ở xã Đại Lãnh bị ảnh hưởng nặng. Nhiều nhà bị ngập sâu từ 1 đến 2m trong lũ lớn nên người dân rất lo lắng trong mùa mưa lũ. Đầu tháng 11 này, mưa lớn kéo dài cộng với thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ làm cho một số tuyến đường liên thôn ở Đại Lãnh, các nhà dân vùng thấp lũ ở thôn Đại An và thôn Hà Tân bị ngập lũ.
Bà Trà Thị Minh (65 tuổi) ở thôn Đại An chỉ ngấn lũ ngập cao trên vách nhà và không khỏi lo lắng khi trời mưa nặng hạt. Bà Minh sống một mình trong căn nhà nhỏ, mưa dột tứ bề. Mỗi khi lũ trên sông Vu Gia cuộn đổ về, bà Minh nhờ hàng xóm dọn đồ đạc lên gác rồi mang tư trang qua nhà hàng xóm trú lũ. “Lũ tại thôn Đại An mấy năm nay lên cao, lại xảy ra nhanh nên ai cũng lo cho nhà cửa, tính mạng của mình. Tôi neo đơn lại tuổi cao sức yếu, mỗi khi lũ về thì nhờ thôn và bà con hàng xóm giúp đỡ” - bà Minh nói. Thôn Đại An là một trong những vùng “rốn lũ” ở xã Đại Lãnh nên việc “sống chung” với lũ đã quen với người dân nơi đây. Cơ sở chính của Trường Mẫu giáo Đại Lãnh nằm trên địa bàn thôn Đại An nên các cô giáo của trường có nhiều kinh nghiệm để chủ động ứng phó với bão lũ, vừa bảo vệ tài sản, đồ dùng dạy học, tài liệu, sổ sách... trong trường vừa đảm bảo an toàn cho các cô giáo và hàng trăm em học sinh nhà trường.
Đưa học sinh về tận nhà khi có mưa lũ. |
Các giáo viên Trường Mẫu giáo Đại Lãnh cho biết, cơ sở chính của trường cũng thường xuyên bị ngập trong mùa mưa lũ. Mức lũ lớn nhất sau bão số 9 năm 2009 làm tất cả các phòng hiệu bộ và phòng học tại cơ sở chính ngập sâu gần 3m. Mỗi khi lũ rút thì bùn lầy nước đọng, dọn dẹp vệ sinh trường lớp rất vất vả. Cô giáo Phạm Thị Thanh Thủy, giáo viên nhà trường cho biết: “Mỗi khi mưa lớn kéo dài thì các cô giáo phải thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết và thông báo của địa phương. Khi có thông báo lũ có khả năng xảy ra trên sông Vu Gia hoặc thủy điện đầu nguồn xả lũ thì nhà trường lập tức thông báo cho phụ huynh học sinh đưa con em về nhà. Các cô giáo lo sắp xếp, đưa máy tính, hồ sơ, tài liệu, đồ chơi của các cháu mẫu giáo lên trên cao để tránh bị hư hại”.
Sống chung với lũ nên giáo viên của Trường Mẫu giáo Đại Lãnh đã có sáng kiến đóng những chiếc kệ, giá bằng inox hoặc nhôm đặt cao hơn ngấn lũ lớn nhất trên tường, sát với trần la-phông để làm các kho lưu trữ. Khi có thông tin về lũ, lãnh đạo nhà trường cùng các giáo viên trong trường chủ động đưa tài sản, máy vi tính, hồ sơ sổ sách, tài liệu, đồ dùng dạy học, đồ chơi của học sinh và dụng cụ phục vụ cấp dưỡng... xếp lên trên cao tránh lũ. Sau khi lũ rút, trường lớp dọn dẹp sạch sẽ xong thì đưa xuống lại để phục vụ việc dạy và chăm sóc trẻ. Cạnh đó, mỗi khi có mưa lớn hoặc thông tin lũ, nhà trường phân công các cô giáo hướng dẫn và đưa các em học sinh về tận nhà để bảo đảm an toàn cho các em. Nhờ cách phòng chống lũ như trên mà Trường Mẫu giáo Đại Lãnh vừa bảo vệ được tài sản, hồ sơ sổ sách vừa đảm bảo an toàn cho cô và trò trong mùa bão lũ những năm qua.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Đại Lãnh sắp xếp tài liệu lên gác phòng chống lũ. |
Trường Mẫu giáo Đại Lãnh hiện có 11 lớp với 283 học sinh. Bước vào năm học 2016-2017, trường đã đầu tư từ vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa gần 400 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị... Các cô giáo cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về phòng chống bão lũ để đảm bảo an toàn cho cô và trò nhà trường. Nằm ở vùng “rốn lũ” Đại Lộc nhưng Trường Mẫu giáo Đại Lãnh liên tục trong 7 năm qua đạt Tập thể lao động xuất sắc, được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể và cá nhân đã cho thấy sự nỗ lực vượt khó vươn lên và tâm huyết với nghề dạy trẻ của tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Thạch Hà